Đằng sau việc ông Kim Jong-un trở thành nguyên thủ Triều Tiên
Theo Hiến pháp sửa đổi của Triều Tiên, ông Kim Jong-un chính thức là nguyên thủ quốc gia. Có thể nói, sự thay đổi vào thời điểm này là cần thiết trong bối cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang nâng cao hình ảnh của mình trên trường quốc tế.
Ngày 10/7, trang Naenara của Triều Tiên đã công bố toàn văn Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội nước này thông qua hồi tháng 4/2019, trong đó nêu rõ Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên là lãnh đạo tối cao "đại diện cho đất nước".
Theo đó, ông Kim Jong-un, người đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ Triều Tiên, chính thức là nguyên thủ quốc gia.
Cũng theo Hiến pháp sửa đổi, Triều Tiên sẽ "mở rộng và phát triển mối quan hệ kinh tế với nước ngoài", thay thế cụm từ trước đây là "phát triển ngoại thương".
Bản hiến pháp cũ của Triều Tiên quy định, Chủ tịch Ủy ban Quốc vụ là lãnh đạo tối cao, còn Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tối cao Triều Tiên (tức Quốc hội) là người đại diện cho đất nước với tư cách là nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa.
Trang Bloomberg đưa tin, việc Triều Tiên sửa đổi Hiến pháp có thể giúp ích cho tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao của Triều Tiên với phần còn lại của thế giới.
Giới phân tích cho rằng, sự thay đổi này có thể tạo thuận lợi hơn nhiều cho lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi tiếp xúc với các nhà lãnh đạo thế giới. Việc trở thành nguyên thủ sẽ giúp ông Kim được đón tiếp với nghi thức ngoại giao ngang hàng với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bất kỳ hội nghị thượng đỉnh hay cuộc đàm phán nào.
Hong Min, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc ở Seoul, nhận định sự thay đổi chức danh này cũng nhằm mục đích chuẩn bị cho một hiệp ước hòa bình tiềm năng với Mỹ.
"Việc sửa đổi (Hiến pháp) cũng có thể là cơ hội để xác lập vị thế của ông Kim Jong-un với tư cách là người ký kết hiệp ước hòa bình (nếu có), đồng thời tái định hình đất nước Triều Tiên là một quốc gia bình thường trên trường quốc tế", chuyên gia Hong nói.
Ông Kim Jong-un dường như còn phát đi thông điệp rằng ông đã củng cố quyền lực trong nước cũng như hoàn tất việc chuyển giao quyền lực bắt đầu sau khi cha ông là cố Chủ tịch Kim Jong-il qua đời năm 2011.
Có thể nói, sự thay đổi vào thời điểm này là cần thiết trong bối cảnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang chuyển trọng tâm sang phát triển kinh tế trong nước, tiến hành các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ và nâng cao hình ảnh của mình với tư cách là nhà lãnh đạo thế giới thông qua các cuộc hội đàm thượng đỉnh với Hàn Quốc, Nga và Trung Quốc.
"Ông ấy (Kim Jong-un) từ lâu đã tìm cách từ bỏ chính sách tiên quân (quân sự trên hết) mà nước này đã thực hiện trong suốt thời gian dài", Kim Dong-yup, giáo sư tại Viện Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam ở thủ đô Seoul, bình luận.