Đặng Văn Lâm trở lại V.League: Tiến hay lùi?
Thủ môn Đặng Văn Lâm đã trở lại Việt Nam và đầu quân cho câu lạc bộ Bình Định. Đây được xem là một nước cờ hợp lý để anh có cơ hội chiếm suất bắt chính cho tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2022. Thế nhưng, ở góc độ khác, đây lại là bước lùi trong câu chuyện xuất ngoại của cầu thủ Việt.
“Tôi rất vui mừng khi được trở về nhà, quay lại Việt Nam thi đấu môi trường V.League sau gần 4 năm chơi bóng ở nước ngoài. Tôi rất khao khát có được một danh hiệu ở cấp câu lạc bộ. Đó cũng là lý do chọn Bình Định để đầu quân và cống hiến những gì tốt nhất trong khả năng của mình. Tôi rất mong muốn ban huấn luyện và toàn thể các đồng đội có thể gặt hái được thành tích tốt nhất, đạt mục tiêu cao nhất, đáp ứng sự kỳ vọng của đông đảo người hâm mộ”, thủ thành Đặng Văn Lâm chia sẻ sau khi chính thức ký hợp đồng thi đấu cho Bình Định.
Theo đó, bản hợp đồng kéo dài 3,5 năm với mức phí lót tay thuộc top cao nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. Nhìn vào đội hình toàn ngôi sao mà Bình Định đang sở hữu, rõ ràng, đây là một đội bóng chất lượng và tham vọng. Một đội bóng có tiềm lực như vậy, sự góp mặt của Văn Lâm được xem như để chắp thêm cánh cho đội bóng đất Võ.
Với cá nhân Văn Lâm, sự trở lại này không chỉ là vì vị thế của thương hiệu cá nhân mà còn vì cơ hội cho chính anh. Bởi lẽ, cuối năm nay, đội tuyển Việt Nam sẽ thi đấu tại AFF Cup 2022, Văn Lâm muốn có cơ hội được bắt chính. Việc Tấn Trường và Nguyên Mạnh lần lượt thay nhau chiếm lĩnh vị trí số 1 ở đội tuyển Việt Nam thời gian qua rõ ràng là một lời cảnh báo về cơ hội của thủ môn này ở đội tuyển quốc gia. Văn Lâm đầu quân cho Bình Định được xem là thương vụ tốt cho cả hai. Tuy nhiên, đứng ở góc độ chuyên môn và định hướng xuất ngoại của bóng đá Việt Nam, đây lại là thương vụ để lại nhiều suy ngẫm. Khi Văn Lâm về nước, bóng đá Việt Nam chỉ còn duy nhất Quang Hải đang chơi bóng ở nước ngoài trong màu áo Pau FC.
Văn Lâm có thời điểm được xem là cầu thủ thành công nhất khi xuất ngoại. Thủ môn Việt kiều từng thi đấu cho Muangthong United tại Thai League từ mùa giải 2019, thường xuyên bắt chính và trở thành trụ cột của đội bóng này. Chính điều đó đã giúp anh có được cơ hội chuyển đến Cerezo Osaka tại J.League 1 kể từ mùa giải 2021. Văn Lâm trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng cho giải đấu cao nhất tại Nhật Bản. Nhưng Văn Lâm đã không có cơ hội ra sân. Anh chỉ có 2 trận đấu được ra sân cho Osaka tại Cúp Hoàng đế 2021. Với những chấn thương gặp phải, phong độ không tốt đã khiến cơ hội của Văn Lâm càng ít đi. Không những vậy, anh cũng không còn là lựa chọn số 1 của huấn luyện viên Park Hang-seo tại đội tuyển Việt Nam. Những cơ hội thu hẹp dần buộc Văn Lâm phải “lùi để tiến” khi chọn trở về khoác áo Bình Định tại V.League. Câu chuyện cầu thủ Việt Nam xuất ngoại là đề tài vẫn thường xuyên diễn ra với những câu hỏi: Môi trường bóng đá nào phù hợp? Cầu thủ Việt Nam có đủ trình độ đá ở nước ngoài? Xuất ngoại hay du học? Thực tế, những bài học từ Tuấn Anh, Xuân Trường cho đến Công Phượng, Văn Hậu chỉ ra một điều, cầu thủ Việt Nam vẫn ở trình xa so với bóng đá châu lục. Ngay cả Quang Hải dù đã lựa chọn đội bóng khiêm nhường như Pau FC, có cơ hội ra sân và đá chính, thế nhưng những gì đọng lại không nhiều. Quang Hải đã cố gắng nhưng những gì tiền vệ này thể hiện vẫn chưa để lại quá nhiều dấu ấn. Nói đúng hơn, khoảng cách về tầm vóc vẫn quyết định nhiều vấn đề chuyên môn.
Tại AFF Cup 2020, tuyển Việt Nam thua Thái Lan ở bán kết một cách tâm phục khẩu phục. Có rất nhiều nguyên nhân được mổ xẻ, trong đó, vấn đề cầu thủ xuất ngoại được đem ra so sánh. Người Thái đang có được nguồn lực cầu thủ xuất ngoại tốt hơn để phục vụ đội tuyển quốc gia. Chúng ta cũng rất muốn có những cầu thủ chất lượng được ra nước ngoài thi đấu. Vì thế mà sự trở lại của Văn Lâm phần nào đó lại là bước lùi. Chỉ hy vọng rằng, anh lùi để tiến.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/so-tay-the-thao/dang-van-lam-tro-lai-v-league-tien-hay-lui--i664307/