Đằng sau những viên thuốc giả
Đường dây sản xuất thuốc giả quy mô lớn vừa bị Bộ Công an triệt phá. Sự việc như 'cú đâm' thẳng vào tinh thần người bệnh, những người vốn có miễn dịch mong manh, trông cậy vào những viên thuốc.

Sản xuất thuốc giả không chỉ là hành vi gian lận thương mại, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sinh mạng con người. Ảnh: Znews tạo bởi AI.
Hơn 18 vạn vỏ hộp, 142 kg viên hoàn, viên nén, bột… Số thuốc giả và nguyên liệu sản xuất bị thu giữ trong đường dây vừa bị Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá lên tới gần 10 tấn. Đường dây này sản xuất, buôn bán 21 loại thuốc giả, gồm cả thuốc trị ho và xương khớp, hoạt động từ năm 2021 và đã thu lợi bất chính gần 200 tỷ đồng.
Các đối tượng lập nhiều công ty, thuê dược sĩ đứng tên, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội với thông tin sai lệch, đánh vào tâm lý người bệnh.
"Họ mặc kệ sức khỏe người dân, đạp lên đạo đức để kiếm tiền", PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên cấp cao bộ môn Tim mạch, Đại học Y Dược TP.HCM, nói với Tri thức - Znews.
Những viên thuốc chứa bột mì, tạp chất
Vấn nạn thuốc giả đang trở thành "ung nhọt" nhức nhối trong hệ thống y tế Việt Nam, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người dân.
Không chỉ là hành vi gian lận thương mại đơn thuần, các đối tượng sản xuất thuốc giả ngày càng tinh vi trong "chiêu trò", "biến hóa" dược phẩm kém chất lượng, thậm chí không có hoạt chất, trà trộn tân dược nguy hiểm vào thuốc điều trị thông thường.
"Khi đọc được thông tin công an triệt phá được một lượng lớn thuốc giả, tôi cảm thấy sốc và tức giận. Họ mặc kệ sức khỏe người dân, đạp lên đạo đức để kiếm tiền", PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, Giảng viên cấp cao bộ môn Tim mạch, Đại học Y dược TP.HCM, bức xúc.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam chỉ rõ hai hình thức "lộng hành" phổ biến của thuốc giả.
Thứ nhất là giả hoàn toàn, khi thành phần thực tế chỉ là tá dược vô hại như bột mì, bột gạo.
Thứ hai là giả hàm lượng, khi hoạt chất bị giảm đáng kể so với thông tin trên bao bì. Dù ở hình thức nào, thuốc giả cũng gây ra những hệ lụy khôn lường cho người bệnh.
"Đối với thuốc giả hoàn toàn, nguy cơ trực tiếp có thể không cao, nhưng sự nhầm lẫn tai hại khiến người bệnh chủ quan, bỏ lỡ 'thời điểm vàng' điều trị, dẫn đến bệnh tình ngày càng trầm trọng và các biến chứng nguy hiểm", PGS Nam nói.

Các đối tượng trong đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả bị bắt giữ cùng tang vật. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa.
Đáng báo động hơn là tình trạng thuốc giả điều trị xương khớp thường bị "tẩm" các thành phần giảm đau, kháng viêm mạnh như Corticoid (Dexamethasone, Prednisone, Triamcinolone). Người bệnh uống vào có thể giảm đau nhanh chóng và trở nên lệ thuộc vào thuốc, cứ 'đau là uống', đây là con dao hai mặt.
Theo PGS Nam, việc lạm dụng Corticoid không theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt trong thuốc giả không rõ nguồn gốc và hàm lượng, có thể gây ra hàng loạt tác dụng phụ nghiêm trọng, hủy hoại sức khỏe người bệnh:
Giữ nước, giữ muối: Dẫn đến tăng huyết áp, béo phì, khuôn mặt biến dạng như mặt trăng (hội chứng Cushing).
Suy tuyến thượng thận: Gây rối loạn chức năng nội tiết nghiêm trọng do tuyến này "lười biếng" khi có thuốc từ bên ngoài.
Loãng xương: Tăng nguy cơ gãy xương, ảnh hưởng đến khả năng vận động.
Tăng nguy cơ huyết khối, nghẽn mạch: Đe dọa tính mạng người bệnh.
Loét dạ dày: Gây đau đớn và các biến chứng tiêu hóa nguy hiểm.
Giảm miễn dịch: Khiến cơ thể dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh.
Rối loạn chuyển hóa lipid: Gây đọng mỡ bất thường, ảnh hưởng đến tim mạch.
Lý giải về việc thuốc ho và xương khớp trở thành "miếng mồi" béo bở cho các đối tượng sản xuất thuốc giả, bác sĩ Nam phân tích có nhiều yếu tố. Trong đó, quy trình sản xuất của các loại thuốc này tương đối đơn giản. Bởi nó là dạng viên nén, viên nang dễ dàng làm giả bao bì.
Bên cạnh đó, các bệnh lý về cơ xương khớp và ho rất phổ biến, đặc biệt ở người lớn tuổi và người có thói quen hút thuốc, tạo ra thị trường tiêu thụ rộng lớn cho thuốc giả. Nguyên liệu rẻ tiền, thậm chí không có dược chất, giúp các đối tượng thu về lợi nhuận phi pháp cao ngất ngưởng. Họ khó "cưỡng lại" miếng bánh béo bở này.
Một lý do khác khiến thuốc giả dễ dàng tràn lan trên thị trường là kênh phân phối đa dạng. Thuốc ho và xương khớp thường được bán ở nhiều hiệu thuốc nhỏ lẻ, thậm chí trôi nổi, gây khó khăn cho việc kiểm soát chất lượng.
Vũ khí giết người thầm lặng
Cùng chung mối lo ngại, bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp, Bộ Quốc phòng, nhấn mạnh thuốc kê đơn đang bị làm giả ngày càng tinh vi tại Việt Nam. Đây không chỉ là hành vi gian lận thương mại, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sinh mạng con người. Nó tạo áp lực lên hệ thống y tế, bóp nghẹt ngành dược phẩm chân chính và xói mòn niềm tin vào hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe.
Luật Dược 2016 định nghĩa rõ ràng thuốc giả là những sản phẩm không có hoạt chất, sai hoạt chất, sai liều lượng hoặc giả mạo nhà sản xuất.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng xếp thuốc giả là "vũ khí giết người thầm lặng" tại các quốc gia có hệ thống quản lý còn nhiều kẽ hở, và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đáng lo ngại này.

