Đằng sau việc Trung Quốc điều tra các công ty công nghệ lớn như Didi
Chính phủ Trung Quốc đã xử lý ứng dụng gọi xe lớn nhất của nước này Didi chỉ vài ngày sau khi cổ phiếu của công ty chủ quản bắt đầu giao dịch tại New York (Mỹ).
Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết giới chức Trung Quốc đã yêu cầu Didi gỡ ứng dụng với lý do động thái này nhằm ngăn chặn rủi ro an ninh và bảo vệ lợi ích công chúng. Didi là công ty công nghệ mới nhất nằm trong nhóm những "người khổng lồ” của Trung Quốc đối mặt với sự quản lý chặt chẽ hơn từ chính phủ.
Nghi vấn với Didi
Didi là một trong những ứng dụng gọi xe lớn nhất toàn cầu. Có tới 3/4 trong tổng số 493 triệu tài khoản sử dụng Didi hàng năm là người Trung Quốc. Công ty này còn hoạt động tại 14 quốc gia khác trong đó có Brazil và Mexico. Nhiều năm trước, Didi đã cạnh tranh quyết liệt với Uber tại Trung Quốc. Đến năm 2016, sau 2 năm diễn ra “chiến tranh về giá”, Didi đã đánh bại Uber.
Ngày 30/6, Didi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại New York và huy động được 4,4 tỷ USD. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của công ty là 74,5 tỷ USD.
Giới chức Trung Quốc nghi ngờ Didi liên quan đến việc thu thập và sử dụng trái phép dữ liệu của người dùng, tuy nhiên không công bố những vi phạm cụ thể.
Ngày 5/7, tờ Global Times đưa tin rằng trong nhóm các công ty công nghệ lớn, Didi nắm trong tay “nhiều thông tin di chuyển cá nhân chi tiết nhất” của người sử dụng. Theo Global Times, Didi đã thực hiện phân tích dữ liệu quy mô lớn về hành vi và thói quen của người sử dụng, điều được cho gây rủi ro cho họ.
Bức tranh rộng hơn
Cục Quản lý mạng Trung Quốc ngày 5/7 tuyên bố đang đánh giá về an ninh mạng tại nền tảng vận tải xe tải Huochebang và Yunmanman cũng như trang tuyển dụng trực tuyến Boss Zhipin. Tất cả những đăng ký người sử dụng mới trên các trang này đều bị tạm hoãn.
Điều đáng chú ý là công ty vận hành Huochebang và Yunmanman là Full Truck Alliance cùng công ty chủ quản Boss Zhipin là Kanzhun gần đây đều phát hành cổ phiếu ra công chúng tại Mỹ.
Luật an ninh dữ liệu mới có hiệu lực từ 1/9 tại Trung Quốc yêu cầu các công ty và cá nhân phải được chấp thuận từ giới chức trước khi chuyển bất cứ dữ liệu nội địa nào cho các thực thể nước ngoài. Những trường hợp vi phạm có thể phải đối mặt với mức phạt từ 2 triệu-10 triệu nhân dân tệ (310.000-1,5 triệu USD) và có nguy cơ bị tạm ngừng kinh doanh.
AP đánh giá Bắc Kinh hiện đang để mắt đến tầm ảnh hưởng ngày càng gia tăng của các công ty công nghệ lớn.
Nhà sáng lập Tập đoàn nghiên cứu thị trường Trung Quốc tại Thượng Hải-ông Shaun Rein cho rằng khoảng hơn một năm trước, các công ty công nghệ như Alibaba và Tencent kiểm soát số dữ liệu khổng lồ.
Ông Rein nói: “Cách đây 2 năm, người dân Trung Quốc không mấy quan tâm, họ vẫn ưu tiên tính tiện lợi của các ứng dụng hơn yếu tố tiêu cực. Nhưng hiện nay người dân Trung Quốc lại chú ý tới dữ liệu cá nhân. Alibaba và Tencent nắm trong tay nhiều dữ liệu, thậm chí còn hơn chính phủ”. Theo ông Rein, việc quản lý chặt chẽ hơn công nghiệp công sẽ sẽ duy trì tính bền vững và cạnh tranh công bằng tạo lợi ích cho người sử dụng.
Giá cổ phiếu của Didi đã giảm tới 5,3% trong ngày 2/7 sau thông tin liên quan. Đến nay Didi cam kết sẽ xử lý các vấn đề, bảo vệ an ninh dữ liệu và tính riêng tư của người sử dụng.