Đảng viên, cán bộ Ban Công tác phía Nam, TƯ Hội LHPN Việt Nam, về nguồn tại các địa chỉ đỏ
Trong chuyến hành trình về nguồn, đoàn công tác dâng hương tại Khu di tích lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc và tìm hiểu Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại Tu viện Kim Cang, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.
Vừa qua, Chi bộ Ban Công tác phía Nam, TƯ Hội LHPN Việt Nam, tổ chức hành trình về địa chỉ đỏ, sinh hoạt chuyên đề, dâng hương tại các địa chỉ đỏ thuộc huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.
Đến với Khu di tích Lịch sử Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc - nơi ghi dấu tích về bản hùng ca của các cô gái vùng ven Sài Gòn đi dân công phục vụ chiến trường, những tấm gương sáng ngời về tinh thần vượt gian khổ, sẵn sàng hy sinh, vững tin vào thắng lợi. Tại đây, cán bộ, đảng viên của Chi bộ được xem lại các hiện vật, tài liệu, những thước phim quý giá tái diễn cuộc đấu tranh của quân và dân ta năm Mậu Thân 1968 trên vùng đất Vĩnh Lộc - vành đai lửa năm xưa; lắng nghe nhân chứng lịch sử trực tiếp kể lại những câu chuyện khốc liệt và lịch sử hào hùng, sự hy sinh anh dũng của 32 liệt sĩ dân công hỏa tuyến trong sự kiện "đêm trắng Vĩnh Lộc".
Ký ức về đêm bi thương vẫn hiển hiện trong tâm trí những người sống sót sau trận càn kinh hoàng của địch ngày đó. Cô Phạm Thị Oi (Bảy Oi) kể lại: "Hồi ấy, chúng tôi tuổi đời còn rất trẻ đã hăng hái tình nguyện tham gia tải súng, tải đạn phục vụ chiến trường. Đêm 15/6/1968, đoàn dân công chúng tôi hành quân đến bìa bưng Láng Sấu thì bị 2 máy bay trực thăng địch phát hiện và tập trung xạ kích ác liệt làm 32 dân công hy sinh, 25 người còn lại đều bị thương. Mấy ngày sau, địch lại càn xuống, kiểm tra bắt đi cả chục chị bị thương. Sau này mới biết, những người bị thương đó bị bắt đưa đi tra hỏi nhưng không thể tìm được chứng cứ nên chúng phải trả các chị về nhà".
Với cô Bảy Oi, việc thường xuyên đến đây để thăm các đồng đội đã ngã xuống và chia sẻ những câu chuyện về lịch sử hào hùng với thế hệ trẻ như là cách để tri ân, để tưởng nhớ về những người đồng đội của mình. "Hòa bình, được sống đầy đủ nghĩ mà thương các anh chị nên tôi muốn thế hệ trẻ biết được chiến tranh khốc liệt ra sao. Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ và các đoàn thể xã Vĩnh Lộc A và huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh) đã tu sửa, làm vệ sinh, trồng cây xanh tại Khu Di tích Dân công hỏa tuyến; chăm sóc người có công...; tuyên truyền, giáo dục tấm gương chiến đấu và hy sinh anh dũng của các dân công hỏa tuyến, góp phần giúp nhân dân, đặc biệt là giới trẻ hiểu đúng, trân trọng lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc, của địa phương. Những người may mắn thoát làn lửa đạn của địch như tôi cũng thấy ấm lòng", cô Bảy Oi chia sẻ.
* Trong chuyến hành trình về địa chỉ đỏ, Đoàn đã đến dâng hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham quan Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại Tu viện Kim Cang (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh). Tại đây, trưng bày nhiều tư liệu, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại đoàn kết và công tác mặt trận, với công nhân lao động, nông dân, người cao tuổi và thanh niên, thiếu niên nhi đồng. Đặc biệt, có nhiều hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ với phụ nữ được sưu tầm, trưng bày trang trọng.
Đại đức Thích Nguyên Chiếu, Viện chủ Tu viện Kim Cang, cho biết: "Thực hiện Không gian văn hóa Hồ Chí Minh nhằm tỏ lòng tôn kính lãnh tụ của dân tộc, làm cho văn hóa Hồ Chí Minh tiếp tục lan tỏa rộng khắp, đi sâu vào đời sống xã hội và kích thích được phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các chức sắc, chức việc và các phật tử trên địa bàn". Được biết, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đang được thực hiện trong khuôn viên của nhiều tự viện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh để lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho người dân, trong đó có các tín đồ tôn giáo nói chung và phật giáo nói riêng tự hào được sống, học tập, lao động ở thành phố mang tên Bác.
Hành trình về địa chỉ đỏ là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân đối với các thế hệ đi trước đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Qua đó, đa dạng hóa công tác tuyên truyền, giáo dục của Chi bộ trong nâng cao truyền thống, đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Đồng thời, đây là dịp để kết nối, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban Công tác phía Nam và Trường Trung cấp Lê Thị Riêng.