Đảng viên đi trước, làng nước theo sau
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền', cấp ủy đảng, chính quyền các huyện miền núi luôn quán triệt sâu sắc các quy định của Trung ương, của tỉnh Thanh Hóa về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Nhiều cán bộ, đảng viên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực đã trở thành những 'đầu tàu', hạt nhân tiêu biểu trong phát triển kinh tế và XDNTM, tạo động lực để quần chúng Nhân dân học tập, làm theo.
Bà Lê Thị Thời, bí thư chi bộ thôn, trưởng ban công tác mặt trận thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương (thứ hai từ phải sang) luôn phát huy trai trò “cầu nối” đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với Nhân dân.
Những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Bình Lương (Như Xuân) đang dồn sức cho ngày “về đích” NTM. Bởi vậy, không khỏi ngạc nhiên khi những thôn Làng Gió, Làng Mài, Làng Sao, Hợp Thành, Quang Trung, Thắng Lộc xưa vốn khó khăn, giờ đã khoác lên mình “tấm áo mới" khang trang và đầy sức sống. Như đã hẹn, anh Lê Đức Tuấn, Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình sản xuất của đảng viên người dân tộc thiểu số (DTTS) ở địa phương. Anh Tuấn cho biết: “Xã Bình Lương có 729 hộ dân với 2.994 nhân khẩu; trong đó đồng bào DTTS chiếm khoảng 60%. Với mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung triển khai nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trọng tâm là thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn và đưa những giống cây, con có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đồng thời, chỉ đạo các chi bộ nông thôn phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ đảng viên trong xây dựng các mô hình phát triển sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao để bà con học tập, làm theo”.
Nêu cao tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, nhiều hộ gia đình đảng viên người DTTS đã mạnh dạn đầu tư vốn, đưa các loại cây trồng mới có giá trị kinh tế vào sản xuất, trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, có sức lan tỏa sâu rộng trong Nhân dân. Gia đình ông Đinh Đình Sơn, người dân tộc Thổ, thôn Quang Trung là một trong những điển hình về phát triển sản xuất được bà con tin tưởng học tập, làm theo. Với phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, không cam chịu đói nghèo, ông đã tận dụng quỹ đất của gia đình để xây dựng mô hình phát triển sản xuất theo hình thức “đa cây, đa con”. Hiện nay, ngoài 5 sào đất ruộng, ông Sơn còn quy hoạch khoảng 0,15 ha đất trồng chè xanh và cây ăn quả; 3 ha đất lâm nghiệp trồng keo và sắn xen keo; 0,1 ha ao nuôi cá. Để tận dụng tán rừng và nguồn thức ăn có sẵn, ông nuôi thêm 3 con bò, 250 con gia cầm các loại, 6 bọng ong lấy mật. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Sơn có thu nhập từ 90 đến 120 triệu đồng. Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế nâng cao thu nhập cho gia đình, trong vai trò là chi hội trưởng hội cựu chiến binh và người có uy tín trong đồng bào DTTS của thôn Quang Trung, ông còn tích cực vận động Nhân dân ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, như sử dụng phân nén dúi sâu để nâng cao năng suất, sản lượng cây lúa, thực hiện cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả để nâng cao thu nhập. Tiêu biểu trong thôn Quang Trung có hộ bà Lê Thị Thân, với gần 3 ha bưởi và ổi, mỗi năm thu nhập từ 130 đến 160 triệu đồng; hộ anh Lê Quang Diệu có 50 bọng ong, thu nhập trên 150 triệu đồng; hộ chị Đinh Thị Mai có 5 sào dưa chuột, cho thu nhập từ 70 đến 90 triệu đồng. Từ các mô hình tiêu biểu ấy, các hộ dân tự học hỏi nhau, thay đổi tư duy và mạnh dạn đầu tư vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần vào công cuộc giảm nghèo ở địa phương.
