Đằng sau sự leo thang xung đột ở Nam Kavkaz

Sự leo thang đột ngột của cuộc xung đột Armenia - Azerbaijan trong bối cảnh đại dịch COVID-19 một lần nữa cho thấy tính chất nhạy cảm và nguy hiểm của vấn đề này đối với an ninh khu vực. Armenia đã tìm cách đưa vấn đề lên Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) để kêu gọi phòng thủ chung.

CSTO ban đầu quyết định tiến hành một cuộc họp khẩn cấp nhưng sau đó lại hủy bỏ kế hoạch với lý do cần sự tham vấn từ các nước thành viên trước đã.

CSTO là một liên minh quân sự ra đời vào năm 2002, bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Trong đó, Nga là một trong những nước đầu tiên phản ứng với sự leo thang bằng việc kêu gọi các bên đối lập tự kiềm chế và tuân thủ nghiêm ngặt tình trạng ngừng bắn, đồng thời tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ giải quyết tình hình. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã có các cuộc điện đàm với những người đồng cấp phía Azerbaijan và Armenia. Các tổ chức quốc tế cũng kêu gọi 2 nước nối lại đàm phán càng sớm càng tốt.

Giám đốc Viện Nghiên cứu chính trị Sergey Markov tin rằng Armenia quan tâm đến sự leo thang hiện tại hơn là Azerbaijan. Theo ông Markov, Armenia hiện đang gặp phải các vấn đề chính trị nội bộ gay gắt. Rất có thể việc chuyển hướng sự chú ý ra bên ngoài sẽ khiến người ta "tạm thời quên đi" những rắc rối nội bộ. Một cuộc cạnh tranh gay gắt đang diễn ra ở Armenia giữa Thủ tướng Nikol Pashinyan và phe đối lập. Trong bối cảnh Armenia đang phải đối mặt với các vấn đề nghiêm trọng do đại dịch và các vấn đề kinh tế - xã hội, uy tín của Thủ tướng đang sụt giảm.

Sau khi sự kiện leo thang xung đột diễn ra, Armenia đã kêu gọi CSTO phải có sự can thiệp. Tuy nhiên, CSTO đã nhiều lần tuyên bố rằng họ không có nghĩa vụ hỗ trợ Armenia nếu xung đột xảy ra trên lãnh thổ Nagorno - Karabakh vì ngoại trừ Armenia, tất cả các quốc gia thành viên của tổ chức đều coi Nagorno - Karabakh và 7 khu vực xung quanh đó là một phần lãnh thổ của Azerbaijan.

Theo điều lệ của CSTO, các quốc gia thành viên của tổ chức phải hỗ trợ nhau trong trường hợp bị tấn công. Thế nhưng, hình thức tấn công thế nào lại là vấn đề cần phải bàn luận. Nagorno - Karabakh là mối quan tâm chung của Armenia và Azerbaijan từ xưa đến nay. Baku quan tâm tới Nagorno - Karabakh nhưng xung đột không xảy ra ở đây mà lại ở khu vực biên giới. Bởi vậy, Erevan có vẻ như khó thuyết phục được CSTO lần này.

Cộng đồng quốc tế lo ngại trước cuộc xung đột leo thang tại biên giới Armenia – Azerbaijan.

Cộng đồng quốc tế lo ngại trước cuộc xung đột leo thang tại biên giới Armenia – Azerbaijan.

Bên cạnh đó, tất cả các quốc gia thuộc CSTO đều có mối quan hệ tốt với Azerbaijan và không nước nào mong muốn hoặc có nhu cầu làm hỏng mối quan hệ này. Vì thế, trong trường hợp có bất kỳ sự leo thang nào, CSTO sẽ chỉ cố gắng nhanh chóng giải quyết vấn đề. Thực tế là Armenia đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại Azerbaijan lên tổ chức này và đòi hỏi các thành viên của tổ chức xem xét vấn đề cung cấp vũ khí cho Azerbaijan nhưng CSTO luôn phản ứng cầm chừng và thận trọng. Về cơ bản, không ai muốn tranh cãi với Baku.

Và thực chất, nếu sự leo thang có diễn ra ở Nagorno - Karabakh thì CSTO cũng không thể can thiệp vì vấn đề không còn nằm trong khả năng và thẩm quyền của tổ chức này. CSTO không ủng hộ giải pháp quân sự cho vấn đề này và cũng không thể can thiệp bởi nó nằm sâu trong lãnh thổ Azerbaijan.

Bàn về vấn đề này, chuyên gia quân sự kiêm Tổng Biên tập tạp chí Quốc phòng Nga Igor Korotchenko cũng cho rằng sự leo thang giữa Azerbaijan và Armenia ở khu vực biên giới xuất phát từ tình hình nghiêm trọng của nền kinh tế Armenia và sự mất cân bằng ngày càng tăng của chính quyền Thủ tướng Pashinyan. Korotchenko cho rằng Thủ tướng Pashinyan đang gặp khó khăn trong việc xử lý các vấn đề chính trị nội bộ. Phe đối lập đã hình thành một mặt trận thống nhất và đưa ra rất nhiều yêu sách đối với ông Pashinyan, bao gồm cả những yêu sách liên quan tới tình hình dịch bệnh đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát và Thủ tướng cùng Chính phủ đang bị cho là không làm việc hiệu quả.

Ngoài ra, nó còn cụ thể hóa việc sửa đổi chiến lược quốc phòng và an ninh mới của Armenia, kể từ khi ông Pashinyan lên nắm quyền. Nếu trước đây học thuyết và kế hoạch quân sự của Armenia phản ánh lập trường phòng thủ thì giờ đây đã chuyển hướng sang các cuộc tấn công phòng ngừa chủ động và các cuộc chiếm đóng đối với những khu vực mới của nước này trong trường hợp chiến sự bùng phát. Tất cả những điều này được hợp thức hóa thành chiến lược an ninh quốc gia mới của Armenia với những điều khoản cho thấy sự gia tăng tính tích cực và chủ động trong kế hoạch quân sự của nước này.

Theo một số nhà phân tích, cuộc leo thang xung đột vừa rồi cũng được coi như một phép thử với Nga: Liệu Erevan có còn là đồng minh với Moscow như trước nữa hay không? Ngoài những động thái tiêu cực về kinh tế và giáo dục nhắm vào Moscow thời gian gần đây, việc Erevan đang tích cực xây dựng quan hệ với NATO và các phương Tây, trong đó có Mỹ cũng khiến người ta không thể không đặt câu hỏi. Và có vẻ như phép thử đã thất bại.

Nga đã chứng tỏ rằng họ không có ý định ủng hộ Armenia mà sẽ giữ lập trường khách quan trong việc đối phó với tình hình. Không ai mong muốn cuộc xung đột này. Không có cuộc họp khẩn cấp nào của CSTO như kỳ vọng của Armenia. CSTO, cũng giống như Nga, bình tĩnh ứng phó với tình hình. Ngay cả Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cũng tỏ ý sẵn sàng hỗ trợ các chuyên gia quốc tế tiếp cận khu vực tác chiến và xác minh kẻ khởi xướng hành động khiêu khích như các cáo buộc khi tình hình cho phép. Ngược lại, không có bất kỳ tuyên bố nào tương tự từ phía Armenia.

Huy Khôi (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/dang-sau-su-leo-thang-xung-dot-o-nam-kavkaz-605530/