Đằng sau việc tỷ lệ thất nghiệp Mỹ thấp nhất trong 42 năm qua
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ được công bố vào tuần trước đã đạt mức thấp nhất trong vòng 42 năm qua nhưng thực tế không chỉ màu hồng.
Không có gì thiếu chính xác khi nói rằng bức tranh kinh tế thế giới trong quý I/2016 chỉ toàn một màu xám xịt, bởi niềm hy vọng cuối cùng của cả thế giới đổ vào sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế số một thế giới là Mỹ đã tan thành mây khói.
Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ hôm 28.4, nền kinh tế số một thế giới đã theo gót Nhật Bản và châu Âu khi có tốc độ tăng trưởng khá thấp, chỉ đạt 0,5% trong quý I, thấp hơn khá nhiều so với con số được dự kiến là 0,7% dù đây vẫn là mức khá thấp so với tốc độ tăng trưởng trung bình của kinh tế Mỹ là 2%.
Sự sụt giảm bất ngờ này đang cho thấy nền kinh tế số một thế giới đang bị phụ thuộc vào phần còn lại của kinh tế toàn cầu hơn là trở thành đầu tầu kéo nền kinh tế thế giới ra khỏi khó khăn như nhiều người đã kỳ vọng. Vậy lỗi là do đâu? Hiện vẫn chưa có câu trả lời chính xác, nhưng kẻ phải giơ đầu chịu báng thì có lẽ là Fed?
Quả thực, báo cáo về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý I/2016 đã gây ra sự thất vọng. Dù rằng với nền kinh tế số một thế giới như Mỹ thì chỉ số tăng trưởng GDP không có nhiều ý nghĩa, nhưng nó vẫn là một thước đo khá quan trọng. Việc kinh tế Mỹ chỉ đạt mức tăng trưởng 0,5% rõ ràng đã khiến cả thế giới phải ngạc nhiên dù trước đó con số dự báo 0,7% khiến nhiều người bất ngờ. Và 0,5% là mức tăng trưởng hàng quý thấp nhất của kinh tế Mỹ kể từ quý I/2014 (đạt 0,9%). Nó cho thấy nền kinh tế Mỹ trên thực tế đang chịu nhiều ảnh hưởng từ sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu, hơn là đóng vai trò đầu tàu và đòn bẩy đưa nền kinh tế thế giới phục hồi, như nhiều chuyên gia kinh tế vẫn nghĩ.
Nguyên nhân của tình hình này đến từ cả bên ngoài lẫn bên trong nước Mỹ. Trước hết là sự trì trệ của nền kinh tế thế giới đã khiến xuất khẩu của Mỹ sụt giảm mạnh, các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ như Trung Quốc, EU, Nhật Bản đều giảm nhập khẩu do kinh tế giảm tốc; chưa kể sự hỗn loạn tại thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc hồi đầu năm cũng có tác động nhất định khi nó khiến cho TTCK Mỹ bị xáo trộn khá mạnh.
Dù trên thực tế nền kinh tế Trung Quốc đã có sự hồi phục khá mạnh, khi có tốc độ tăng trưởng trung bình trong quý I/2016 lên tới 6,7%, nó cũng không có tác động tích cực đến kinh tế Mỹ, vì Trung Quốc tiếp tục giảm nhập khẩu mạnh mẽ. Nhập khẩu của Trung Quốc trong quý I đã giảm 14% và lý do chủ yếu khiến Trung Quốc đạt được tốc độ tăng trưởng khá cao trong quý I là do nước này tăng cường bán tháo những sản phẩm dư cung của nước này.
Và lý do quan trọng nhất khiến kinh tế Mỹ sụt giảm tăng trưởng trong quý I lại đến từ các yếu tố trong nước. Nổi bật lên là tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất USD vào giữa tháng 12.2015. Việc đồng USD tăng giá chỉ 2 tuần trước khi sang năm mới 2016 đã khiến cho nền kinh tế Mỹ gặp phải nhiều vấn đề gián tiếp ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng.
Trước hết, USD tăng giá đã khiến cho những tập đoàn và công ty xuất khẩu hàng hóa của Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, doanh số xuất khẩu của các công ty Mỹ đa phần đã giảm do đồng USD tăng giá. Theo thống kê, mức thiệt hại trung bình của các công ty xuất khẩu Mỹ do USD tăng giá trong quý I/2016 là khoảng 5% doanh thu. Điều này càng nghiêm trọng thêm khi hầu hết các đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ đều có xu hướng giảm giá đồng nội tệ của họ để kích thích tăng trưởng, như Trung Quốc hay điển hình nhất là Nhật Bản và EU, khi hai nền kinh tế này đều đã đưa lãi suất về mức âm để kích thích tăng trưởng kinh tế và chống giảm phát.