Tang vật là thuốc giả bị công an thu giữ. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa.
Về mặt y học, hậu quả trực tiếp của thuốc giả nghiêm trọng. Đối với các bệnh lý nguy hiểm như nhiễm khuẩn, tim mạch hay ung thư, việc sử dụng thuốc giả có thể khiến người bệnh bỏ lỡ "thời điểm vàng" điều trị, dẫn đến mất cơ hội sống.
"Thất bại trong điều trị là một trong những hệ lụy phổ biến nhất của thuốc giả", bác sĩ Hoàng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, thuốc giả còn tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc, dị ứng do chứa tạp chất độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan, thận, tim mạch hoặc gây ra các phản ứng phản vệ nguy hiểm đến tính mạng.
Đặc biệt, với các loại thuốc tiêm hoặc vaccine giả được sản xuất trong điều kiện mất vệ sinh, nguy cơ nhiễm khuẩn toàn thân là hoàn toàn có thể xảy ra, thậm chí đã ghi nhận những trường hợp tử vong sau khi sử dụng thuốc giả.
Không chỉ gây ra những hậu quả trực tiếp, thuốc giả còn để lại nhiều hệ lụy gián tiếp nguy hiểm. Một trong những vấn đề nổi bật là gia tăng tình trạng kháng kháng sinh, một nguyên nhân hàng đầu gây ra cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu hiện nay.
Khi sử dụng thuốc kháng sinh giả, vi khuẩn không bị tiêu diệt triệt để, dẫn đến hiện tượng kháng thuốc và làm giảm hiệu quả điều trị về sau. Bên cạnh đó, người bệnh còn phải đối mặt với chi phí điều trị tăng cao, thời gian chữa trị kéo dài, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng do phải điều trị lại từ đầu sau khi sử dụng phải thuốc không hiệu quả.
Điều này tạo ra một vòng xoáy tiêu cực: thất bại điều trị - biến chứng - chi phí cao - gánh nặng y tế - và gia tăng nguy cơ tử vong.
Danh mục các loại thuốc giả bị thu giữ gồm:
44 hộp Tetracyclin
40 hộp Clorocid
49 hộp Pharcoter
52 hộp Neo-Codion
1.232 hộp Nhức khớp tê bại hoàn
4.122 hộp Tui Hua Shen Jing Tong (thuốc "thoái hóa Singapore")
2.285 hộp Trùng thảo sâm nhung bổ tỳ khai vị đại bổ hoàn
1.923 hộp Professor's Pill ("khớp xanh")
5.172 hộp Mujarhabat Kapsul (cũng là "khớp xanh")
2.017 hộp Gai cốt hoàn
930 hộp Tọa cốt thiên ma thống phong hoàn
6.612 hộp Tuyết liên thiên ma bảo khớp hoàn
1.014 hộp Phong tê nhức Bạch Xà Vương
4.743 hộp Phong tê nhức Hổ Cốt Hoàn
845 hộp Đa xoang mũi
4.012 hộp Viên vai cổ
2.413 hộp Yuan Bone
834 hộp Thoái cốt hoàn Plus
515 hộp Thoái hóa nhức khớp hoàn Plus
657 hộp Thoát hóa tọa cốt đơn
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/dang-sau-nhung-vien-thuoc-gia-post1546692.html