Đằng sau thỏa thuận quốc phòng giữa Israel và Hy Lạp
Hy Lạp và Israel sẽ ký một thỏa thuận trị giá 1,68 tỷ USD. Theo đó, Tập đoàn hàng không vũ trụ và quốc phòng Elbit Systems của Israel sẽ thành lập và vận hành một học viện bay để đào tạo phi công của lực lượng không quân Hy Lạp (HAF) và cung cấp các máy bay huấn luyện phản lực cho lực lượng này.
Đây là bước tiến lớn trong quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai bên, nhưng lại là đòn giáng mạnh vào Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh quan hệ giữa Athens và Ankara rơi vào giai đoạn "nóng hơn bao giờ hết".
Thông báo của Bộ Quốc phòng Israel đầu tháng 1-2021 cho biết, theo thỏa thuận trên, Israel sẽ mở một học viện đào tạo bay để huấn luyện phi công và cung cấp máy bay huấn luyện cho HAF. Học viện trên sẽ được đặt tại Kalamata, trên bán đảo Peloponnese ở phía Nam Hy Lạp. Giáo trình của học viện sẽ được thiết kế dựa trên chương trình dành cho không quân Israel (IAF). Cũng theo thỏa thuận này, Hy Lạp sẽ mua 10 máy bay huấn luyện tiên tiến M-346 từ Israel. Ngoài ra, Elbit Systems còn đảm nhận việc bảo dưỡng và nâng cấp máy bay huấn luyện động cơ phản lực cánh quạt T-6 Texan II của Hy Lạp, cung cấp các thiết bị mô phỏng, hỗ trợ huấn luyện và hậu cần trong thời gian 20 năm, nhằm mục đích đại tu khả năng huấn luyện bay của HAF.
Bộ Quốc phòng Israel cho biết, thỏa thuận kéo dài 20 năm này hiện là "thỏa thuận mua sắm quốc phòng lớn nhất giữa hai bên" và quyết định của Chính phủ Hy Lạp đã cho phép các bên đạt được những bước tiến mới trong các cuộc đàm phán trước khi ký hợp đồng chính thức. Bộ trưởng Quốc phòng Israel Gantz nhấn mạnh, thỏa thuận này sẽ tạo ra hàng trăm việc làm cho mỗi nước, đồng thời thúc đẩy sự ổn định ở Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, việc Athens và Tel Aviv đạt thỏa thuận quốc phòng lớn trên lại được xem là đòn giáng mạnh vào Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp chưa thoát khỏi khủng hoảng kéo dài từ cuối tháng 8-2020. Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp bất ngờ căng thẳng hồi năm ngoái sau khi Ankara đưa tàu nghiên cứu địa chất Oruc Reis đến vùng biển tranh chấp ở Địa Trung Hải tiến hành các hoạt động khảo sát dầu khí. Căng thẳng tiếp tục leo thang khi hai nước lại công bố kế hoạch tiến hành các cuộc tập trận riêng rẽ tại Đông Địa Trung Hải.
Trong khi đó, với quyết định bổ nhiệm ông Ufuk Ulutas làm Đại sứ mới tại Israel sau hai năm vị trí này bị bỏ trống hôm 15-12-2020, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đang tìm cách khôi phục quan hệ ngoại giao với Israel vốn bị “đóng băng” suốt một thập kỷ qua. Năm 2010, Thổ Nhĩ Kỳ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Israel sau khi 10 nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ người Palestine thiệt mạng trong một cuộc đối đầu với lính biệt kích Israel. Sau một thập kỷ “đóng băng” quan hệ, việc Ankara chủ động hòa giải với Tel Aviv được cho là xuất phát từ đà tiến vào thế giới Arab của Israel, buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải có những điều chỉnh phù hợp.
Tuy nhiên, dường như Tel Aviv không mấy mặn mà với động thái hòa giải của Ankara mà minh chứng chính là việc Israel chuẩn bị ký thỏa thuận quân sự với Hy Lạp trị giá 1,68 tỷ USD. Theo giới phân tích, khi cả Thổ Nhĩ Kỳ và Israel vẫn tồn tại những quan điểm khác biệt và cả hoài nghi, mối quan hệ dù bình thường hóa cũng khó có những thay đổi thực chất. Thỏa thuận mới giữa Israel và Hy Lạp cũng có thể tạo ra những đe dọa nhất định đối với mối quan hệ mới nối lại này.