Đằng sau việc Mỹ mua lại tên lửa 'Hawk' để viện trợ cho Ukraine
Với việc các đòn không kích của Nga ngày càng trở nên nguy hiểm, Mỹ đã quyết định mua tên lửa Hawk từ Đài Loan để viện trợ cho Ukraine.
Tại sao Mỹ phải mua lại tên lửa đã bán cho Đài Loan?
Tờ Taiwan News cho biết, các quan chức quân đội Đài Loan thừa nhận rằng, tên lửa phòng không Hawker do Mỹ sản xuất, đã chính thức rút khỏi biên chế quân đội Đài Loan vào ngày 29/6 và sẽ được Mỹ mua lại để viện trợ cho Ukraine.
Vì sao Mỹ mua lại tên lửa đã bị loại biên để hỗ trợ Ukraine? Tên lửa này có thể mang lại sức mạnh gì cho quân đội Ukraine?
“Hawk” là một hệ thống tên lửa phòng không đất đối không tầm trung, sử dụng hệ thống dẫn đường bán chủ động bằng radar toàn dải; có thể đánh chặn các mục tiêu như máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Vào năm 1951, Mỹ quyết định phát triển hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và tầm thấp có khả năng cơ động tốt, Bộ Quốc phòng Mỹ ủy nhiệm cho Binh chủng phòng không của Quân đội Mỹ chịu trách nhiệm phát triển, nhà thầu chính là Raytheon.
“Hawk” bắt đầu thử nghiệm từ tháng 7/1954 và hoàn thiện về cơ bản vào năm 1958, được đưa vào sản xuất loạt và trang bị cho quân đội Mỹ từ đầu năm 1960 với tên mã là MIM-23A và Quân đội Mỹ thường gọi là “Hawk (Diều hâu)”.
Phiên bản nâng cấp của “Hawk” có tên mã là MIM-23B và được đưa vào trang bị cho quân đội Mỹ vào tháng 11/1972.
Hệ thống tên lửa Hawk bao gồm bệ phóng tên lửa, radar điều khiển hỏa lực, radar tìm kiếm mục tiêu, xe điều khiển.
Bố cục và cấu trúc của tên lửa "Hawker" thuộc bố cục điển hình của tên lửa phòng không thế hệ thứ 2. Phiên bản tên lửa cơ bản và cải tiến có hình dạng giống nhau và đều áp dụng bố cục khí động học không đuôi.
Thân đạn bao gồm 5 ngăn: ăng-ten parabol được lắp đặt trong vòm của khoang đầu; máy thu radar, ngòi nổ vô tuyến, bộ phận lái tự động, nguồn điện được lắp đặt trong khoang thiết bị điện tử; khoang đầu đạn; khoang động cơ; cánh lái, cánh nâng.
Ở phiên bản Hawk cải tiến, động cơ nhiên liệu lỏng được thay thế bằng động cơ nhiên liệu rắn lực đẩy kép M112, giúp giảm thể tích và tăng lực đẩy; đồng thời tầm bắn của tên lửa cũng tăng từ 32 km của mẫu MIM-23A lên 40 km của MIM-23B.
Loại cơ bản của tên lửa Hawk sử dụng đầu đạn phân mảnh loại XMS được trang bị thuốc nổ mạnh thông thường, khối lượng khoảng 50 kg, trong đó khoảng 33 kg chứa đầy thuốc nổ H-6.
Loại cải tiến sử dụng đầu đạn sát thương dạng thanh liên tục, có khối lượng khoảng 75 kg; đặc điểm của loại đầu đạn này là sử dụng các mảnh thép nhỏ ở phần cuối, làm tăng mảnh vỡ sát thương.
Từ năm 1964, Đài Loan đã mua một số lượng lớn tên lửa Hawker phiên bản A và B, trang bị tổng cộng 100 bệ phóng, gần 1.000 tên lửa; tổ chức thành 4 tiểu đoàn tên lửa "Hawker", trực thuộc lực lượng phòng không lục quân.
Năm 1995, Đài Loan bắt đầu nâng cấp tên lửa "Hawk" lên thế hệ thứ ba, đồng thời nâng cấp hệ thống radar trinh sát và hệ thống điện tử. Tên lửa phòng không "Hawk 3" của Đài Loan có tầm bắn tối đa khoảng 45 km.
Thực hiện nâng cấp tên lửa "Hawk" của Đài Loan là một công ty quốc phòng của Israel.
Một hệ thống phòng không "Hawk 3" bao gồm 6 bệ phóng (một bệ 3 đạn), 1 radar trinh sát mục tiêu và 1 radar điều khiển hỏa lực.
Trước khi Đài Loan triển khai khoảng 13 hệ thống tên lửa "Hawk 3", thì loại tên lửa này là vũ khí phòng không quan trọng tầm thấp và tầm trung của Đài Loan.
Sau đó, với các hệ thống phòng không thế hệ mới như "Thiên Cung" do Đài Loan tự phát triển và Patriot nhập từ Mỹ, quân đội Đài Loan tuyên bố rằng tất cả các tên lửa phòng không "Hawk" sẽ được loại khỏi biên chế vào ngày 29/6 năm nay và Mỹ ngay lập tức quyết định mua lại những tên lửa này; sau đó được sử dụng để viện trợ cho Ukraine.
Tên lửa Hawk có hiệu quả ở chiến trường Ukraine?
Việc Mỹ mua lại các tên lửa Hawk của quân đội Đài Loan loại biên, để viện trợ cho Ukraine, chủ yếu là để đối phó với các cuộc tấn công chính xác của tên lửa hành trình và máy bay không người lái cảm tử của Nga.
