Đảng vì dân, dân tin Đảng

LTS: Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đến khi giữ cương vị cao nhất của Đảng, đồng chí ĐỖ MƯỜI luôn quan tâm chăm lo công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là xây dựng, củng cố mối đoàn kết gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, coi sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân.

Trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư ĐỖ MƯỜI đã viết bài “Đảng vì dân, dân tin Đảng” đăng trên Báo Đại đoàn kết. Tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư ĐỖ MƯỜI, Báo Quân đội nhân dân trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết này:

Không cam chịu nỗi nhục mất nước, từ cuối thế kỷ trước, nhân dân ta đã tiến hành cuộc đấu tranh bền bỉ, kiên cường, bất khuất để mưu giành độc lập. Từ các sĩ phu yêu nước, như Phan Đình Phùng, Trương Định, Nguyễn Thiện Thuật, Thủ Khoa Huân, Hoàng Hoa Thám, đến lớp trí thức như Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính... đã liên tục phát động các phong trào, dấy lên các cuộc nổi dậy của nhân dân; khởi nghĩa nối tiếp khởi nghĩa; lớp này ngã xuống, lớp khác xông lên. Các vị đã hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc, viết tiếp những trang sử vẻ vang của dân tộc ta. Song các cuộc khởi nghĩa ấy đều không thành công. Một giai đoạn mới mở ra từ đầu năm 1930, khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đảm nhiệm sứ mệnh lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Ngay từ những ngày đầu còn non trẻ, Đảng đã phải trải qua nhiều cuộc đàn áp, khủng bố, truy lùng gắt gao của bọn thống trị thực dân. Hàng vạn đảng viên và quần chúng cảm tình của Đảng bị bắt bớ, tra tấn, tù đày; nhiều người đã ngã xuống vì sự nghiệp cách mạng. Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng bị địch đánh chết trong khám lớn Sài Gòn. Nhiều cán bộ lãnh đạo của Đảng bị đày ra Côn Đảo; đồng chí Ngô Gia Tự vượt ngục, hy sinh trên biển. Đến cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cuối năm 1940 thất bại, Đảng lại chịu tổn thất hết sức nặng nề. Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần... hy sinh anh dũng trước mũi súng giặc. Rất nhiều người đã an nghỉ vĩnh viễn trên Nghĩa trang Hàng Dương ở nhà tù Côn Đảo cũng như ở nhiều nhà tù khác.

 Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, năm 1992. Ảnh: TTXVN.

Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, năm 1992. Ảnh: TTXVN.

Địch cho rằng, trước những thất bại và mất mát to lớn như vậy thì Đảng Cộng sản cũng giống như những tổ chức yêu nước trước đây sẽ không thể tồn tại, tất phải lụi tàn dần. Nhưng trái với điều chúng tưởng, Đảng vẫn đứng vững và phát triển nhanh chóng vì Đảng có đường lối đúng, có quan hệ mật thiết với nhân dân. Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân; Đảng từ dân mà ra, sống trong lòng dân, được dân nuôi dưỡng, che chở, thương yêu, tin tưởng. Sức mạnh của toàn dân từ khi có Đảng lãnh đạo đã được nhân lên gấp bội, làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa-Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta lại phải tiến hành hai cuộc kháng chiến cực kỳ ác liệt, đầy gian khổ, hy sinh suốt ba chục năm ròng, dẫn đến đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng nửa phần còn lại của đất nước, đón miền Nam "đi trước về sau", giành lại độc lập hoàn toàn, thống nhất Tổ quốc, thu giang sơn về một mối. Thắng lợi vĩ đại này trước hết là nhờ ở toàn dân đoàn kết một lòng, tin tưởng và anh dũng đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng, tạo nên sức mạnh vô địch đánh thắng giặc ngoại xâm, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, làm rạng rỡ truyền thống vẻ vang của dân tộc trải mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Trong thời kỳ bí mật cũng như trong kháng chiến, dân đã làm tất cả để bảo vệ cán bộ hoạt động ngay trong lòng địch. Dân chịu cực, chịu khổ, đùm bọc, nuôi giấu cán bộ của Đảng, từ lãnh tụ tối cao đến đảng viên ở cơ sở, nhường từ miếng cơm, manh áo đến cả cửa nhà, hết lòng bảo vệ Đảng, coi bảo vệ Đảng là nghĩa vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc, dân tộc và cũng là bảo vệ cuộc sống, tương lai của chính mình. Tình cảm đó chỉ có thể có đối với người ruột thịt, với đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Cán bộ ở, làm việc, hội họp ngay trong nhà đồng bào, từ các em thiếu nhi làm liên lạc đến các cụ già làm nhiệm vụ canh gác, ai nấy đều tự nguyện hăng hái tham gia, khiến bọn mật thám không dễ gì phát hiện. Hầm bí mật, nơi che mắt địch truy lùng, nơi tránh đạn bom an toàn nhất, dân đều dành cho cán bộ, bộ đội. Khi chẳng may bị lộ, dân dẫn đường cho cán bộ thoát ra, còn tự mình chịu đựng bắt bớ, tra tấn, cực hình, kể cả hy sinh tính mạng để bảo vệ cán bộ, bảo vệ phong trào.

