Đằng sau quan niệm 'travel blogger chỉ đi chơi cũng kiếm tiền'
Nhiều người cho rằng travel blogger chỉ cần đi du lịch khắp nơi cũng 'hái ra tiền', nhưng góc khuất đằng sau không phải ai cũng biết.
Travel blogger được hiểu là những người chu du nhiều nơi, sau đó đăng tải bài giới thiệu, đánh giá (review), chia sẻ kinh nghiệm về địa điểm, dịch vụ du lịch trên trang web, blog hoặc trang cá nhân. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, travel blogger tại Việt Nam dần có vị trí, chuyện kiếm vài trăm triệu đồng mỗi tháng là không hiếm.
Nhiều người xem travel blogger là công việc màu hồng. Không chỉ được rong chơi trên những cung đường, travel blogger còn có khoản thu nhập khủng, trong khi những người làm công việc khác phải rút hầu bao cho những chuyến du lịch.
Tuy nhiên, đằng sau những hành trình xê dịch ngút ngàn cùng sản phẩm triệu lượt xem, travel blogger phải đối mặt với nhiều khó khăn.
"Cân" hết mọi vai trò
Travel blogger thường xuất hiện với những hình ảnh hào nhoáng, lưu trú tại những khách sạn, khu nghỉ dưỡng sang trọng, ăn nhiều món ngon… Vì lẽ đó, travel blogger trở thành công việc sung sướng trong mắt nhiều người, nhưng đó chỉ là bề nổi.
Lý Thành Cơ (31 tuổi, sống tại TP.HCM) bắt đầu du lịch Hong Kong lần đầu và viết lách trên blog cá nhân từ tháng 5/2014. Tính đến nay, nam travel blogger đã đặt chân đến 41 quốc gia.
"Chính những trải nghiệm từ chuyến đi Hong Kong đã thôi thúc tôi dùng số tiền dành dụm trước kia và cả thu nhập từ công việc hiện tại để chu du khắp thế giới", Thành Cơ chia sẻ.
Để trở thành một travel blogger cần đầu tư về tiền bạc, chất xám và thời gian. Người làm công việc này phải đa nhiệm từ viết lách, chụp ảnh, quay phim, dựng phim, giao lưu với người hâm mộ và những đơn vị hợp tác cùng một lúc.
Trước mỗi chuyến đi, travel blogger phải lên kế hoạch chi tiết, xác định nơi muốn đến và xem xét nơi đó có phù hợp với ngân sách, tình hình sức khỏe hay không. Khi chọn được địa điểm, travel blogger phải chắt lọc những điểm đến đặc trưng, thắng cảnh đẹp nhất và nghiên cứu góc máy để cho ra những bức ảnh, thước phim nịnh mắt, cuối cùng là bắt tay vào viết bài hoặc dựng video.
"Trong suốt chuyến đi, tôi dành nhiều thời gian để trải nghiệm những điều đặc sắc nhất và nghĩ ra ý tưởng sao cho bài viết sát với thực tế. Nghe đơn giản nhưng để đưa đầy đủ thông tin đến người xem cũng tốn khá nhiều chất xám", Cơ bộc bạch.
Bên cạnh đó, người làm công việc này phải hoạt động không ngừng để duy trì lượng bài đăng trên những nền tảng mạng xã hội. "Nhiều đợt di chuyển cả ngày dài mệt mỏi, đến cuối ngày tôi vẫn phải cố gắng viết bài để kịp lịch lên nội dung", nam travel blogger tâm sự.
Giống như Lý Thành Cơ, travel blogger Đặng Thùy Dương (34 tuổi, quê ở Đà Nẵng) đã đi qua 30 quốc gia trong 7 năm. Nữ travel blogger phải làm việc hết công suất trong mỗi chuyến đi để cho ra những bài giới thiệu chất lượng.
"Nhiều người nhìn hình ảnh lung linh thì nghĩ tôi đi du lịch và hưởng thụ nhưng đâu ai biết những chuyến vi vu khắp năm châu là những ngày tôi làm việc cật lực. Có những ngày tôi chỉ ngủ 4 tiếng rồi lại tiếp tục làm việc", Thùy Dương nói về gian truân của người làm nghề.
Thậm chí, với những chuyến đi bất ngờ, Thùy Dương phải vừa đi vừa tìm hiểu về địa điểm sắp đến và tự chụp ảnh, quay hình, chỉnh sửa. Để biến những điều tai nghe, mắt thấy thành bài viết, bức ảnh lung linh hay video thu hút người xem là một quá trình đầu tư nhiều thời gian và công sức.
Thu nhập chính không đến từ những chuyến đi
Đa số travel blogger đều cho biết thu nhập từ công việc này không ổn định, có tháng rủng rỉnh, có tháng lại "rỗng túi".
Với những travel blogger mới, chưa tạo dựng được tiếng tăm, càng khó có được nguồn thu nhập. Thậm chí, những travel blogger có sức ảnh hưởng vẫn phải duy trì được độ phủ sóng cũng như bản sắc riêng để củng cố thương hiệu cá nhân.
"Khởi điểm của công việc này nên đến từ đam mê. Nếu xác định theo đuổi công việc này vì mục đích thương mại ngay ban đầu, bạn sẽ bỏ cuộc sớm", Lý Thành Cơ nói.
Mỗi travel blogger đều có nghề nghiệp riêng, từ đó kiếm tiền trang trải cho những chuyến du lịch để thỏa đam mê xê dịch. Hơn nữa, phần lớn đơn vị du lịch thường tài trợ một phần chi phí và chỉ "đặt hàng" travel blogger giới thiệu về vé máy bay, tour hay trải nghiệm homestay, khách sạn, nhà hàng tại một địa điểm cụ thể.
Thành Cơ từng dạy tiếng Anh, viết bài PR, cộng tác với một số hãng hàng không, công ty du lịch và nhãn hàng đồ uống, mỹ phẩm, thời trang… Tuy nhiên, với nam travel blogger, nguồn thu nhập từ những công việc trên chưa đủ cho những chuyến đi.
"Chuyến đi châu Âu vừa qua, tôi được nhãn hàng tài trợ vé máy bay, điện thoại, máy chụp ảnh để sử dụng. Đối với tôi, đây chỉ là hình thức lợi cả đôi đường, vì bản thân đã thích du lịch sẵn", Cơ cho biết.
Công việc chính của Thùy Dương là thiết kế, quản lý và vận hành thương hiệu thời trang. Một số chuyến đi, nữ travel blogger phải tự bỏ tiền.
"Không phải chuyến đi nào cũng được tài trợ. Việc cân đối chi tiêu không dễ, chi phí đi lại và ăn uống tôi phải cân đo đong đếm để không bị vượt quá nhiều", Thùy Dương tiết lộ.
Ngoài đăng nội dung về du lịch trên trang cá nhân, travel blogger còn phải đăng trong nhiều hội nhóm du lịch để mở rộng phạm vị tiếp cận công chúng. Qua thời gian, sự cố gắng dần được nhiều người biết đến và khả năng sẽ có thêm tài trợ từ nhãn hàng.
"Không nên chạy theo xu hướng rồi bỏ hẳn công việc hiện tại để làm travel blogger, vì công việc này bấp bênh và không hoàn toàn màu hồng như nhiều người vẫn tưởng", Lý Thành Cơ trải lòng.