Đằng sau việc EU vẫn tiêu thụ khí đốt Nga với tốc độ kỷ lục
Việc thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine kết thúc không ảnh hưởng đến nhịp độ EU mua LNG được vận chuyển bằng tàu biển từ các cảng của Nga.
Châu Âu đang mua khí đốt Nga với tốc độ chưa từng có vào năm 2025, chi hàng tỷ USD trong chỉ vài tuần sau khi thỏa thuận với Gazprom kết thúc, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng lục địa này có thể phá vỡ sự phụ thuộc năng lượng vào Moscow.
Dữ liệu do công ty tình báo hàng hóa Kpler thu thập và được Politico phân tích cho thấy, trong 15 ngày đầu tiên của năm 2025, 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã nhập khẩu 837.300 tấn khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga.
Con số này đánh dấu mức cao kỷ lục, tăng so với mức 760.100 tấn được khối này nhập khẩu trong cùng kỳ năm ngoái.
Kể từ khi thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga theo đường ống qua lãnh thổ Ukraine giữa gã khổng lồ năng lượng quốc doanh Gazprom và khách hàng châu Âu hết hạn bắt đầu từ ngày 1/1, áp lực đã gia tăng đối với các quốc gia mua LNG được vận chuyển bằng bằng tàu biển từ các cảng của Nga.
Một số ít quốc gia, bao gồm Slovakia và Hungary, phụ thuộc vào tuyến đường ống qua Ukraine để cung cấp năng lượng, đã tìm cách thúc đẩy thỏa thuận được gia hạn nhưng vô ích vì Kiev đã quyết tâm cắt đứt mối liên hệ năng lượng này với Moscow.
Rốt cuộc, việc nguồn cung này bị gián đoạn vẫn không thể kìm hãm được nhu cầu khí đốt Nga nói chung ở châu Âu. Theo Charles Costerousse, một nhà phân tích cấp cao về LNG tại Kpler, có một "cơn bão hoàn hảo" của các yếu tố để giải thích điều này.
"Đã có một đợt lạnh kể từ nửa cuối tháng 12; sản lượng điện gió không đạt mức cao nhất. Vì vậy, có nhu cầu duy trì lượng khí đốt này", vị chuyên gia giải thích.
Ông nói thêm rằng 95-96% LNG của Nga đến châu Âu đến từ nhà máy Yamal, một cơ sở rộng lớn ở phía bắc Siberia lạnh giá.
"Phần lớn các khối lượng đó là hợp đồng dài hạn", ông nói. "Vì vậy, thực chất không phải EU đang mua thêm hàng hóa giao ngay, mà là các khối lượng hợp đồng này đang được đưa vào".
Bà Anna-Kaisa Itkonen, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành EU, cho biết những nỗ lực nhằm cắt giảm thị phần nhập khẩu than, dầu và khí đốt của Moscow đã "phá vỡ lợi thế của Nga đối với hệ thống năng lượng của châu Âu".
"Tuy nhiên, bất chấp những kết quả đáng kể này, năng lượng Nga – đặc biệt là khí đốt – vẫn hiện diện ở EU, và lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga đã tăng vào năm 2024, bao gồm cả nhập khẩu LNG. Điều này làm nảy sinh những lo ngại nghiêm trọng", vị phát ngôn viên thừa nhận, chỉ ra kế hoạch của Ủy ban EU nhằm đưa ra "lộ trình" chấm dứt nhập khẩu năng lượng Nga.
Dự kiến , "lộ trình" này sẽ được công bố vào cuối tháng 2.
Trong một diễn biến khác, 10 quốc gia EU đang kêu gọi khối này trừng phạt LNG Nga, vốn đã được mua với số lượng lớn sau khi các đường ống cung cấp khí đốt lần lượt bị "khóa van" kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine gần 3 năm trước.
Ngoài ra, EU cũng đang chịu áp lực phải mua thêm nhiên liệu từ Mỹ, với việc ông Donald Trump – người sẽ nhậm chức Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1 – tuyên bố rằng ông muốn thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu khí đốt.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã ủng hộ ý tưởng mua thêm nhiên liệu từ Mỹ để thay thế nguồn cung từ Nga.
Minh Đức (Theo Politico EU)