Phát huy vai trò của mình, nhiều năm qua, bà Lê Thị Thời, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận thôn Chiềng Khạt, xã Đồng Lương (Lang Chánh) luôn là “cầu nối” đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng đến với Nhân dân, bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Thôn Chiềng Khạt có 240 hộ, với 1.089 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mường. Bằng uy tín, tiếng nói của mình, bà còn vận động Nhân dân tích cực phát triển sản xuất, mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng các mô hình kinh tế về trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho thu nhập cao. Qua thống kê, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 của thôn đạt 38,5 triệu đồng. Trong XDNTM, từ năm 2019 đến nay, trên cương vị bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận thôn, bà đã vận động Nhân dân đóng góp tiền, hiến đất làm được 5 km đường giao thông liên gia, xây dựng nhà văn hóa. Từ sức dân, hiện nay 98% đường giao thông của thôn Chiềng Khạt được bê tông hóa. Chiềng Khạt đang tiến những bước vững chắc để về đích NTM.
Ông Trương Công Diễn, bí thư chi bộ, trưởng thôn Quang Sơn, xã Quang Trung (Ngọc Lặc) được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận, đánh giá là người nhiệt tình, trách nhiệm với công việc, thường xuyên lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đảng viên và Nhân dân để phản ánh lên cấp trên, bàn biện pháp tháo gỡ kịp thời. Thôn có 152 hộ, với 630 nhân khẩu, phần lớn là đồng bào DTTS. Trước khi triển khai chương trình XDNTM, cơ sở hạ tầng của thôn chưa được đầu tư đồng bộ. Xác định nhiệm vụ XDNTM là cuộc “cách mạng” góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, ông đã cùng các đồng chí trong cấp ủy bàn bạc thống nhất, xây dựng nghị quyết chuyên đề về XDNTM. Đồng thời, căn cứ vào tình hình cụ thể của thôn xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện, với tinh thần phát huy vai trò chủ thể của người dân.
Với vai trò là người đứng đầu của thôn Quang Sơn, ông đã cùng tập thể chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo ban công tác mặt trận và các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền để Nhân dân nắm được chủ trương của Đảng về việc XDNTM. Cùng với đó làm tốt công tác dân vận để khơi dậy lòng dân, sức dân đóng góp kinh phí, ngày công lao động để xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, như bê tông hóa đường làng, ngõ xóm, xây dựng nhà văn hóa thôn... Nghe theo lời ông, Nhân dân thôn Quang Sơn đã hiến đất, hiến cây, đóng góp về vật chất và hơn 1.245 ngày công để đào đắp, san lấp và bê tông hóa được 5,2 km đường giao thông; sửa chữa, chỉnh trang nhà văn hóa thôn trị giá 700 triệu đồng; xây dựng đường điện chiếu sáng khu dân sinh trị giá 100 triệu đồng; trồng 1,8 km hàng rào xanh dọc các tuyến đường của thôn và xung quanh nhà văn hóa của thôn. Vào ngày chủ nhật hàng tuần, Nhân dân trong thôn tích cực tham gia tổng vệ sinh môi trường tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp. Trong sự đổi thay của thôn Quang Sơn hôm nay, có sự đóng góp công sức không nhỏ của bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS Trương Công Diễn.
Đa số đảng viên là người DTTS có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, trình độ, năng lực chuyên môn từng bước được nâng lên đáng kể. Bằng nhiều việc làm thiết thực, ý nghĩa, các đảng viên người DTTS trong tỉnh luôn thể hiện vai trò “đầu tàu” trong phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng quê hương đổi mới; bài trừ hủ tục lạc hậu; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; hòa giải, giải quyết tốt mọi vướng mắc, phát sinh trong cộng đồng; tạo sự đồng thuận, xây dựng thôn, bản đoàn kết, bình yên, phát triển. Không những vậy, đội ngũ đảng viên ở các bản, làng khu vực miền núi còn là những người gắn bó mật thiết với Nhân dân; là lực lượng nòng cốt, cầu nối quan trọng giữa Đảng, chính quyền với Nhân dân; là hạt nhân trong vận động đồng bào DTTS thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/nguoi-tot/dang-vien-di-truoc-lang-nuoc-theo-sau/192704.htm