Đằng sau tuyên bố giải thể của tổ chức khủng bố khét tiếng Đông Nam Á

Jemaah Islamiyah - mạng lưới khủng bố khét tiếng nhất Đông Nam Á mới tuyên bố giải thể và cam kết trung thành với nhà nước Indonesia. Nhưng theo giới chuyên gia, tuyên bố này không phải là dấu chấm hết cho các mối đe dọa tấn công và cực đoan hóa ở khu vực.

Trong đoạn video dài 3 phút được quay ngày 30-6, 16 thành viên cấp cao của Jemaah Islamiyah (JI, thành lập vào năm 1993) đã tuyên bố giải thể. Các thủ lĩnh của nhóm cho biết, bọn họ “sẵn sàng tuân thủ luật pháp tại Cộng hòa Thống nhất Indonesia” và đảm bảo chương trình giảng dạy trong các trường Hồi giáo trực thuộc JI “sẽ không có thái độ cực đoan”. Thông báo về việc giải thể do Abu Rusdan, người đã lãnh đạo JI từ năm 2003 đến 2004 công bố. Nổi bật trong số những thành viên cấp cao đứng sau ông ta trong video là Zarkasih (thủ lĩnh JI từ năm 2005 đến 2007) và Para Wijayanto (chỉ huy từ năm 2009 đến 2019, cũng là thủ lĩnh cuối cùng của nhóm). Rõ ràng, 16 người tham gia ký tuyên bố đều là những nhân vật “sừng sỏ” của tổ chức khủng bố lâu đời, rộng khắp Indonesia, Malaysia, Singapore. Nhưng liệu quyết định này có được tất cả thành viên tôn trọng hay không thì vẫn còn phải chờ.

Nhóm thủ lĩnh cấp cao của mạng lưới khủng bố Jemaah Islamiah khét tiếng Đông Nam Á tuyên bố giải thể nhóm hôm 30-6-2024

Nhóm thủ lĩnh cấp cao của mạng lưới khủng bố Jemaah Islamiah khét tiếng Đông Nam Á tuyên bố giải thể nhóm hôm 30-6-2024

Hơn 30 năm tồn tại dai dẳng

Các nhà phân tích và các cựu thành viên của JI cho biết, một phần lý do khiến tổ chức này tồn tại được hơn 30 năm bất chấp nhiều đợt truy quét là do họ có liên kết lỏng lẻo. Các chi nhánh giữ liên lạc ở mức tối thiểu, hệ quả là nếu một thành viên bị bắt thì chỉ những đồng đội trực tiếp của anh ta mới bị khui ra thay vì toàn bộ mạng lưới. Bên cạnh đó, người bị bắt sẽ bị tẩy chay khỏi tổ chức để bảo vệ các thành viên còn lại. “Ngay cả chỉ huy cao nhất cũng chỉ biết cấp trưởng sư đoàn thôi. Ông ta không biết những người trong các sư đoàn này là ai” - Hadi Masykur - cựu Thư ký JI từng chia sẻ.

Tiến sĩ Noor Huda Ismail - giảng viên Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singpore) cho hay, JI là sản phẩm của phong trào cực đoan Darul Islam (DI - một tổ chức nổi dậy ở Tây Java chống lại Chính phủ Indonesia từ năm 1948 đến 1962 để thành lập nhà nước Hồi giáo). Giai đoạn 1992 - 1993, phong trào DI bị chia rẽ dẫn đến thủ lĩnh chủ chốt Abu Bakar Baasyir (vốn chủ trương đi theo con đường Hồi giáo thánh chiến) đã thành lập JI. Nhưng động cơ nào dẫn đến giải thể cả mạng lưới? JI ban đầu được thành lập như một nhóm vũ trang, mục tiêu là thành lập một vương quốc Hồi giáo ở Đông Nam Á. Các thành viên của nó đã tham gia vào các cuộc xung đột giáo phái và nổi dậy trên toàn khu vực để đạt được mục tiêu đó. Tuy nhiên, chiến lược của JI đã thay đổi vào năm 2009 dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Para Wijayanto.

Về những thay đổi này, Tướng Mohammed Rycko Amelza Dahniel - Giám đốc Cơ quan chống khủng bố Indonesia trong phiên điều trần với Quốc hội vào ngày 27-6 cho biết: “Mạng lưới khủng bố JI và những nhân vật trí thức của chúng hoàn toàn hiểu rằng, Indonesia không thể bị tiêu diệt qua các cuộc tấn công như đánh bom. Bọn chúng sẽ không chiếm được trái tim của người dân nên đã có sự thay đổi về mô hình và cách tiếp cận”.

Để gây thiện cảm với dân chúng, thủ lĩnh Para Wijayanto đã thành lập một số tổ chức từ thiện, cử tình nguyện viên đến các khu vực bị thiên tai và chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người nghèo. Đồng thời, nhóm này cũng nỗ lực tuyên truyền thông qua các trường học trực thuộc JI. Sau khi Para Wijayanto bị bắt, chính quyền Indonesia đã tịch thu tài sản trị giá hàng triệu USD của JI đồng thời đóng cửa ít nhất 60 trường nội trú Hồi giáo trải khắp Indonesia có liên kết với mạng lưới khủng bố. Các nhà phân tích suy đoán rằng, quyết định giải tán JI một phần là một cách để bảo vệ tài sản của JI. Việc giải tán sẽ cho phép bọn họ tiếp tục điều hành các tổ chức từ thiện và trường học, tất nhiên không phải dưới danh nghĩa JI.

