Đảng viên là 'Người có Đạo' - bằng chứng thép phản bác những luận điệu xuyên tạc về vấn đề tôn giáo ở Việt Nam
(Tiếp theo và hết)
BPO - Đối chiếu theo các quy định hiện nay về điều lệ cùng quy định của Đảng Cộng sản Việt Nam, việc kết nạp quần chúng ưu tú vào Đảng của công dân Việt Nam từ mười tám tuổi trở lên; thừa nhận và tự nguyện: thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, tiêu chuẩn và nhiệm vụ đảng viên, hoạt động trong một tổ chức cơ sở đảng; qua thực tiễn chứng tỏ là người ưu tú, được nhân dân tín nhiệm, đều có thể được xét để kết nạp vào Đảng [4, tr.8]. Như vậy, nhìn vào hoạt động và tổ chức của Đảng cùng các quy định người vào Đảng là sự tự nguyện mà ở đó không có sự phân biệt người vào Đảng theo các tiêu chí về tôn giáo, giai cấp, tầng lớp xã hội, giới tính, dân tộc... Trong quy định của Đảng, công dân Việt Nam không phân biệt trong nước hay nước ngoài đủ về độ tuổi, ưu tú về năng lực, có phẩm chất chính trị tốt, thực sự trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, được quần chúng tin yêu và rèn luyện, trung thành với vận mệnh của dân tộc, có tinh thần đoàn kết tương thân, tương ái, dám dấn thân vì lợi ích chung của nhân dân mà không phân biệt về tôn giáo, dân tộc, trình độ khi đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Bằng việc dẫn chứng các quy định của Đảng về kết nạp đảng viên trong quần chúng ưu tú nêu trên, thì điều đầu tiên tôi xin nói với Hội anh em dân chủ (HAEDC) để các ông thấy rằng: đối với người có tôn giáo mà cụ thể ở đây là người Công giáo hay “Người có Đạo”, Đảng ta đã ban hành Quy định số 123-QĐ/TW ngày 28-9-2004 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 40-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương ngày 8-4-2005 về đảng viên là người có đạo đã giải quyết một cách căn bản nhất nhận thức của các cấp ủy, đảng viên về kết nạp đảng viên đối với người có đạo có chuyển biến nhất định. Sau khi nghị quyết ra đời, như một ngọn đèn pha soi đường cho công tác tuyên truyền, giáo dục, bồi dưỡng quần chúng ưu tú là người có đạo để tạo nguồn phát triển đảng có những chuyển biến tích cực trong tất cả chi, đảng bộ trên mọi miền của Tổ quốc, nhất là các tỉnh có đông đồng bào Công giáo như Nam Định, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… Để cụ thể hóa nghị quyết của Đảng, rất nhiều địa phương đã xem xét kết nạp quần chúng là người có đạo vào Đảng tại các giáo phận đã được Nhà nước công nhận, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và yêu cầu thực tế của công tác xây dựng Đảng tại địa phương, cơ quan, đơn vị; có uy tín và khả năng thuyết phục, vận động quần chúng, không vi phạm tiêu chuẩn về lịch sử chính trị và chính trị hiện nay theo quy định.
Một bằng chứng nữa tôi xin nói với các ông HAEDC để các ông hiểu, để lần sau khi nói về vấn đề này xin các ông hãy nhìn và xác tín rõ thông tin cho chúng tôi nhé, bởi không tôi “đồ rằng” chính các ông đi lên án chúng tôi lại bằng sản phẩm của những thông tin “lừa bịp của chính ông và những người khác”. Ở Việt Nam chúng tôi, đảng viên là người Công giáo và các đảng viên khác trong tổ chức luôn có sự đoàn kết, đồng thuận, tin yêu giúp đỡ lẫn nhau hướng tới thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức giao. Đảng yêu cầu đảng viên thực hiện tốt các nhiệm vụ đảng viên theo quy định; nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất của Tổ quốc; tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo, các chức sắc, chức việc hiểu và thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện “sống tốt đời đẹp đạo”; phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, kiên quyết đấu tranh chống hành vi lợi dụng các vấn đề về tôn giáo để hoạt động trái pháp luật, đi ngược lại chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cũng như gây tổn hại mối quan hệ đoàn kết tôn giáo, khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đảng viên là người có đạo luôn nắm rõ và thực hiện tốt các quyền của đảng viên quy định trong các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, người đảng viên có đạo vẫn thực hiện tham gia sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo bình thường như các giáo dân của Công giáo khác, trong các tổ chức tôn giáo đã được pháp luật công nhận, trên cơ sở thực hiện đầy đủ pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo. Theo thống kê cuối năm 2021, đầu năm 2022, hiện nay số đảng viên là người có đạo được kết nạp trong khoảng thời gian này là hơn 656 người và đảng viên theo đạo Tin Lành là hơn 220 người [2].
