Đằng sau sự xuất hiện mới nhất của vợ và con gái ông Kim Jong Un
Triều Tiên phóng tên lửa ICBM mới vào ngày 18/11, nối dài số vụ thử kỷ lục trong một năm, song tâm điểm chú ý lại đổ dồn vào con gái chưa từng xuất hiện của ông Kim Jong Un.
Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) ngày 19/11 cho biết vụ phóng hôm 18/11 sử dụng một "loại tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới".
New York Times cũng trích dẫn nhận định của các chuyên gia rằng vụ phóng đã cho thấy sự tiến bộ: Tên lửa được bắn ở một góc dốc có chủ đích.
Trong khi đó, theo đánh giá của các quan chức Nhật Bản, tên lửa này có thể đạt tầm bắn lên tới 15.000 km, có khả năng tấn công vào phần lãnh thổ chính của Mỹ.
Động thái của Triều Tiên kéo theo phản ứng mạnh mẽ từ giới lãnh đạo thế giới, khiến Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris tức tốc triệu tập cuộc họp khẩn với lãnh đạo các nước bên lề Hội nghị APEC.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, khi KCNA công bố những hình ảnh mới nhất về vụ phóng, mọi ánh mắt đổ dồn về bé gái xuất hiện bên cạnh ông Kim Jong Un tại bãi phóng ICBM - người được cho là con gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
“KCNA đưa tin Triều Tiên đã bắn thử một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17. Nhưng điều ngạc nhiên lớn nhất là sự hiện diện của con gái ông Kim - người chưa từng xuất hiện công khai trước đây”, Reuters viết.
Tiêu đề "Con gái ông Kim Jong Un lần đầu xuất hiện trước công chúng" cũng nằm trên trang nhất của CNN vào ngày 19/11. Bussiness Insider, Korea Times và Yonhap cũng lặp lại thông tin tương tự.
Sự xuất hiện bất ngờ
Hình ảnh con gái ông Kim Jong Un mặc áo khoác màu trắng, nắm tay cha khi tham quan bãi phóng tên lửa đạn đạo ICBM đang tràn ngập trên các mặt báo.
KCNA không nêu tên con gái của ông Kim, nhưng xác nhận nhà lãnh đạo Triều Tiên đã có mặt tại bãi thử cùng với “con gái và phu nhân đáng mến” để “đích thân hướng dẫn toàn bộ quá trình thử nghiệm”.
"Chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy con gái ông Kim" ở nơi công cộng cho đến nay, chuyên gia về Triều Tiên Ankit Panda lưu ý trên Twitter. Ông Kim nổi tiếng là người rất kín tiếng khi đề cập đến gia đình.
Michael Madden, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Mỹ, cũng cho biết: "Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy con gái của ông Kim Jong Un tại một sự kiện công khai”.
Theo tình báo Hàn Quốc, ông Kim kết hôn với phu nhân Ri Sol Ju vào năm 2009 và họ được cho là có 3 người con. Cho đến nay, vẫn chưa có thông tin chính thức nào đề cập đến con của ông Kim. Tên một trong ba người con của ông Kim chỉ được tiết lộ lần đầu qua cựu ngôi sao bóng rổ người Mỹ Dennis Rodman, vào năm 2013.
Sau chuyến đi đến Triều Tiên, ông Rodman cho biết ông Kim có một con gái tên Ju Ae. Cựu ngôi sao bóng rổ nói với Guardian rằng ông đã dành thời gian với gia đình ông Kim và bế đứa trẻ.
Theo ước tính của ông Maiden, Ju Ae hiện khoảng 12-13 tuổi. Điều đó nghĩa trong 4-5 năm tới, cô bé sẽ vào đại học hoặc đi nghĩa vụ quân sự.
India Express nhận định việc một nhà lãnh đạo Triều Tiên để con xuất hiện công khai trước khi đủ tuổi đảm nhận một vai trò nào đó trong bộ máy nhà nước, là điều gần như chưa từng có.
Song ông Maiden dự đoán: "(Động thái) này cho thấy cô bé có thể sẽ được giáo dục và đào tạo để trở thành lãnh đạo, có thể là vị trí lãnh đạo trung tâm hoặc một cố vấn hậu trường giống như cô của mình (em gái ông Kim Jong Un)".
Lý giải về sự xuất hiện bất ngờ của con gái ông Kim, ông Maiden cũng nhận định: “Việc ông Kim để cô bé ra mắt công chúng theo cách này thể hiện ông ấy đang có thái độ thoải mái nhất định".
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của con gái ông Kim lần này cũng cho thấy thế hệ cha truyền con nối thứ tư, và là lời nhắc nhở giới tinh hoa cốt lõi của Bình Nhưỡng cần chuẩn bị cho thế hệ tiếp theo.
“Sự hiện diện của cô bé dành cho giới tinh hoa", ông nhận định.
Thông điệp chiến lược
Vụ phóng ngày 18/11 cũng có sự xuất hiện hiếm hoi của phu nhân Ri Sol Ju. Theo ông Ken Gause, chuyên gia về Triều Tiên của CNA, "bất cứ khi nào bà Ri Sol Ju xuất hiện đều kèm theo thông điệp chiến lược”.
“Đó có thể là xoa dịu căng thẳng hoặc thể hiện sự gắn kết của gia đình ông Kim trong thời điểm khó khăn nội bộ", ông nói.
Vị chuyên gia cho biết thêm sự hiện diện của bà Ri Sol Ju cũng phù hợp với xu hướng "bình thường hóa" chính trị tại Bình Nhưỡng hiện nay.
Động thái của ông Kim Jong Un diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.
Tên lửa ICBM Hwasongpho-17 được phóng từ sân bay quốc tế Bình Nhưỡng và di chuyển ở độ cao tối đa 6.040,9 km với quãng đường 999,2 km trước khi rơi xuống biển Đông Hải (Tokyo gọi là biển Nhật Bản).
Sau vụ phóng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cam kết đất nước của ông sẽ tiếp tục đáp trả các mối đe dọa bằng vũ khí hạt nhân.
Bình Nhưỡng "sẽ kiên quyết phản ứng trước các cuộc ném bom hạt nhân bằng vũ khí hạt nhân, và (đáp trả) các cuộc đối đầu tổng lực", KCNA dẫn lời ông Kim.
Theo Bloomberg, Triều Tiên đã bắn hơn 60 tên lửa đạn đạo trong năm nay - số lượng lớn nhất trong thập kỷ cầm quyền của ông Kim Jong Un.
Leif-Eric Easley, phó giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Phụ nữ Ewha ở Seoul, nhận định Triều Tiên đang “cố gắng phá vỡ sự hợp tác quốc tế chống lại nước này bằng cách leo thang căng thẳng quân sự và cho thấy các thành phố của Mỹ cũng có nguy cơ bị tấn công hạt nhân”.