Cùng với đó, những lợi ích căn bản mà Fed hướng đến thông qua việc tăng lãi suất lại không diễn ra như mong muốn. Điều Fed hướng đến khi tăng lãi suất USD là nhằm kích thích chi tiêu trong nền kinh tế, khi hàng hóa nhập khẩu đã trở nên rẻ hơn. Nhưng chi tiêu của người dân Mỹ vốn là yếu tố đóng góp hơn 70% vào GDP của nền kinh tế Mỹ lại chỉ tăng có 1,9% so với cùng kỳ năm 2015, giảm đáng kể so với mức tăng 2,4% trong quý IV/2015 - mức tăng thấp nhất trong vòng 1 năm qua.
Lý do chủ yếu là vì dù hàng nhập khẩu vào thị trường Mỹ đã rẻ hơn do USD tăng giá, nhưng mức lương trung bình của người dân Mỹ lại không tăng lên và còn đang có xu hướng giảm đi. Dễ hiểu là khi nền kinh tế đang trở nên ảm đạm hơn thì người dân Mỹ sẽ có xu hướng tiết kiệm để bảo hiểm thay vì tăng cường chi tiêu nhiều hơn, nhất là khi thu nhập của họ không những không tăng mà còn đang có xu hướng giảm.
Nói cách khác, những tính toán của Fed trong việc nâng lãi suất USD vào hồi giữa tháng 12.2015 tính đến thời điểm hiện tại có vẻ như đã không thành công. Những tác động tiêu cực từ việc tăng giá USD đang trở nên vượt quá mức dự đoán trong khi những tác động tích cực thì lại không được như dự kiến. Mục tiêu của chủ tịch Fed là Janet Yellen khi quyết định nâng lãi suất vào giữa tháng 12 năm ngoái là kiềm chế lạm phát đang có xu hướng gia tăng và ổn định kinh tế vĩ mô có vẻ cũng không đạt.
Không những kiềm chế lạm phát mà việc nâng lãi suất dường như còn đang làm quá mức cần thiết khi nó đang bóp nghẹt tăng trưởng của kinh tế Mỹ vượt quá mức dự đoán. Trong quý I/2016, đầu tư của doanh nghiệp Mỹ không những không tăng mà còn giảm 5,9% so với cùng kỳ - mức giảm hàng quý lớn nhất trong vòng 7 năm qua. Đó là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư và doanh nghiệp Mỹ đang không cảm thấy lạc quan về nền kinh tế đủ để họ bỏ thêm vốn đầu tư.
Có lẽ đây là lý do chủ yếu giải thích vì sao Fed đã trì hoãn việc nâng lãi suất thêm một lần nữa. Kể từ đầu năm 2016 đến nay đã hai lần các quan chức cấp cao của Fed họp bàn về việc nâng lãi suất như kế hoạch đã vạch ra từ cuối năm 2015, nhưng tất cả đều kết thúc mà không có quyết định nào được đưa ra. Rõ ràng dù có bào chữa bằng cách nào đi nữa thì việc kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm hẳn lại trong quý I/2016 ắt hẳn cũng liên quan đến việc Fed nâng lãi suất vào giữa tháng 12 năm ngoái. Và một lần nâng lãi suất nữa ở thời điểm hiện tại có thể đẩy kinh tế Mỹ rơi vào khó khăn nghiêm trọng hơn.
Hiện tại, Fed đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Dù các chuyên gia kinh tế cho rằng tăng trưởng chậm trong quý I vừa qua chỉ là tạm thời và nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh trở lại trong quý II, dự kiến đạt 2%, thì không phải mọi yếu tố rủi ro đã được giải quyết. Đúng là tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ vào tuần trước đã đạt mức thấp nhất trong vòng 42 năm, đồng nghĩa với việc tăng trưởng sẽ được cải thiện thì tác động đến xuất khẩu của việc đồng USD mạnh vẫn sẽ còn nguyên vẹn. Khả năng các nền kinh tế lớn là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ như Nhật Bản, EU hay Trung Quốc sẽ vẫn tăng trưởng trì trệ trong quý II/2016 là khá cao, nó sẽ vẫn có những tác động không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế Mỹ. Trừ phi Fed đi ngược lại với những tuyên bố của mình để hạ lãi suất xuống một lần nữa, còn không thì con số tăng trưởng 2% trong quý II có lẽ sẽ là một mục tiêu không dễ đạt được.
Nhàn Đàm (theo Reuters/The Saigon Times)
Ảnh minh họa