Đảng viên gương mẫu để quần chúng noi theo
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành 10 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với bồi dưỡng đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh. Cùng với đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành 26 văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó đã đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.
Lãnh đạo tỉnh trao bằng khen cho cácđiển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2023-2024
Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 của Bộ Chính trị khóa XIII được xem là sự chắt lọc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng; là kim chỉ nam để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa”; là tấm gương phản chiếu để nhân dân noi theo.
Đề cao trách nhiệm nêu gương
Bình Phước là tỉnh biên giới, đông thành phần dân tộc thiểu số, vì vậy, cán bộ, đảng viên ở cơ sở là một trong những nòng cốt giữ vững an ninh, chính trị địa bàn. Trong đó, vấn đề nêu gương của cán bộ, đảng viên trước quần chúng nhân dân được đặc biệt chú trọng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới.
ÔngĐiểu Saret, Bí thư Chi bộ thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng (thứ 3 từ trái sang) cùng người dân trong thôn tham gia buổi tập huấn kỹ thuật trồng cây do các kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn
Thôn Đắk Liên cách trung tâm xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng khoảng 6km, với hơn 60% số dân là đồng bào S’tiêng, M’nông. Mặc dù vẫn còn khó khăn nhưng đời sống người dân trong thôn đã có nhiều đổi thay tích cực. Từ năm 2019 đến nay, thôn có 31 hộ thoát nghèo, người dân đồng lòng, chung tay xây dựng nông thôn mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, bỏ dần lối canh tác lạc hậu. Có được kết quả đó, không thể không nhắc đến vai trò của Bí thư chi bộ, người có uy tín trong thôn - ông Điểu Saret. Ông Điểu Saret là Thượng tá quân đội, năm 2019 ông nghỉ hưu trở về thôn sinh sống và được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Đắk Liên.
Bí thư Chi bộ thôn Đắk Liên, xã Đắk Nhau Điểu Saret hướng dẫn con cháu cách đánh cồng, chiêng để bảo tồn nét đẹp văn hóa dân tộc mình
Ông Điểu Saret chia sẻ: Để đồng bào hiểu và làm theo, trước hết mình là đảng viên phải tiên phong, nêu gương làm trước. Bên cạnh đó, phải dành thời gian đến với đồng bào nhiều hơn. Có như vậy mới nghe được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, từ đó đề xuất với lãnh đạo các cấp giải quyết.
Chia sẻ về Quy định số 144-QĐ/TW, ông Điểu Saret cho biết, 6 điều và 21 điểm trong quy định là kim chỉ nam để đảng viên nêu gương trước quần chúng nhân dân. Là người đứng đầu trong thôn, bản thân phải nói được, làm được, mình có “chuẩn” thì nói đồng bào mới nghe.
Đại diện các chi hội, đoàn thể họp góp ý để thôn Phú Lâm ngày càng phát triển hơn, xứng đáng là khu dân cư kiểu mẫu của xã Phú Trung, huyện Phú Riềng
Chi bộ thôn Phú Lâm, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng là một trong những điển hình học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2023-2024, được UBND tỉnh tuyên dương, khen thưởng. 15 đảng viên trong chi bộ luôn thấm nhuần lời dạy của Bác: “Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Với phương châm “tiên phong, gương mẫu, đi đầu”, nhiều năm qua, Phú Lâm trở thành thôn kiểu mẫu của xã Phú Trung, các hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, mở rộng đường giao thông nông thôn đạt nhiều kết quả nổi bật. Người dân trong thôn hưởng ứng nhiệt tình các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động.
Thành viên Ban điều hành thôn Phú Lâm, xã Phú Trung, huyện Phú Riềng giám sát đơn vị thi công mương thoát nước, đoạn qua địa bàn thôn
Ông Lê Văn Trung, Trưởng thôn Phú Lâm tự hào: Ngoài bám sát các nghị quyết đề ra hằng tháng, chúng tôi luôn nêu cao vai trò của từng đảng viên cũng như thành viên các hội, đoàn thể. Thống nhất từ trên xuống dưới, cùng với sự gương mẫu, tiên phong, đó chính là “công thức” để chúng tôi “thấu hiểu, an dân” và đạt được những thành tích tự hào. Quy định số 144-QĐ/TW ra đời chính là thước đo, chuẩn mực để mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu, trau dồi bản thân để quần chúng nhân dân cùng noi theo.
