Đằng sau vẻ tăm tối của một bộ phim
Màu phim tối trong 'The Batman' hay 'Game of Thrones' thể hiện xu hướng triết lý phức tạp, đòi hỏi khán giả phải suy nghĩ nhiều hơn khi xem phim.
Vào buổi tối nọ, Nicholas Kay trở về thăm nhà cha mẹ ở bang New Jersey, Mỹ và anh rất bất ngờ trước chất lượng hiển thị trên màn hình TV - tối tăm và nhạt nhẽo.
Là kỹ thuật viên hình ảnh kỹ thuật số làm việc trong môi trường Hollywood, Kay cảm thấy bản thân bị xúc phạm bởi các cài đặt mặc định trên thiết bị này. Từ chức năng làm mịn, chuyển động đến độ sáng, những thông số khiến Kay chỉ biết thốt lên: "Chúa ơi!".
Theo Variety, dù màn ảnh nhỏ hay lớn (đối với rạp chiếu phim), trường hợp tương tự vẫn xảy ra. Nhiều máy chiếu không được bảo trì tốt và thậm chí độ phân giải chỉ từ 4K trở xuống. Và do đó, chất lượng hình ảnh hiển thị không cao như phim đã quảng cáo.
Nhưng cuối cùng, lý do cốt lõi khiến một bộ phim khoác lên cảm giác u ám đáng sợ là bởi vì đạo diễn muốn như vậy.
Sự âm u bao trùm phim Hollywood
Vài năm trước, cảnh chiến đấu cuối cùng trong series Game of Thrones bị đông khán giả chỉ trích vì màu phim tối đến mức không thể nhìn được chuyện gì đang xảy ra.
Đạo diễn hình ảnh của phim, Fabian Wagner, phát biểu trên Wired: "Mọi thứ chúng tôi muốn các bạn xem đều hiển thị trên màn hình". Wagner giải thích rằng cảnh quay được thực hiện vào ban đêm, chủ đích của màu phim là tạo sự khác biệt về mặt thẩm mỹ cho trận chiến so với các cảnh khác trong suốt loạt phim.
Ông cũng nhấn mạnh việc thưởng thức tác phẩm dù ở bất kỳ đâu, ngoài hay trong phòng tối với màn hình lớn, trung bình và nhỏ, đều ít nhiều gây khó chịu cho người xem.
The Batman của Matt Reeves diễn ra phần lớn vào ban đêm, The Handmaid's Tale lấy bối cảnh u ám và phim kinh dị Fear Street được bao trùm bởi màn đêm đen kịt khiến người xem cảm nhận rõ sự lo lắng. Những tác phẩm này đã bị phàn nàn "quá tối tăm".
Variety cho biết hệ thống rạp West Wind Drive-In ở Las Vegas còn đưa ra thông báo khách hàng sẽ không được hoàn tiền vé nếu cảm thấy màu phim The Batman không hợp nhãn.
"Ở vị trí dân trong nghề, tôi chưa bao giờ có suy nghĩ đấu tranh để thưởng thức lại bộ phim mình đã góp công. Nhưng thi thoảng, tôi khựng lại vài giây vì màu phim quá tối. Công việc của tôi thực sự là điều chỉnh mắt theo những gì đạo diễn muốn", kỹ thuật viên hình ảnh Nicholas Kay chia sẻ.
Tất nhiên, không chỉ tựa phim gần đây mới làm cho khán giả căng mắt. Có những đoạn trong loạt phim nổi tiếng thế kỷ 20 như Alien (1979), Dark City (1998) cũng khiến người xem hiểu nhầm màn hình bị mất điện, trục trặc kỹ thuật. Và nếu phim xưa được quay trên phim trường thật, hầu hết tác phẩm hiện đại có sự can thiệp mạnh mẽ của công nghệ kỹ thuật số.
Đạo diễn hình ảnh của Euphoria Marcell Rév không đồng tình quan điểm các phim đang có xu hướng tối hoặc nhạt màu hơn. Tuy nhiên ông thừa nhận siêu phẩm Seven (1995) của đạo diễn David Fincher chính là nguồn cảm hứng lớn cho thế giới phim noir (phim đen).