Sau khi bế tắc trên chiến trường trên bộ, Nga đã thay đổi chiến thuật và bắt đầu sử dụng vũ khí dẫn đường chính xác để tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine vào tháng 10 năm ngoái.
Trong chiến thuật tấn công đường không của Nga, loại UAV cảm tử có tên Geran-2 tỏ ra rất lợi hại. Geran-2 dài 3,5 mét, sải cánh 2,5 mét, nặng 200 kg, có hình dạng cánh tam giác lớn. Thân máy bay và cánh được tích hợp, phần đầu được trang bị đầu đạn và thiết bị định vị quang học với một cánh lái ổn định ở cuối.
Theo thông tin từ truyền thông Nga, UAV Geran-2 có thể bay xa hàng nghìn km với tốc độ khoảng 180 km/h bằng cách sử dụng hệ thống định vị GPS và có thể ở trên không trong khoảng 10 giờ.
Do giá của một chiếc Geran-2 rất rẻ (khoảng 20.000 USD), do vậy chúng thường được phóng theo nhóm khi chiến đấu; điều này khiến quân đội Ukraine đau đầu.
Theo CNN, Nga đã mua được 2.400 UAV Geran-2 từ nước ngoài và sử dụng 400 chiếc trong số đó để tấn công các mục tiêu của Ukraine.
Để đối phó với cuộc không kích của Nga, tổ hợp tên lửa phòng không S-300 và Buk hiện đang được biên chế trong quân đội Ukraine, đang thiếu đạn tên lửa trầm trọng.
Trong khi đó, quân đội Ukraine vẫn phải phóng hàng chục quả tên lửa phòng không mỗi ngày, để đánh chặn máy bay chiến đấu, UAV, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của Nga. Nhưng quân đội Ukraine không thể tự bổ sung các tên lửa phòng không từ thời Liên Xô.
Hiện các nước NATO có viện trợ cho Ukraine một lượng nhỏ tên lửa phòng không như IRIS-T, NASAMS, Patriot và một số hệ thống phòng không khác. Số lượng này quá ít, còn lâu mới có thể lấp đầy sự thiếu hụt hỏa lực phòng không Ukraine hiện nay. Vì vậy, Mỹ và Châu Âu đang ráo riết tìm kiếm một giải pháp.
Trang “Quan sát quân sự” của Mỹ ngày 15/7 cho biết, trước việc Ukraine thường xuyên bị tên lửa hành trình và UAV tự sát của Nga tấn công quy mô lớn, tên lửa phòng không Hawk mà Đài Loan vừa cho loại biên cách đây không lâu, phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của Ukraine.
Ngoài ra, dòng tên lửa Hawk còn có khả năng chống tên lửa đạn đạo hạn chế, có thể cung cấp khả năng phòng thủ bổ sung khi đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander của Nga.
Bài báo cũng đề cập, so với các hệ thống phòng không khác do Mỹ sản xuất, tên lửa Hawk tương đối cơ động. Bệ phóng, radar và đài chỉ huy hỏa lực đều được lắp đặt trên xe tải hoặc xe kéo, có thể di chuyển bất cứ lúc nào tùy ý. Đáp ứng nhu cầu của chiến trường, bảo vệ cho các lực lượng chiến đấu ở tuyến trước.
Tuy nhiên, vẫn còn một số điều chưa chắc chắn về việc liệu tên lửa phòng không Hawker có thể phát huy vai trò trong cuộc xung đột Nga - Ukraine hay không? Vì tên lửa này đã phục vụ hơn 60 năm và là một hệ thống vũ khí rất cũ với độ tin cậy không cao.
Ví dụ, vào tháng 6/2017, khi Đài Loan tiến hành một cuộc tập trận bắn tên lửa chung tại căn cứ Cửu Bằng ở huyện Bình Đông, hai tên lửa phòng không Hawk đã đi chệch hướng và phát nổ ngay tại chỗ. Ngay lập tức gây ra những cuộc thảo luận sôi nổi về việc cho hệ thống này "nghỉ hưu" vì nó đã không còn đáng tin cậy.
Sau khi điều tra, người ta thấy rằng nguyên nhân của vụ nổ có thể là do “lão hóa” nhiên liệu, đơn giản là vì tên lửa sản xuất đã quá lâu.
Hầu hết các tên lửa phòng không Hawk 3 của Đài Loan đều được cải tiến từ mẫu cơ bản Hawk, đã được đưa vào biên chế từ những năm 1960; nhưng những thanh nhiên liệu tên lửa chưa được thay mới. Đồng nghĩa với việc thời gian sản xuất nhiên liệu của tên lửa đã quá hạn hàng chục năm.
Theo thông báo của các nhà sản xuất, tuổi thọ của nhiên liệu tên lửa rắn nói chung chỉ từ 10 đến 20 năm; trong khi đó nhiệt độ, độ ẩm và điều kiện bảo quản phải theo đúng quy định tiêu chuẩn.
Tờ Eurasiantimes cho biết, do hệ thống tên lửa Hawk của Đài Loan thường xuyên đảm nhiệm trực sẵn sàng chiến đấu tại nhiều vị trí khác nhau trên đảo, nên phải thường xuyên cơ động trên thực địa. Việc triển khai và thu hồi khó tránh khỏi những rung động, va đập cơ học; điều đó có thể gây ra sự biến dạng của hạt nhiên liệu và các vết nứt bên trong.
Mặc dù Mỹ sẽ nâng cấp lại những tên lửa này sau khi mua lại chúng, nhưng nếu không có sự thay thế lớn nhiên liệu động cơ tên lửa, thì một số tên lửa có khả năng gây nguy hiểm như phát nổ tại chỗ khi phóng.