Đằng sau sự sụp đổ của đế chế đầu tiên
Kể từ khi được thành lập vào năm 2334 trước Công nguyên, đế quốc đầu tiên của nhân loại – Đế chế Akkadian đã liên tục phát triển và hùng mạnh.
Kể từ khi được thành lập vào năm 2334 trước Công nguyên, đế quốc đầu tiên của nhân loại – Đế chế Akkadian đã liên tục phát triển và hùng mạnh. Thế nhưng, khoảng 180 năm sau đó, trong lúc đang trên đỉnh thịnh vượng, nó đột ngột tan rã.
Đế quốc siêu cường
Đế chế Akkadian nằm trong khu vực Lưỡng Hà, Tây Á, một trong những cái nôi văn minh sớm nhất của nhân loại. Trước thế kỷ XXIV trước Công nguyên, Lưỡng Hà là vùng đất chia năm xẻ bảy.
Miền Nam Lưỡng Hà có 4 thành bang lớn, Ur, Uruk, Lagash và Kish, do người Sumer cai trị còn miền Bắc do người Akkadian cai trị. Giữa miền Nam và miền Bắc, thậm chí cả trong nội bộ 2 miền, liên tiếp xảy ra chiến tranh, chiếm đoạt lẫn nhau.
Truyền thuyết Lưỡng Hà kể rằng, người có công thống nhất khu vực là Sargon Đại đế (? – 2279) của người Akkadian. Xuất thân của Sargon Đại đế không rõ ràng, tương truyền là cậu bé bị cha mẹ bỏ rơi bằng cách đặt vào giỏ, thả trôi trên sông. Một người nông dân đã nhặt được chiếc giỏ này và nuôi dạy Sargon Đại đế như con ruột.
Tuổi thơ của Sargon Đại đế rất yên bình. Lớn lên, ông được cất nhắc làm người hầu rượu của giới cai trị (công việc vô cùng quan trọng, vẻ vang). Nhờ tiếp xúc với những người nắm trong tay quyền lực lớn, ông sớm trở thành cố vấn gia rồi leo lên vị trí đứng đầu. Sau khi thống nhất các thành bang phía Bắc, Sargon Đại đế chinh phục các thành bang phía Nam, cuối cùng thành lập Đế chế Akkadian.
Lưỡng Hà là vùng đất giàu có tài nguyên, nhân lực và sớm phát triển buôn bán. Sự chia cắt và chiến tranh ngăn cản sự phát triển của thương mại, khiến nền kinh tế bị đình trệ. Dưới sự thống nhất của Sargon Đại đế, toàn bộ các con đường được thông thương. Lẽ dĩ nhiên, hàng hóa lưu chuyển an toàn và buôn bán phát triển mạnh mẽ.
Sau Sargon Đại đế, các hậu duệ của ông nỗ lực bảo vệ sự toàn vẹn của đế chế và tiếp tục phát triển thương mại, mở rộng giao thương với các đất nước khác. Mặc dù, các thành bang thuộc phía Nam Lưỡng Hà liên tục nổi dậy, nhưng luôn bị áp chế. Đế vương Manishtushu (2269 – 2255 trước Công nguyên) còn thắng trận trước liên minh 32 tiểu vương, giành được quyền kiểm soát các vùng đất tiền Ả Rập (ngày nay là Các Tiểu vương quốc Ả Rập và Oman).
Thế kỷ 23 trước Công nguyên, Đế chế Akkadian đạt đến đỉnh cao của sự thịnh vượng. Nhờ đất đai trù phú và chiếm đoạt lương thực, tài vật từ chiến tranh, Akkadian giàu có tột bật.
Đế vương Naram-Sin, người cai trị trong khoảng 2254 – 2218 trước Công nguyên còn điên cuồng mở rộng biên giới ra phía Tây và phía Nam. Bờ cõi Akkadian bao gồm toàn bộ khu vực Lưỡng Hà, Cận Đông và Anatolia, kéo dài tới tận Bán đảo Ả Rập.
Nạn nhân của biến đổi khí hậu
Với vô số chiến công, Đế vương Naram-Sin ngạo mạn tự xưng là “thần sống”. Chỉ 68 năm sau thời gian trị vì của ông, Đế chế Akkadian siêu hùng mạnh đột ngột sụp đổ một cách triệt để. Truyền thuyết Lưỡng Hà nói rằng, đây là sự trừng phạt của thần linh.