Nhiều bà mẹ từ lúc tóc còn xanh đến khi đầu bạc, suốt cuộc đời nuôi cán bộ, đảng viên, bộ đội, với suy nghĩ mộc mạc mà chí lý, chí tình: Mình nuôi chúng nó, các má nơi khác lại nuôi con mình. Người mẹ nuôi con, mong con khôn lớn để phụng dưỡng tuổi già; còn người mẹ nuôi đảng viên, cán bộ ròng rã mấy chục năm, hằng ngày đối mặt với kẻ thù, chẳng những không hề do dự trước hiểm nguy, không sợ hy sinh, không nghĩ đến đền đáp, mà còn luôn luôn bồn chồn, lo lắng làm sao bảo vệ an toàn cho cán bộ, đảng viên trước sự rình rập thường xuyên của kẻ thù. Nuôi Đảng, nuôi quân, nuôi cán bộ Cụ Hồ là việc làm hoàn toàn tự giác của người dân, tất cả vì vận mệnh của Tổ quốc và tương lai của dân tộc. Ngày 2-9-1947, trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào các tỉnh Việt Bắc, Người đã tỏ lòng biết ơn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào: "Mặc dầu Tây và Nhật thẳng tay khủng bố, nó đốt làng, nó phá nhà, nó bắt người, nhưng đồng bào vẫn kiên quyết giúp đỡ cách mệnh. Đồng bào Thổ, đồng bào Nùng, đồng bào Mán, đồng bào Mèo, cho đến anh em Hoa kiều, người thì giúp chúng tôi ăn, kẻ thì cho chúng tôi áo. Có những đồng bào nhịn ăn, nhịn mặc, bán trâu, bán ruộng để giúp chúng tôi làm cách mệnh. Thật là quý hóa vô cùng".

Dân hoàn toàn tin ở Đảng, coi Đảng như máu thịt của chính mình bởi lẽ suốt các thời kỳ cách mạng, Đảng ta giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc; cán bộ, đảng viên gương mẫu chiến đấu, hy sinh chỉ nhằm mục đích giành lại độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của toàn dân. Cách mạng như con thuyền mà dân trao cho Đảng làm người cầm lái. Đảng tuyệt đối tin ở dân, dựa vào dân để sống và chiến đấu. Vũ khí đối với lực lượng võ trang là rất hệ trọng, vậy mà ngay giữa lòng địch, Đảng gửi trong dân cất giữ. Cơ quan đầu não của Đảng cũng ở trong nhà dân. Con thuyền cách mạng đi đến thắng lợi là nhờ sức dân. Bác Hồ kính yêu, vị lãnh tụ tối cao của Đảng, chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc: Đất nước ta được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành. Đảng không có mục tiêu tự thân nào; mục tiêu của Đảng chính là mục tiêu mà toàn dân ta đang hướng tới: Độc lập dân tộc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Điều mong muốn của Bác Hồ cũng là ước nguyện của toàn dân, toàn Đảng.

Nhân dân ta đang hăng hái, nỗ lực tiến hành công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, thu được những thành tựu rất quan trọng và đầy hứa hẹn. Đất nước đã có nhiều thay đổi, đời sống của số đông nhân dân được cải thiện. Song, thu nhập quốc dân tính theo đầu người vẫn ở mức thấp, nước ta vẫn thuộc số nước nghèo nhất thế giới. Rõ ràng, đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu, xây dựng đất nước giàu đẹp, vững mạnh, văn minh, phấn đấu giữ vững độc lập, tự do, mưu cầu hạnh phúc của nhân dân cả nước là một sự nghiệp vô cùng trọng đại, với nhiều thuận lợi và cũng nhiều khó khăn, gian nan, thử thách không kém gì lúc chiến tranh.

