Đảng viên đồn biên phòng

Đảng viên “2373” sinh hoạt đảng tại Chi bộ thôn Hòa An, xã Xuân Cảnh. Ảnh: XUÂN HIẾU

Là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới vùng biển, đảo của tỉnh, cán bộ chiến sĩ BĐBP Phú Yên đã có nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh trật tự của địa phương.

BÀI 1: Đảng viên “2373”

Để bộ đội gần dân, sâu sát và nắm chắc tình hình ở cơ sở, Đảng ủy BĐBP đã phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quy định tạm thời 2373-QĐ/TU ngày 6/12/2012 quy định trách nhiệm, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng viên đồn BP tham gia sinh hoạt ở các chi bộ thôn, khu phố các xã, phường, thị trấn ven biển (Quy định 2373).

Cầu nối giữa đồn biên phòng với cơ sở

Chúng tôi về làng biển Hòa An (xã Xuân Cảnh, TX Sông Cầu) đúng vào dịp địa phương đang tổ chức lễ hội cầu ngư và hát lăng. Vừa trải qua thời gian giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nay trở lại trạng thái bình thường mới nên người dân rất hồ hởi, phấn khởi với hoạt động văn hóa tâm linh được tổ chức hàng năm này. Trước ngày tổ chức lễ hội, Chi bộ thôn Hòa An đã tổ chức họp định kỳ, trong đó có đảng viên “2373” của Đồn BP Xuân Hòa.

Ông Bùi Văn Quốc, Bí thư chi bộ cho biết: Thực hiện Quy định 2373, Đảng ủy Đồn BP Xuân Hòa đã cử trung úy Lê Quang Trí tham gia sinh hoạt như một đảng viên chính thức của chi bộ. Trước đó, Đảng ủy Đồn BP Xuân Hòa cũng đã cử đảng viên luân phiên tham gia sinh hoạt cùng chi bộ thôn. Qua sinh hoạt đảng với chi bộ thôn, trung úy Lê Quang Trí thường xuyên thông báo, trao đổi với cấp ủy, cán bộ đảng viên trong thôn về tình hình trên biển và khu vực biên giới biển, cũng như các chủ trương, biện pháp về công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển; tham mưu giúp chi ủy, chi bộ lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đồng thời vận động ngư dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định trong hoạt động khai thác, đánh bắt, bảo vệ môi trường, bảo vệ an ninh trật tự (ANTT), chủ quyền trên biển… “Mới đây, trung úy Trí đã tham mưu cấp ủy, chỉ huy đơn vị và cấp ủy, chính quyền xã huy động lực lượng tổ chức vá lại đoạn đường bị sạt lở giữa hai thôn Hòa An và Hòa Phú; dọn vệ sinh môi trường biển… Còn tại cuộc họp này, trung úy Trí đề xuất với xã, thôn về phương án bảo vệ ANTT trong những ngày diễn ra lễ hội cầu ngư, bảo đảm an toàn cho bà con”, ông Quốc cho biết.

Qua theo dõi cho thấy, việc đảng viên đồn BP sinh hoạt đảng theo Quy định 2373 đã phát huy hiệu quả. Theo đề nghị của Đảng ủy BĐBP tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy đã đồng ý cho sơ, tổng kết đánh giá việc thực hiện quy định này, làm cơ sở để trình, đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng có quy định chính thức, nhân rộng mô hình sinh hoạt đảng này trong toàn lực lượng. Nếu được Ban Bí thư ban hành quy định chính thức, đây là cơ sở pháp lý, điều kiện để lực lượng BĐBP nói chung, BĐBP Phú Yên nói riêng phát huy vai trò trách nhiệm trong việc tham gia xây dựng, củng cố kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở KVBGB ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng chí Lương Minh Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy

Không chỉ Hòa An mà tất cả 15 chi bộ thôn của 3 xã Xuân Cảnh, Xuân Hải và Xuân Thịnh, Đảng ủy Đồn BP Xuân Hòa đều phân công đảng viên của đồn tham gia sinh hoạt đảng, làm cầu nối giữa lãnh đạo đơn vị với cấp ủy, ban nhân dân, Mặt trận từng thôn. Theo thượng tá Đào Văn Soạn, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn BP Xuân Hòa, nhờ có sự gắn kết và mối liên hệ này, đơn vị kịp thời nắm bắt tình hình cũng như tâm tư nguyện vọng của người dân; thông tin trao đổi giữa đồn với cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng thường xuyên và sâu hơn.