Người hứng chịu sự trừng phạt này đầu tiên là Đế vương Shar-Kali-Sharri, con trai của Đế vương Naram-Sin, trị vì Đế chế Akkadian từ năm 2217 – 2193 trước Công nguyên. Suốt thời gian Shar-Kali-Sharri nắm quyền, các thành bang thuộc miền Nam Lưỡng Hà thi nhau nổi dậy, đòi ly khai và độc lập.
Đế vương phải vất vả lắm mới áp chế được họ, giữ vững sự toàn vẹn của đế chế. Thế nhưng, lớp sau của ông lại chỉ lo tranh chấp ngai vàng, cuối cùng tạo cơ hội cho các thành bang làm phản thành công, dẫn đến sự tan rã hoàn toàn của Đế chế Akkadian vào năm 2150 trước Công nguyên.
Trong góc nhìn của người hiện đại, sự trừng phạt của thần linh là điều phi lý. Suốt nhiều năm, các học giả cố gắng giải mã sự sụp đổ bất ngờ và triệt để của Đế chế Akkadian. Năm 1993, họ tìm ra nhiều bằng chứng cho thấy, siêu cường quốc thời cổ đại này có khả năng biến mất vì thảm họa khí hậu, cụ thể là đợt hạn hán kéo dài 300 năm, bắt đầu từ năm 2200 trước Công nguyên.
Phân tích sâu mẫu đất thu thập được từ các địa điểm định cư của người Akkadian ở phía Bắc Lưỡng Hà cho thấy, vùng đất này đã phải trải qua đợt nắng nóng chưa từng có, khiến các vùng đồng bằng màu mỡ biến thành sa mạc, không thể canh tác vì quá thiếu nước.
Khi thời gian hạn hán ngày càng kéo dài, các thành bang rơi vào nạn đói. Người dân buộc phải di chuyển về phía Nam có lượng mưa cao hơn, bỏ mặc thành quách lại phía sau.
Mặc dù có bằng chứng hạn hán, song các nhà nghiên cứu không thể lý giải nguyên nhân gây ra hạn hán. Một số người suy đoán là do sự thay đổi của luồng gió và dòng hải lưu. Một số khác thì lại cho là do có sự phun trào của núi lửa.
Ngoài ra, còn giả thuyết cho rằng, nguyên nhân sự sụp đổ của Đế chế Akkadian là do khả năng cai trị kém cỏi của bộ máy hành chính. Thất bát mùa màng triền miên và nạn đói hoành hành khiến các thành bang ngày càng hỗn loạn. Đúng lúc này, Akkadian lại bị… thiên thạch khổng lồ đâm trúng, xóa sổ hoàn toàn.
Gần đây, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Stacy Carolin dẫn đầu đã thu thập được một ít măng đá ở hang động tại Iran và phát hiện, chúng chứa lượng magie cao hơn đá vôi địa phương.
Xét vị trí, hang động này nằm ở phía Đông của Đế chế Akkadian, cách khá xa đường biên giới của nó và đúng hướng gió thổi từ Đế chế Akkadian sang. Những măng đá mà nhóm của Tiến sĩ Carolin thu thập được nhiều khả năng được hình thành từ bụi sa mạc Syria và Iraq (trong Đế chế Akkadian) được gió thổi đến. Nồng độ magie cao trong chúng chứng tỏ, 50 năm cuối của Đế chế Akkadian bị hạn hán tác động nghiêm trọng là có thật.
Sau sự tan rã của Đế chế Akkadian, Lưỡng Hà bị người Gutian (Cận Đông) thống trị. Khoảng năm 2100 trước Công nguyên, quyền lực chuyển giao về tay người Sumer. Trong suốt 184 năm Đế chế Akkadian, ngôn ngữ Akkadian đã trở thành tiếng nói chung. Vì thế, ngay cả khi người Sumer nắm vương quyền, ngôn ngữ của khu vực Lưỡng Hà vẫn là tiếng Akkadian. Sau này, ngay cả người Assyria và người Babylon cũng dùng ngôn ngữ này, chỉ cải biên đi một chút.
Theo ancient-origins
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dang-sau-su-sup-do-cua-de-che-dau-tien-post655650.html