Song, sự nghiệp trọng đại đó nhất định sẽ được các thế hệ hôm nay và ngày mai hoàn thành tốt đẹp. Niềm tin sâu sắc đó xuất phát từ truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc ta, từ lòng yêu nước nồng nàn của mọi người Việt Nam có lương tri và tâm huyết, thuộc mọi giai cấp, tầng lớp, tôn giáo, dân tộc, của đồng bào trong nước và đồng bào ta sinh sống ở nước ngoài vẫn luôn hướng về Tổ quốc; như dòng hoàng tộc họ Lý rời Việt Nam đến định cư ở Hàn Quốc đã gần 800 năm, nay vẫn nặng lòng với xứ sở, quê hương, tìm về cội nguồn, quê cha đất tổ. Nửa thế kỷ qua, chúng ta lại xây dựng được truyền thống vô cùng tốt đẹp trong thời đại mới, truyền thống Đảng vì dân và dân tin Đảng. Những truyền thống cao quý ấy đã làm nên chiến thắng vĩ đại trong chiến tranh, nhất định sẽ làm nên chiến thắng vĩ đại trong hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta phải phát huy cao độ truyền thống đó, mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, đồng tâm nhất trí triệu người như một. Mọi người Việt Nam dù quá khứ trước đây như thế nào, nay mong muốn rửa nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu, đều được nhân dân ta vui mừng tiếp nhận, tạo điều kiện thuận lợi để bà con tham gia sự nghiệp vĩ đại này, góp phần xây dựng đất nước. Đoàn kết toàn dân, đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ, "không bỏ sót một người nào", đó là bí quyết của thắng lợi, như Bác Hồ đã nói: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Chỉ có tập trung cao độ, lôi cuốn được toàn bộ trí tuệ, nhân tài, vật lực của đất nước vào sự nghiệp chung thì mới có thể tạo ra sức mạnh dời non, lấp biển để sớm thanh toán lạc hậu, nghèo nàn, tiến lên quốc phú dân cường, làm rạng rỡ non sông Việt Nam yêu quý của chúng ta.

Ngày nay, khi chính quyền đã về tay nhân dân, toàn thể cán bộ, đảng viên phải kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của lớp người đi trước, tiếp tục phấn đấu hy sinh vì độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của đồng bào, ra sức nâng cao trí tuệ, rèn luyện phẩm chất trong hoàn cảnh mới, kiên quyết chống tham ô, lãng phí, quan liêu, thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; sa thải khỏi hàng ngũ của Đảng những phần tử biến chất, sa đọa, đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân.

Đảng và Nhà nước phải có chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, động viên toàn dân tham gia chống giặc đói và giặc dốt; phát động rộng rãi phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, xóa mù chữ, phổ cập cấp I, tiến tới phổ cập cấp II trong cả nước, chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đền ơn đáp nghĩa những người có công với nước, quan tâm đến các gia đình có nhiều khó khăn, đến đồng bào ở vùng căn cứ cách mạng, vùng cao, vùng xa xôi hẻo lánh, biên giới và hải đảo. Khuyến khích kết nghĩa giữa đô thị với nông thôn, giữa các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thôn xã, làng bản, giữa đồng bào trong nước với đồng bào đang sinh sống ở nước ngoài; phát huy truyền thống nhân nghĩa của dân tộc ta, nêu cao tình làng nghĩa xóm, đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, "nhiễu điều phủ lấy giá gương". Mỗi đảng viên chúng ta hằng ngày hãy tự suy nghĩ mình phải làm gì để góp phần chăm lo đời sống mọi mặt của nhân dân nhằm đền đáp một phần những hy sinh to lớn trong nửa thế kỷ qua của đồng bào cả nước.

Từ trong máu lửa của cách mạng và kháng chiến, vào sinh ra tử, lúc nào Đảng cũng ở trong lòng dân. Đảng với dân là một, mọi việc phải dựa vào dân, "có dân là có tất cả". Đó là chân lý, trước đây như vậy, từ nay về sau mãi mãi vẫn là như vậy. Là người lãnh đạo, đồng thời là thành viên của Mặt trận Tổ quốc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, cán bộ, đảng viên của Đảng nguyện tuân theo lời Bác Hồ dạy Quân đội ta, cũng là lời dạy đối với toàn Đảng: Trung với nước, hiếu với dân, tin tưởng ở dân, hết lòng phục vụ nhân dân để xứng đáng với sự tin yêu của đồng bào, cùng toàn dân nỗ lực phấn đấu biến những mong ước cao cả của Người thành hiện thực, để đất nước mãi mãi được độc lập, tự do, cuộc sống của nhân dân ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Đó là điều tâm huyết của Đảng chuyển đến toàn thể đồng bào yêu quý nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày thành lập Đảng và nhân dịp đầu Xuân Ất Hợi, Tết cổ truyền của dân tộc ta.

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dang-vi-dan-dan-tin-dang-551121