Đăng 'tất tần tật' thông tin cá nhân của học viên lên mạng: Đừng vì lợi ích mà bỏ qua rủi ro tiềm ẩn
Chị Tú Anh khuyên đừng để trẻ em vô tình vướng phải những rắc rối chỉ vì thông tin cá nhân và hình ảnh của bé bị đăng công khai để ai cũng biết.
"Hôm nay, xin giới thiệu đến mọi người bé T.P. Hiện con đã đạt được thành tích học vượt 3 năm môn Toán. P. là một cậu bé ngoan, luôn biết lắng nghe, có tinh thần tự giác cao trong việc học"; "N.T, ngày sinh: 26/2/2019, khá nhút nhát ở những ngày đầu đi học và con khá sợ phải làm bài tập về nhà"...
Những lời giới thiệu "có cánh" cùng hình ảnh cận mặt và thông tin cá nhân của các học viên nhí như họ tên đầy đủ, ngày tháng năm sinh, nơi học... được một trung tâm dạy kỹ năng đăng tải mới đây khiến nhiều người lo ngại về vấn đề an toàn của trẻ.
Cùng với sự phát triển của mạng xã hội thì việc đăng tải hình ảnh, thông tin cá nhân của trẻ lên mạng xã hội cũng vô cùng "nở rộ". Không khó khăn để những người dùng mạng tiếp cận được với những dữ liệu cá nhân của trẻ. Trên điện thoại tìm từ khóa mua dữ liệu học sinh cũng rất dễ dàng.
Không ít các bậc cha mẹ đăng đầy đủ cả tên họ, lớp học, trường học ngày tháng năm sinh con mình lên mạng xã hội mà không ý thức được sự nguy hiểm. Khi thông tin về trẻ em được để chế độ công khai, hầu như ai cũng có thể tiếp cận. Họ biết đứa trẻ tên gì, học ở đâu, tên thầy cô là gì, trường lớp nào. Thậm chí biết trẻ thích ăn gì, chơi gì, tan học mấy giờ.
Thực tế thông tin cá nhân là loại thông tin có nhiều giá trị nhất, là “mỏ vàng” và là mục đích mà kẻ xấu luôn nhắm tới. Kẻ lừa đảo khai thác nhiều thông tin cá nhân của người dùng, cha mẹ (CCCD, số tài khoản, điện thoại…) và trẻ em.
"Nghiên cứu được Disrupting Harm thực hiện tại Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực đã chỉ ra rằng, rất nhiều vụ xâm hại bóc lột tình dục trẻ em trên mạng, bắt nạt trên mạng bắt đầu từ việc trẻ bị đánh cắp thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ, hình ảnh cá nhân, các bí mật đời tư", một chuyên gia cho biết.
Hãy bảo vệ trẻ
Nói về vấn đề này, chị Nguyễn Tú Anh - NCS. Tiến sĩ Tâm lý Nhi & Thạc sĩ Tâm lý cho rằng:
Là một người mẹ, và một người đang hành động bằng mọi khả năng của bản thân để bảo vệ những đứa trẻ, với mình việc đăng công khai mọi thông tin cá nhân của trẻ em là không chấp nhận được, kể cả khi cha mẹ có đồng ý hay vô tình không biết thì cũng đừng làm vậy. Đừng vì cái lợi ích kinh doanh trước mắt hay chút tự hào thành tích mà bỏ qua những rủi ro kinh khủng tiềm ẩn liên quan đến an nguy của con.
"Hãy nghĩ thế này, chỉ với một tấm hình chân dung chính diện của chúng ta, các app và AI đã có thể "thiên biến vạn hóa" và deepfake tới cỡ nào. Nhưng người lớn "có chơi thì có chịu", đừng để trẻ em vô tình vướng phải những rắc rối chỉ vì thông tin cá nhân và hình ảnh của bé bị đăng công khai để ai cũng biết.
Các rủi ro có thể là gì? Tâm lý: Bị mang ra bàn tán và đàm tếu, đi học bị bạn bè móc mỉa trêu ghẹo theo giọng điệu người lớn; an nguy: Bị theo dõi và trục lợi khi người lạ biết thông tin địa chỉ và sdt cha mẹ, bị sử dụng hình ảnh của con cắt ghép lên những trang web độc hại, hay kể cả bị theo dõi bắt cóc tống tiền nếu kẻ gian phát hiện ra gia cảnh nhà khá giả?
Trong một chia sẻ trên trang cá nhân, GS Hồ Đắc Nguyên Ngã, giảng viên chuyên ngành digital và marketing - người biết rất rõ mọi chiêu thức của việc kinh doanh quảng bá trên nền tảng digital và mạng xã hội, cho rằng:
"Nhiều phụ huynh có vẻ post thông tin về con của mình lên mạng khá vô tư. Một nghiên cứu của mình và cộng sự mới được chấp nhận đăng chỉ ra rằng, chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội có thể dẫn đến nhiều rủi ro về tài chính, xã hội, và tâm lý lâu dài của một người.
Bạn không biết rằng thông tin đó sẽ đến tay ai và người ta sẽ sử dụng nó để làm gì đâu. Mình rất hạn chế thông tin cá nhân trên mạng xã hội mà chủ yếu chỉ chia sẻ các bài viết về các đề tài kinh tế, xã hội. Mà vẫn có người sử dụng những thông tin đó để tấn công cá nhân đấy. Người lớn thì tự làm tự chịu, nhưng phải bảo vệ trẻ em!".
Làm ơn, hãy bảo vệ trẻ em, nhất là ở trên cái thế giới mạng internet không ai quản lý được bất cứ điều gì như thế này", chị Tú Anh chia sẻ.
Phụ huynh cần thay đổi
Nói về vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ, chị Nguyễn Phương Thanh Trúc - đồng sáng lập và CEO một công ty khởi nghiệp chuyên sử dụng Machine Learning (học máy) để xác định nội dung độc hại trên Internet cho biết:
Bị rò rỉ thông tin và bị lợi dụng cho các mục đích xấu như xâm hại tình dục, bắt cóc. Tuy nhiên, vốn dĩ không nhiều người Việt Nam quan tâm tới việc bảo vệ thông tin của cá nhân mình cũng như của người khác và con cái. Có thể hệ lụy trước mắt chưa nhiều nên mọi người vẫn rất "tỉnh bơ", đặc biệt là cha mẹ hay phản ứng "có gì nghiêm trọng đâu". "Mindset" này rất cần được thay đổi.
Điều phụ huynh cần làm là trước tiên phải nhận thức rõ vấn đề. Đó là nếu trẻ chưa trưởng thành đủ để nhận thức rõ (tầm dưới 7 tuổi) thì cha mẹ cần nghĩ xa về việc các thông tin tư liệu đó sẽ có khả năng bị sử dụng và gây nên rủi ro thế nào trong tương lai.
Còn với trẻ lớn hơn thì cha mẹ cần hỏi ý kiến của con về việc con có thoải mái khi chia sẻ tấm ảnh này không… Đã có nhiều trường hợp trẻ bị bắt nạt học đường, trực tuyến vì những tấm ảnh cũ do ba mẹ đăng bị bạn bè lôi ra trêu chọc. Tiếp theo là luôn nhắc nhở các bên mà mình chia sẻ thông tin phải hỏi ý kiến phụ huynh trước khi đăng tải bất kỳ điều gì.
Theo quy định của Luật Trẻ em năm 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi "Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên, và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em".
Cũng theo Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định về các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng thì:
Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên, có trách nhiệm bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em.