Đằng sau tình trạng dân số ngày càng sụt giảm của Hàn Quốc
Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc là 0,81 vào năm ngoái, trong khi đó để duy trì dân số hiện tại, trung bình một phụ nữ cần sinh 2,1 đứa con.
Báo Korean Herald cho rằng để giải quyết vấn nạn này, các chính sách phải được thiết kế lại theo quan điểm tạo điều kiện hơn nữa đối với việc sinh nở và chăm sóc trẻ em.
Năm ngoái, tổng dân số của Hàn Quốc lần đầu tiên bị sụt giảm kể từ khi nước này bắt đầu lấy dữ liệu điều tra vào năm 1949. Tổng dân số là tổng số người sinh sống trên đất Hàn Quốc, tính cả người nước ngoài.
Theo Điều tra dân số năm 2021 được Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố tuần trước, tổng dân số của đất nước này tính đến ngày 1/11/2021 là 51,73 triệu người, giảm 91.000 người so với một năm trước đó. Số ca tử vong bắt đầu nhiều hơn số ca sinh vào tháng 11/2020, và ngay cả số lượng người nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc cũng giảm sau đại dịch COVID-19.
Xu hướng này có thể duy trì trong một thời gian dài. Tháng 12 năm ngoái, cơ quan thống kê ước tính tổng dân số của Hàn Quốc sẽ giảm xuống còn 47,36 triệu người vào năm 2050, 42,62 triệu người vào năm 2060 và 37,66 triệu người vào năm 2070.
Dân số ngày càng giảm sẽ tác động đến hầu hết các lĩnh vực của một quốc gia, bao gồm chính trị, kinh tế, xã hội, phúc lợi, quốc phòng và văn hóa. Trên tất cả, nền kinh tế sẽ không thể tăng trưởng ổn định. Cuộc điều tra dân số mới nhất đã xác nhận mức độ nghiêm trọng của vấn đề này.
Dân số trong độ tuổi lao động, hay những người từ 15 đến 64 tuổi, giảm 344.000 người trong một năm, trong khi số lượng người già từ 65 tuổi trở lên tăng thêm 419.000 người. Điều này có nghĩa là số người đang làm việc hoặc sẽ làm việc giảm xuống, nhưng số người mà họ phải hỗ trợ lại tăng lên.
Tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc là 0,81 vào năm ngoái, nhưng con số này sẽ giảm thêm bằng 0,7 trong năm nay và 0,6 trong năm tới. Trong khi đó, để duy trì dân số hiện tại, trung bình một phụ nữ cần sinh 2,1 đứa con.
Hàn Quốc là quốc gia duy nhất có tổng tỷ lệ sinh dưới 1% trong số 38 quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Quốc gia Đông Á này cũng có nền dân số già nhanh nhất trong OECD. Dự báo nơi đây sẽ trở thành một xã hội “siêu già” vào năm 2025, trong đó tỷ lệ những người từ 65 tuổi trở lên chiếm 20% dân số.
Và Hàn Quốc không còn nhiều thời gian. Kể từ năm 2005 đến nay, chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để thúc đẩy dân số bằng cách thông qua các điều luật liên quan và thành lập một ủy ban xử lý, nhưng vẫn không đạt kết quả như ý.
Tỷ lệ sinh cần tăng lên để ngăn chặn các tác động tiêu cực của quá trình già hóa, điển hình là suy giảm kinh tế và tăng chi phí an sinh xã hội. Từ năm 2006, chính phủ Hàn Quốc đã cập nhật bản báo cáo về tỷ lệ sinh thấp và già hóa 5 năm một lần, cũng như đầu tư 380 nghìn tỷ won, nhưng tỷ lệ sinh vẫn tiếp tục giảm.
Giá nhà đất tăng chóng mặt, thanh niên thiếu cơ hội tìm việc làm ổn định, chi phí giáo dục tăng cao là những yếu tố khiến giới trẻ Hàn Quốc ngại lập gia đình và không muốn sinh con. Do đó, Nhà Xanh đã đưa ra các gói hỗ trợ tiền mặt cho sản phụ, khuyến khích nghỉ thai sản và cố gắng cải thiện việc đối xử với phụ nữ khi nghỉ việc. Tất nhiên, bất kỳ biện pháp nào trong số này đều có thể góp phần nâng cao tỷ lệ sinh, song không thể đảo ngược xu hướng này, như các số liệu thống kê cho thấy.
Dù đã cải thiện hệ thống việc làm ưu tiên cho việc chăm sóc trẻ em và nam giới ngày càng tham gia nhiều hơn vào công việc gia đình, nhưng vấn đề này vẫn được coi là chặng đường gian nan ở phía trước.