Cảnh sát chống khủng bố trong cuộc đột kích vào nhà một nghi phạm tại khu vực Medokan Ayu ở Surabaya, Indonesia hôm 15-5-2018

Cảnh sát chống khủng bố trong cuộc đột kích vào nhà một nghi phạm tại khu vực Medokan Ayu ở Surabaya, Indonesia hôm 15-5-2018

Luôn phải cảnh giác

Tiến sĩ Noor Huda Ismail tin rằng tuyên bố ngày 30-6 của 16 thành viên cấp cao của JI là một bước tích cực vì dù sao cũng có thể giảm bớt các cuộc tấn công khủng bố trong tương lai. Nhưng ông nói thêm: “JI giải thể là một tin tốt, một khởi đầu tốt, nhưng còn quá sớm để chúng ta kết thúc chương lịch sử có tên JI. Hy vọng là không, nhưng tôi nghĩ chúng ta không thể loại trừ khả năng xuất hiện các nhóm lẻ tẻ có thể bạo lực hơn JI”.

Thông tin đáng lưu ý là mạng lưới khủng bố này có thể không còn ai đứng đầu sau vụ bắt giữ thủ lĩnh Para Wijayanto vào năm 2019 và chỉ huy tạm quyền là Arif vào năm 2020. Việc tuyên bố giải thể cũng đặt 6.000 thành viên của JI vào một tình thế đặc biệt. Một số thành viên bất mãn coi quyết định này là một sự phản bội, có thể tìm cách hồi sinh JI, thành lập nhóm khủng bố riêng hoặc gia nhập các nhóm hiện có như Jamaah Ansharut Daulah vốn được tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hậu thuẫn. Một số thậm chí có thể trút sự thất vọng của mình bằng cách phát động các cuộc tấn công khủng bố.

Trong một báo cáo công bố hôm 4-6, Viện Phân tích chính sách xung đột (IPAC) có trụ sở tại Jakarta đã viết rằng, sau tuyên bố ngày 30-6, việc xuất hiện một nhóm riêng lẻ là có khả năng xảy ra, mặc dù không phải ngay lập tức. “Đây là lần đầu tiên… một nhóm gồm các chỉ huy cấp cao như vậy công khai thông báo về một sự thay đổi chiến lược. Nếu có sự phản đối, có thể phải mất một thời gian để tập hợp và tìm ra những thủ lĩnh mới tạo ra một tổ chức thay thế”.

Ngày 6-7, Bộ Nội vụ Singapore cho biết, việc giải thể JI ở Indonesia là một diễn biến đáng kể và là thành tựu lớn đối với chính quyền Indonesia. Tuy nhiên, mối đe dọa khủng bố đối với Singapore vẫn cao và quốc gia này tiếp tục là mục tiêu quan trọng của những kẻ khủng bố, đặc biệt với nguy cơ “các nhóm nhỏ bạo lực” nổi lên trong thời gian tới.

Phó Giáo sư Bilveer Singh - Phó Trưởng Khoa Khoa học chính trị của Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, ông không tin mối đe dọa của JI đã tan biến. Các nhóm tách khỏi JI sẽ sẵn sàng đảm nhận vai trò là một trong những nhóm cực đoan nguy hiểm nhất khu vực. “JI vẫn chưa bị giải thể, có lẽ nó đã phát triển thành một thứ gì đó nguy hiểm hơn” - Phó Giáo sư Bilveer Singh nói.

Theo Tiến sĩ Norshahril Saat - thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS - Yusof Ishak (Singapore), mối đe dọa JI đã tồn tại ở khu vực này lâu nhất. “Họ đã tàn phá xã hội, thực hiện các vụ giết người. Vì vậy, tôi nghĩ Đông Nam Á bị tổn thương bởi những gì JI gây ra”. Ông Norhsahril nhấn mạnh rằng, bất kể JI có tiếp tục tồn tại hay không, các quốc gia trong khu vực nên giải quyết vấn đề một cách tổng thể. Đó là nhìn vào hệ tư tưởng mà bọn chúng muốn truyền bá để tập trung vào những nhóm đang có xu hướng tuyển dụng cá nhân thông qua mạng lưới và mối quan hệ gia đình của họ.

Ông Ridlwan Habib - chuyên gia an ninh tại Văn phòng Tổng thống Indonesia cho biết, chính phủ sẽ tiếp tục cảnh giác để lường trước các hành động khủng bố tiềm tàng. An ninh sẽ được tăng cường trong những tháng tới, đặc biệt khi Indonesia kỷ niệm 79 năm độc lập vào tháng 8 và lễ nhậm chức của Tổng thống Prabowo Subianto cùng Phó Tổng thống Gibran Rakabuming Raka vào tháng 10. Ông Ridlwan cho biết, chính phủ sẵn sàng hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho các thành viên JI cũng như các trường học và tổ chức trước đây có liên quan đến nhóm khủng bố.

Tổ chức khủng bố Jemaah Islamiah nổi lên sau vụ đánh bom xe trên hòn đảo du lịch Bali của Indonesia vào ngày 12-10-2002 khiến 202 người thiệt mạng. Mạng lưới này cũng bị nghi ngờ đã thực hiện vụ đánh bom khách sạn JW Marriott ở Kuningan (Thủ đô Jakarta) năm 2003; đánh bom đại sứ quán Australia tại Thủ đô Jakarta năm 2004; đánh bom khủng bố Bali năm 2005; đánh bom khách sạn JW Marriott và Ritz-Carlton năm 2009. Jemaah Islamiah cũng trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến hàng chục vụ đánh bom ở miền Nam Philippines.

Theo Channel News Asia

Yến Chi

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/dang-sau-tuyen-bo-giai-the-cua-to-chuc-khung-bo-khet-tieng-dong-nam-a-post584235.antd