Đằng sau việc ông Trump siết chặt trừng phạt Iran
Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia là 'hành động chiến tranh' và tái khẳng định đây là vụ 'tấn công của Iran', thì việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tăng trừng phạt đối với Tehran, được coi là động thái nhằm tránh các bước đi quân sự có thể dẫn đến một cuộc xung đột giữa hai nước.
Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia là “hành động chiến tranh” và tái khẳng định đây là vụ “tấn công của Iran”, thì việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh tăng trừng phạt đối với Tehran, được coi là động thái nhằm tránh các bước đi quân sự có thể dẫn đến một cuộc xung đột giữa hai nước.
Ông Pompeo, người đang có chuyến thăm Saudi Arabia để tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo nước này sau vụ tấn công vào các cơ sở dầu mỏ, cho biết: “Chúng ta rất may mắn khi không có người Mỹ nào thiệt mạng trong vụ tấn công này nhưng bất cứ khi nào một hành vi gây chiến như vậy xảy ra, nguy cơ thiệt hại nhân mạng còn tồn tại”, ông Pompeo nói. “Đây là một cuộc tấn công có quy mô mà chúng tôi chưa từng thấy trước đây”.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cho biết, ông đến Trung Đông lần này để xây dựng một liên minh nhằm răn đe Iran và báo hiệu, chính quyền Trump sẽ tập hợp các nhà lãnh đạo thế giới tại kỳ họp của Đại hội đồng LHQ sắp tới để hành động chống lại Teheran, vốn cho đến nay vẫn phủ nhận sự liên quan đến cuộc tấn công ở Saudi Arabia.
Muốn tránh xung đột quân sự?
Phó Tổng thống Mike Pence đã đề nghị trả đũa quân sự và một số nhà lập pháp đảng Cộng hòa cho rằng Teheran nên nhận được một phản ứng "rõ ràng". Nhưng Tổng thống Mỹ đang gửi đi những tín hiệu mâu thuẫn. Ông Trump, người đã vận động để đưa Mỹ khỏi các cuộc chiến ở nước ngoài và đã chỉ trích sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, sắp đối mặt với một cuộc chiến tái tranh cử, và điều này sẽ trở nên phức tạp nếu xảy ra một cuộc xung đột mới. Và các quan chức Saudi Arabia cũng nói rõ với Nhà Trắng rằng, họ cũng không muốn bị kéo vào cuộc chiến.
Các nhà phân tích cho rằng, thông báo trừng phạt của ông Trump có thể báo hiệu mong muốn tránh xung đột quân sự, và trong bài phát biểu trước các phóng viên ở Los Angeles hôm 18-9, ông Trump cho rằng, rất dễ rơi vào một cuộc chiến. "Thật dễ dàng để bắt đầu", Trump nói. "Nếu chúng tôi phải làm một cái gì đó, chúng tôi sẽ làm điều đó", thêm rằng "chúng tôi sẽ thêm một số biện pháp trừng phạt rất quan trọng đối với Iran". Khi được hỏi liệu ông có đang xem xét một cuộc tấn công quân sự hay không, Tổng thống cho biết: "Chúng tôi sẽ xem điều gì sẽ xảy ra". Ông lưu ý rằng "có chọn cuối cùng và có những lựa chọn ít mạnh hơn thế... tùy chọn cuối cùng có nghĩa là tiến hành chiến tranh".
Ông Trump cho biết, ông muốn Saudi Arabia dẫn đầu trong bất kỳ phản ứng nào vì đây là cuộc tấn công vào đất của họ. “Chúng tôi phải ngồi xuống với Riyadh và nói về điều đó. Đó là một cuộc tấn công vào Saudi Arabia, chứ không phải là một cuộc tấn công vào chúng tôi”. Và các quan chức chính quyền đã nói rằng quyết định về một phản ứng đối với vụ tấn công vào các cơ sở dầu mỏ sẽ không được đưa ra cho đến khi ông Pompeo trở về Washington.
Ông Henry Rome, nhà phân tích về Iran tại Tập đoàn Eurasia, cho biết, việc Tổng thống Trump ra lệnh gia tăng trừng phạt Iran “dường như đó là nỗ lực để đối phó với cuộc tấn công của Iran bằng các biện pháp trừng phạt chứ không phải bằng các bước quân sự”. “Theo tôi, đây là sự thay thế cho một phản ứng quân sự, không phải là khúc dạo đầu của một cuộc chiến”, ông Rome nhận định.
Vẫn chưa thể khẳng định “Iran đã tấn công”
Mỹ đến nay vẫn chưa đưa ra bằng chứng rõ ràng cho thấy Iran tấn công các cơ sở dầu mỏ, vốn được nhóm nổi dậy Houthi tại Yemen tuyên bố nhận trách nhiệm.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Pompeo cho rằng, lực lượng Houthi mặc dù đã nhận trách nhiệm vụ tấn công nhưng thực tế “những loại vũ khí đã được sử dụng đều không có trong tay của quân Houthi”. Ông cũng cho rằng Iran có thể đã tác động quân Houthi để buộc họ nhận trách nhiệm.
Nhưng một báo cáo của LHQ lại nói khác. Trong một báo cáo hồi tháng 1 của các chuyên gia Yemen, LHQ đã viết về các máy bay không người lái mới của Houthi, có khả năng nhắm vào Saudi Arabia. "Điểm đặc biệt nhất của UAV-X là độ bền và phạm vi tăng lên đáng kể", báo cáo cho biết thêm rằng nó "có thể có phạm vi tối đa trong khoảng từ 1.200 km đến 1.500 km, tùy thuộc vào điều kiện gió. Điều này củng cố tuyên bố của Houthi rằng họ có khả năng tấn công các mục tiêu như Riyadh, Abu Dhabi và Dubai".
Các đồng minh của Mỹ có cách tiếp cận thận trọng hơn. Pháp và LHQ đã cử các nhà điều tra đến Saudi Arbia để xem xét vụ việc, trong khi các quan chức Nhật Bản cho rằng “có khả năng” Houthi thực sự đứng sau vụ việc. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết: “Có một cuộc điều tra quốc tế, hãy chờ xem kết quả. Tôi không có ý kiến riêng trước khi công bố kết quả điều tra”.
Ngay cả Saudi Arabia cũng rất thận trọng. Dù đã trưng bày các mảnh vỡ của cái mà Riyadh mô tả là máy bay không người lái và tên lửa hành trình của Iran được sử dụng trong vụ tấn công các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia, cho rằng, đây là bằng chứng "không thể chối cãi" về hành động gây hấn của Iran, Riyadh không gọi đó là hành động chiến tranh hay cáo buộc chính Iran đã phát động cuộc tấn công từ bên trong lãnh thổ của mình.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_212918_dang-sau-viec-ong-trump-siet-chat-trung-phat-iran.aspx