Trong câu chuyện bên bình trà nóng với các ngư dân ở làng biển Vũng La (thôn Dân Phú 2, xã Xuân Phương, TX Sông Cầu), chúng tôi được nghe bà con nói nhiều về những đảng viên “2373”. Chủ nhà Bùi Trung Chánh (SN 1964) nói: “Chuyện BĐBP với dân thì vô số, nói cả ngày không hết”. Hàng xóm Phạm Văn Được (SN 1965) thì bảo anh em BĐBP với ngư dân như người một nhà, gắn bó thân thiết lắm. Còn lão ngư Trần Đức Huỳnh (SN 1950), gần 30 năm làm Chi hội trưởng Nông dân thôn Vũng La, nên rất am tường về những người lính quân hàm xanh ở làng biển này. Theo ông Huỳnh, việc gì có lợi, có ích cho dân ở làng biển này đều có sự tham gia của BĐBP. Trưởng Trạm Kiểm soát biên phòng Vũng La (Đồn BP Xuân Đài) Trương Tuấn Anh cũng là đảng viên sinh hoạt tại chi bộ thôn theo Quy định 2373, nên rất sâu sát và hiểu dân.

Ông Huỳnh đơn cử, trước đây việc đi lại của bà con Vũng La để đến với các nơi khác và ngược lại rất khó khăn do chỉ có đường mòn, đèo dốc; còn có đường thì khi mưa xuống lầy lội hết chỗ nói. Thấu hiểu nỗi khổ của người dân, cán bộ địa bàn, trạm đã tham mưu cấp ủy, chỉ huy đơn vị tổ chức lực lượng, cử hàng trăm lượt cán bộ chiến sĩ giúp bà con mở và bê tông đoạn đường dài 90m, rộng 3,5m và nâng lên cao 2,25m so với ban đầu, nối thông Vũng La với đường liên thôn. Đoạn đường này đã góp phần làm giảm đáng kể chi phí vận chuyển hàng hóa, sản phẩm đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của ngư dân đến nơi tiêu thụ. “Vũng La đang có thêm tuyến đường mới nối với Vũng Me và khu chợ đang thi công. Hai công trình có ý nghĩa dân sinh này đều có sự tham mưu, đề xuất của BĐBP”, ông Huỳnh nói.

Góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở

Qua gần 8 năm thực hiện Quy định 2373, hàng trăm lượt đảng viên của các đồn BP đã được giới thiệu tham gia sinh hoạt đảng ở các chi bộ thôn, khu phố ven biển của tỉnh; hiện tại có 62 đảng viên “2373” sinh hoạt ở 45 chi bộ thôn, khu phố. Trong thời gian qua, các đảng viên “2373” đã trực tiếp tham gia củng cố 5 tổ chức cơ sở đảng, 12 ban nhân dân thôn, 2 xã đoàn, 7 chi đoàn, 4 chi hội phụ nữ, 12 chi hội nông dân, 3 ban công an và 2 ban chỉ huy quân sự xã… Đồng thời tham mưu giúp các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tổ chức thành công đại hội đảng, đại hội MTTQ, bầu cử HĐND; vận động thành lập các tổ tàu thuyền an toàn, dòng họ, gia đình an toàn về ANTT... Đến nay, 100% thôn, khu phố khu vực biên giới biển (KVBGB) đã xây dựng quy ước, hương ước về đảm bảo ANTT và xây dựng đời sống văn hóa. Ông Lý Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh, cũng là đảng viên sinh hoạt tại Chi bộ thôn Hòa An, nhìn nhận: “Ở Xuân Cảnh, các đảng viên “2373” đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở. Từ đó năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của nhiều cấp ủy, chi bộ thôn được nâng lên đáng kể; chất lượng hoạt động của các hội, đoàn thể được nâng lên”.

Tại hội nghị sơ kết việc thực hiện Quy định 2373, lãnh đạo cấp ủy các địa phương đều cho rằng, từ khi BĐBP tỉnh triển khai quy định này, mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên đồn BP với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân trên địa bàn ngày càng được gắn bó chặt chẽ, mật thiết. Công tác nắm, trao đổi thông tin, tình hình của đồn BP và cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở được triển khai đều đặn, phục vụ tốt công tác tham mưu, phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ công tác biên phòng và chủ trương về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các chi bộ thôn, khu phố các xã, phường, thị trấn ven biển; nâng cao chất lượng, nề nếp sinh hoạt chi bộ thôn, khu phố. Một số chủ trương phát triển kinh tế - xã hội và phong trào quần chúng tham gia bảo vệ chủ quyền vùng biển, giữ gìn ANTT ở khu vực biên giới biển được thực hiện đạt hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh và thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

BÀI 2: Đảng viên “681”

XUÂN HIẾU

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/418/242047/dang-vien-don-bien-phong.html