Trong 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước đã biên soạn và phát hành 6.500 cuốn sách “Những tập thể, cá nhân điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tỉnh Bình Phước”. Đã có khoảng 450.000 tin, bài về người tốt, việc tốt được đăng tải trên các fanpage “Tự hào Bình Phước”, “Tuyên giáo Bình Phước”, nhóm “Bình Phước xin chào” và 600 trang, nhóm cộng đồng trong tỉnh. Để lan tỏa các phong trào người tốt, việc tốt, Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước thực hiện chuyên mục “Cuộc sống tươi đẹp”, “Hoa giữa đời thường” với gần 2.000 tin, bài trên 4 loại hình báo chí và hạ tầng số. Đồng thời, biên tập, xuất bản sách nói “Học và làm theo Bác từ những điều giản dị” phục vụ công tác tuyên truyền.
Hướng về điều tốt đẹp
Phương châm “Lắng nghe dân, vận dụng sức dân và khoan thư sức dân” để đầu tư cơ sở hạ tầng, thay đổi diện mạo nông thôn luôn được các chi bộ hướng tới, trong đó có Chi bộ ấp Bồn Xăng, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh. Khi 100% tuyến đường trong ấp đã bê tông, nhựa hóa, từ năm 2021 đến nay, phương châm nêu trên tiếp tục được vận dụng sáng tạo, cán bộ và nhân dân trong ấp tích cực tham gia chỉnh trang đường làng, ngõ xóm. Người dân đồng lòng, cùng góp công, góp sức, những tuyến đường từ 3m đã được mở rộng lên thành 5-6m, tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại, kinh doanh… Ông Đỗ Hữu Đáng, Bí thư Chi bộ ấp Bồn Xăng phấn khởi: Có được kết quả như hôm nay là sự tin tưởng và đồng hành của tất cả đảng viên, nhân dân trong ấp. Là bí thư chi bộ, tôi triển khai và thường xuyên giám sát, theo dõi để mỗi đảng viên thực hiện các quy định về chuẩn mực đạo đức vào công việc và cuộc sống. Từ đó, nhân dân mới tin và làm theo.
Chiếc cầu bê tông kiên cố đang được xây dựng bắc qua dòng sông Bé là niềm mong mỏi bấy lâu nay của người dân thôn Nhơn Hòa 2, xã Long Giang, thị xã Phước Long. Để sớm có mặt bằng thi công, cựu chiến binh Nguyễn Văn Phụng đã tự nguyện hiến 17m đất mặt tiền với diện tích hơn 1.000m2. Tấc đất, tấc vàng, thế nhưng tinh thần của người lính, tình cảm mến yêu và hưởng ứng phong trào học tập, làm theo Bác là động lực để ông hoàn thành tâm niệm của mình.
Đường giao thông được mở rộng, khang trang góp phần thay đổi diện mạo nông thôn ấp Bồn Xăng nói riêng và xã Lộc Quang nói chung
Với ông Võ Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú, học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không chỉ để bản thân tốt hơn mà còn là tinh thần đại đoàn kết cộng đồng, là mong muốn cuộc sống của mọi người đều ấm no, hạnh phúc. Ông đã vận động hội viên hiến đất để giải phóng mặt bằng làm đường; giúp đỡ hội viên chuyển đổi cây trồng; tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo… 20 năm công tác ở xã, dù ở vị trí nào ông Thiện cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông là điển hình được UBND tỉnh tặng bằng khen trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2023.
Tập trung xây dựng, phát triển các giá trị phẩm chất của con người Bình Phước vừa mang những nét chung của con người Việt Nam vừa mang sắc thái, dấu ấn riêng của con người, quê hương Bình Phước - nơi hội tụ 41 dân tộc anh em từ khắp mọi miền Tổ quốc. Phấn đấu để người Bình Phước luôn đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường, hòa hợp, cởi mở, đổi mới, sáng tạo, nhân ái nghĩa tình và kỷ cương liêm chính.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước
NGUYỄN MẠNH CƯỜNG
Với mỗi người dân, học Bác để trở thành công dân gương mẫu, làm cho cuộc sống của mình và mọi người ngày càng tốt hơn. Với đảng viên, học Bác để bản thân trở nên gương mẫu, nói đi đôi với làm, qua đó phục vụ nhân dân tốt hơn. Quy định số 144-QĐ/TW ra đời chính là sự chắt lọc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng, là kim chỉ nam để mỗi cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa”, là tấm gương phản chiếu để quần chúng nhân dân noi theo và chung tay xây dựng quê hương, đất nước. Từ đó, mỗi người sẽ tự xây dựng cho mình các giá trị riêng, lành mạnh và cùng hướng đến những điều tốt đẹp. Mục tiêu xa hơn chính là xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước vừa đậm đà giá trị văn hóa dân tộc vừa có bản sắc của địa phương như tinh thần Nghị quyết số 14-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Phước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã đề ra.