Đang tạm đình chỉ vụ án vẫn trưng cầu giám định
VKSND TP.HCM nhận định việc đang tạm đình chỉ mà trưng cầu giám định lại là không có căn cứ và không đúng quy định của BLTTHS.
VKSND TP.HCM vừa nêu một trường hợp giải quyết án chưa đúng quy định pháp luật của cơ quan điều tra (CQĐT) và VKSND quận 8 để rút kinh nghiệm chung.
Tháng 6-1997, Công ty TNHH Xây dựng Việt Hoàng thành lập. Tháng 6-2000, ông Trần Văn Mão được bổ nhiệm làm giám đốc.
Xét thấy Công ty Việt Hoàng có hành vi kê khai khống hàng hóa mua vào của 7 công ty để khấu trừ thuế GTGT.
Tháng 6, Cơ quan CSĐT Công an quận 8 trưng cầu giám định số tiền trốn thuế của công ty này.
Tháng 7-2004, Chi cục Thuế quận 8 tạm tính truy thu các khoản thuế trong ba năm 1999, 2000, 2001 là 1,396 tỉ đồng.
Tháng 8-2005, CQĐT khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam ông Mão về tội trốn thuế. VKSND quận 8 đã phê chuẩn các quyết định.
Tháng 11-2005, CQĐT tạm đình chỉ điều tra vụ án, tạm đình chỉ điều tra bị can do ông Mão bỏ trốn, bị truy nã. Tuy nhiên, trong thời gian tạm đình chỉ này, tháng 6-2019, CQĐT lại trưng cầu giám định (lần 1) số tiền trốn thuế của Công ty Việt Hoàng.
VKSND TP.HCM nhận định việc đang tạm đình chỉ mà trưng cầu giám định lại là không có căn cứ và không đúng quy định của BLTTHS. CQĐT chưa xác minh làm rõ tính pháp lý của kết quả giám định thuế trước đây (tháng 7-2004) đối với tiền thuế thiếu của công ty nhưng lại trưng cầu giám định lại.
Đến tháng 10-2019, CQĐT bắt ông Mão, phục hồi điều tra, sau đó cho ông Mão tại ngoại.
Ngày 25-10-2019, Cục Thuế TP.HCM trả lời theo Thông tư 155/2013 của Bộ Tài chính thì thời hạn bảo quản hồ sơ khai thuế và quản lý nghiệp vụ thuế của các đối tượng nộp thuế là 10 năm. Hồ sơ của vụ này đã hết thời hiệu lưu trữ nên không thể hỗ trợ xác minh kê khai thuế.
Tháng 1-2020, CQĐT đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can do không thể xác định số tiền trốn thuế.
Theo VKSND TP.HCM, hồ sơ vụ án chưa thể hiện đầy đủ căn cứ, cơ sở để đình chỉ nhưng VKSND quận 8 lại không ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ mà lại thống nhất với CQĐT rồi hai tháng sau ra văn bản xin ý kiến cấp trên.
VKSND quận 8 khi kiểm sát việc phục hồi điều tra vụ án không nghiên cứu toàn diện hồ sơ, kiểm sát viên thụ lý chưa nắm vững các quy định pháp luật, chưa làm hết trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ dẫn đến việc giải quyết vụ án không đảm bảo quy định pháp luật.
Vi phạm nghiêm trọng trong việc lập, lưu trữ hồ sơ
Theo VKSND TP.HCM, hồ sơ vụ án thể hiện có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong việc lập, lưu trữ tài liệu, hồ sơ vụ án. Cụ thể, biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung bị can không đóng dấu CQĐT, không có chữ ký điều tra viên, sử dụng sai mẫu biên bản. Hồ sơ vụ án không có lý lịch bị can, không có trích lục tiền án tiền sự và danh chỉ bản bị can.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/dang-tam-dinh-chi-vu-an-van-trung-cau-giam-dinh-950265.html