Đằng sau việc Tổng thống và Thủ tướng Pháp đến sân xem trận đấu đội bóng Israel
Nhiều nước châu Âu tìm cách tăng cường an ninh hoặc đổi địa điểm thi đấu các trận đấu có sự tham dự của các đội bóng Israel, do lo ngại về hoạt động phản đối Israel trong và ngoài sân vận động.
Hôm 14-11, tại sân vận động Stade de France, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Pháp Michel Barnier và nhiều quan chức cấp cao khác đã đến theo dõi một trận bóng đá.
Tuy nhiên, theo tờ The New York Times, trận bóng này không mấy đặc biệt. Đây không phải là một giải đấu lớn, bên phía đội tuyển Pháp không có ngôi sao Kylian Mbappé và khán đài có rất nhiều ghế trống.
Lý do khiến nhiều quan chức cấp cao của Pháp đến theo dõi trận bóng là đối thủ của đội tuyển Pháp trong trận này là đội tuyển Israel. Theo The New York Times, tình trạng bạo lực một tuần trước đó ở Amsterdam (Hà Lan) xung quanh trận thi đấu giữa câu lạc bộ Ajax (Hà Lan) và câu lạc bộ Maccabi Tel Aviv (Israel) đã khiến trận bóng hôm 14-11 có tính chất chính trị nhiều hơn là một sự kiện thể thao đơn thuần.
An ninh nghiêm ngặt
Nhà chức trách Pháp đã huy động lực lượng lớn để đảm bảo an ninh cho trận đấu hôm 14-11. Lực lượng an ninh bao phủ khu vực xung quanh sân vận động Stade de France, tại các địa điểm quan trọng trên khắp thủ đô Paris và khắp hệ thống giao thông công cộng, tương tự hoạt động an ninh chuẩn bị cho Olympic Paris vào mùa hè vừa qua.
Cảnh sát trưởng Paris cho biết nhà chức trách triển khai khoảng 4.000 cảnh sát để đảm bảo an ninh cho trận đấu, với 2.500 cảnh sát đồn trú xung quanh sân vận động và nhiều cảnh sát khác làm nhiệm vụ trên khắp thành phố. Ngoài ra, 1.600 nhân viên an ninh tư nhân và quản lý khác cũng được điều động làm nhiệm vụ tại trận đấu. Khán giả theo dõi trận đấu cũng phải trải qua một cuộc kiểm tra an ninh nghiêm ngặt trước khi vào sân.
“Chúng tôi là một quốc gia lớn. Chúng tôi biết cách tổ chức các sự kiện lớn như chúng tôi đã làm trong Olympic. Chúng tôi sẽ không lo sợ trước trận đấu này” – ông Laurent Nunẽz, cảnh sát trưởng Paris, cho biết. Chính ông Nunẽz cũng là người chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh cho đoàn Olympic Israel trong Olympic mùa hè vừa qua.
Các cửa hàng trong khu vực lân cận sân vận động đã được yêu cầu đóng cửa trước 15 giờ 45 chiều – 5 giờ trước khi bắt đầu trận đấu. Các con phố xung quanh sân vận động hầu như vắng người, ngoại trừ các cảnh sát.
Trận đấu có 150 cổ động viên Israel. Trước đó, Hội đồng An ninh Israel đã ban hành cảnh báo yêu cầu công dân Israel “tuyệt đối tránh tham dự các sự kiện thể thao/văn hóa của Israel ở nước ngoài”, đặc biệt là trận đấu ở Paris này.
Tuy nhiên, với sự bảo vệ nghiêm ngặt cũng như sự hiện diện của tổng thống Pháp cùng các quan chức cấp cao khác, chính quyền Pháp muốn làm rõ rằng sự kiện này được đảm bảo an toàn tuyệt đối. "Không thể có chuyện chúng ta mạo hiểm để chứng kiến sự lặp lại [những gì đã xảy ra ở Amsterdam]” – Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bruno Retailleau cho biết.
Một thành viên trong đội ngũ nhân viên của ông Macron cho biết sự tham dự của ông Macron lần này nhằm gửi đi "thông điệp về tình anh em và đoàn kết sau những hành động bài Do Thái không thể chấp nhận được trong khuôn khổ trận đấu ở Amsterdam”.
Cả châu Âu gặp khó
Việc tổ chức các trận đấu có các đội bóng Israel được xem là vấn đề không dễ đối với nhiều quốc gia trên khắp châu Âu, kể từ khi cuộc xung đột Israel-Hamas nổ ra vào ngày 7-10-2023.
Trong khuôn khổ UEFA Nations League, vào tháng 9, Bỉ đã chuyển trận đấu giữa Bỉ và Israel trên sân nhà của mình sang sân thi đấu tại Hungary, sau khi các thành phố trên khắp nước Bỉ từ chối tổ chức trận đấu. Ý đã chuyển trận đấu với Israel từ Florence sang Udine nhưng cũng chứng kiến các cuộc biểu tình ủng hộ người dân Palestine tại gần địa điểm thi đấu.
Trong khi đó, trận đấu tiếp theo của câu lạc bộ Maccabi Tel-Aviv tại châu Âu đã được chuyển đến một địa điểm trung lập ở Hungary và sẽ không có người hâm mộ của cả hai đội có mặt, do ban tổ chức lo ngại vấn đề an ninh.
Tại Amsterdam, trong trận đấu giữa câu lạc bộ Ajax và Maccabi Tel Aviv hôm 8-11, nhà chức trách Hà Lan đã huy động 800 cảnh sát làm nhiệm vụ an ninh và có hơn 3.000 cổ động viên từ Israel.
Sau vụ việc bạo lực ở Amsterdam, một số người hâm mộ đội bóng Israel hô vang những cụm từ phân biệt chủng tộc chống người Ả Rập và có hành động xúc phạm cờ của Palestine. Đến nay, vụ việc bạo lực trong trận đấu ở Amsterdam vẫn đang được điều tra.
Trận đấu hôm 14-11 tại Pháp cũng đã vấp phải phản ứng của nhiều người dân Pháp. Vài giờ trước trận đấu, hàng trăm người biểu tình đã tập hợp tại một quảng trường công cộng để hô vang khẩu hiệu giải phóng Palestine, vẫy cờ Palestine, lên án cả trận đấu và các chính trị gia Pháp tham dự.
Theo The New York Times, các áp phích phản đối Israel cũng xuất hiện nhiều trong các cuộc biểu tình và một số địa điểm ở Paris. Trong một trận đấu vào đầu tháng 11, nhóm người hâm mộ của đội bóng Paris Saint Germain cũng đã giương cao một biểu ngữ khổng lồ phủ kín một phần khán đài phía sau khung thành với dòng chữ "Giải phóng Palestine".
Trong khi đó, các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine ngày càng trở nên phổ biến ở Paris. Trong chính giới Pháp, đảng cực tả France Unbowed của nước này thường xuyên lên tiếng về việc ủng hộ người Palestine. Trong tháng 11, đảng này đã yêu cầu không được phép tổ chức trận đấu bóng đá hôm 14-11 và không tổ chức buổi dạ tiệc gây quỹ cho một nhóm cực hữu ủng hộ Israel.
Theo The New York Times, các vụ việc bài Do Thái tại Pháp đã tăng vọt trong những năm gần đây. Năm 2022, số vụ việc bài Do Thái tại Pháp là 436 vụ, sau đó tăng lên 1.670 vụ trong năm 2023. Tính đến thời điểm này, số vụ việc bài Do Thái tại Pháp trong năm 2024 đã có hơn 1.200 vụ.