"Seven thực sự và cực kỳ đen tối. Cách David làm phim đã truyền động lực cho cuộc 'lột xác' của điện ảnh thập niên 1990. Darius Khondji - đạo diễn hình ảnh của Seven - tuyệt vời khi đã rưới lên màu tươi sáng bộ phim noir ấy. Phim mang vẻ nguyên bản và độc đáo khó tả. Tôi chưa thưởng thức thêm tác phẩm nào toát ra chất như vậy", Rév bày tỏ với Variety.
"Màu phim tối thể hiện xu hướng triết lý phức tạp"
Theo phóng viên Variety tiết lộ, đạo diễn Matt Reeves và đạo diễn hình ảnh Greig Fraser đã in bản in kỹ thuật số của bộ phim The Batman, sau đó đổ lên thuốc tẩy trắng (còn gọi là kỹ thuật Retaining the silver) nhằm giảm bớt phản ứng halogen bạc khi rửa phim, để chỉ hiển thị lên một phần hình ảnh. Cách làm này giúp hình ảnh có độ tương phản cao hơn.
Từ khi kỹ thuật số phát triển, các hãng phim đã kiểm soát được nhiều hơn chất lượng, màu sắc của sản phẩm cuối cùng. Nicholas Kay nói các nhà làm phim toàn quyền kiểm soát độ phân giải và màu sắc cho phim dù trước đó chất lượng quay có tối thế nào.
Tham khảo qua các tác phẩm Solo: A Star Wars Story, Arrival và mini-series When They See Us của người bạn Bradford Young, Kay nhận thấy chúng đều hiện lên với màu sắc tăm tối, và anh tin chắc đây là chủ đích của tác giả.
"Bradford thích dán mắt vào những thứ tối đen như mực. Trong tư duy anh ấy, màu phim tối hàm chứa ý nghĩa về sự ẩn ức, nỗi niềm mà nhân vật đang phải chịu đựng", Kay cho biết.
Về cơ bản, màu phim tối thể hiện xu hướng triết lý phức tạp, đòi hỏi người xem phải suy nghĩ nhiều hơn khi xem phim. Các phim Hollywood được tái dựng như kiểu thế giới ngầm, nhấn mạnh vào hành động có sự nhập nhằng giữa các chuẩn mực đạo đức, đam mê giới tính trong không gian của bóng tối.
Tuy nhiên, việc sử dụng ánh sáng tối dễ dẫn tới rắc rối cho các phim có diễn viên da đen hoặc da màu. Màu phim tối vô tình khiến nhân vật bị hiểu nhầm là được bôi đen da, hoặc họ trở nên "vô hình" khi lên phim.
Theo Variety, công nghệ hiệu chỉnh ánh sáng ngày nay phát triển mạnh đã góp phần giúp chủ thể sáng hơn trong khung hình. Tạp chí Mỹ đánh giá các phim của Bradford Young, Ava Berkofsky đã làm rất tốt khoản này.
Ngoài yếu tố thẩm mỹ và thông điệp đạo diễn muốn truyền đạt, màu phim tối đôi lúc còn mang đến lợi ích không ngờ. Bóng tối là giải pháp tuyệt vời để che giấu những đạo cụ như micro, dây cáp ở hiện trường. Kỹ thuật CGI và VFX hiện đại có thể xóa hết vật thể rác, nhưng đối với dự án kinh phí thấp thì phương án trên giúp tiết kiệm thêm khá nhiều chi phí.
"Alien được xem là ví dụ điển hình cho việc màn đêm nhấn chìm tất cả đạo cụ ghi hình, chân tay giả của nhân vật hiện lên như thật. Chỉ đến khi chiếu sáng các bộ phận đó, ta mới biết chúng là giả", Kay chia sẻ thêm.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dang-sau-ve-tam-toi-cua-mot-bo-phim-post1302883.html