Đăng tin sai, 'người ném giày ở Thủ Thiêm' bị phạt 5 triệu đồng
Bà Nguyễn Thùy Dương, chủ tài khoản facebook Nguyễn Thùy Dương (Dương Dịu Dàng) đã đăng tải đoạn video có nội dung sai sự thật phê phán chính quyền bỏ đói, không cho người dân trong khu phong tỏa nhận cứu trợ.
Tối 2/9, nguồn tin riêng của Tiền Phong cho biết Công an TPHCM vừa phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TPHCM làm việc với bà Nguyễn Thị Thùy Dương (31 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) và tống đạt quyết định xử phạt vi phạt hành chính với số tiền 5 triệu đồng.
Bà Nguyễn Thùy Dương bị xử phạt vì có hành vi đưa tin bịa đặt, sai sự thật theo Mục d, Khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Trước đó, vào ngày 22/7, bà Nguyễn Thị Thùy Dương đã sử dụng tài khoản facebook Nguyễn Thùy Dương (Dương Dịu Dàng) đăng tải đoạn video có nội dung phê phán chính quyền phường Bình Trưng Đông (TP Thủ Đức) bỏ đói, không cho người dân nhận cứu trợ và thiếu chăm lo đời sống cho người dân trong các khu phong tỏa.
Các cơ quan chức năng TPHCM đã xác định thông tin bà Dương đăng tải là không đúng sự thật.
Bà Nguyễn Thị Thùy Dương được mệnh danh là "người ném giày ở Thủ Thiêm" khi có hành vi ném chiếc giày về phía Tổ đại biểu Quốc hội TPHCM khóa XIV trong một buổi tiếp xúc cử tri quận 2 vào năm 2018.
Theo Sở TT&TT TPHCM, các thông tin giả, tin sai sự thật, mang tính chất xuyên tạc lan truyền trên không gian mạng vừa qua đã xâm phạm tình hình trật tự - xã hội và gây hoang mang cho người dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TPHCM.
Sở TT&TT đã phối hợp với Công an TPHCM, các Cục thuộc Bộ TT&TT tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý các chủ tài khoản, kênh mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong giai đoạn cao điểm thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Các cơ quan chức năng đã gỡ bỏ 112 bài viết trên tài khoản mạng xã hội, 182 videos trên kênh Youtube, 17 videos trên ứng dụng Tiktok có nội dung sai sự thật, xuyên tạc sự thật liên quan đến dịch COVID-19 trên địa bàn TPHCM.