Thực tiễn cũng cho thấy, cán bộ, đảng viên là người có đạo luôn là người có phẩm chất trong sáng, luôn đi đầu và thực hiện tốt lý tưởng cách mạng cũng như hoàn thành tốt những nhiệm vụ của người có đạo. Những đảng viên này luôn thực hiện lấy kiên trung với sự nghiệp cách mạng của Đảng, lấy sự tự hào của người có đạo là lẽ sống cho họ hoạt động với phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”, để từ đó họ đã khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với tổ chức đảng, với nhân dân và tôn giáo của mình.
Đảng viên là người có đạo cùng với những chức trong Công giáo luôn làm tròn cả nhiệm vụ với Đảng và với tôn giáo. Đây là kênh thông tin, cầu nối gắn bó đồng bào với Đảng, chính quyền, đoàn thể. Họ là những người tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, đặc biệt là đồng bào các tôn giáo hiểu, tin tưởng và thực hiện; lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để báo cáo, phản ánh, tham mưu với Đảng và Nhà nước nắm bắt, giải quyết kịp thời. Đồng thời, họ cũng là người đi đầu và thực hiện đối với đạo của mình, hướng tới lý tưởng “sống tốt đời, đẹp đạo”, được quần chúng nhân dân yêu mến, được tổ chức đảng tin tưởng, đánh giá cao. Đảng viên có đạo là sự minh chứng đập tan các luận điệu xuyên tạc và những lý lẽ khiêu khích của HAEDC nhằm bóp méo công tác tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời gian vừa qua, nhất là qua sự kiện tại tỉnh Đắk Lắk. Sự hòa hợp của niềm tin, lý tưởng giữa Đảng và dân tộc, giữa chính trị và tôn giáo, vì mục đích, lợi ích chung của quốc gia, dân tộc Việt Nam là một bằng chứng thép vạch trần sự dối trá, vu cáo về công tác tôn giáo của HAEDC đối với dân tộc Việt Nam.
Thật đớn hèn biết bao khi chúng ta nhận thấy rằng, chính những con người của HAEDC cũng là “máu đỏ da vàng, là người Việt” thì đáng ra trước sự kiện, nỗi đau của người Việt như vậy họ phải có trách nhiệm và lương tri đứng ra lên án hành vi khủng bố đó, nói rõ cho thế giới thấy đó là hành vi tội ác chống lại loài người, chống lại nhân dân Việt Nam… thì họ lại làm điều ngược lại, chỉ vì lợi ích chính trị “lưu manh” của chính họ. Tôi tin rằng thời gian sẽ trả lời và cho chúng ta từng bước bóc trần những “mặt nạ da người” đó dưới ánh sáng của công lý mà thôi.
Hay một bằng chứng nữa cũng cho thấy, đảng viên là người có đạo luôn là lực lượng nòng cốt, gương mẫu trong thực hiện các nhiệm vụ, phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động của cộng đồng, vận động gia đình, người thân chấp hành nghiêm các quy định của Đảng về tín ngưỡng, tôn giáo như: không tham gia truyền đạo trái pháp luật; không mê tín, dị đoan; không cưỡng ép, ngăn cản hoạt động tự do tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp của người khác; không tiếp tay hoặc trực tiếp vận động tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở tín ngưỡng, không lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái pháp luật của Nhà nước nhằm phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; không gây chia rẽ, kỳ thị, ly khai giữa các dân tộc, tôn giáo với nhau hoặc giữa các tôn giáo, dân tộc với Đảng, Nhà nước, nhân dân… Thưa HAEDC, nếu các ông nói rằng chúng tôi đàn áp về tôn giáo, áp bức về tôn giáo thì thử hỏi: những người đảng viên có đạo ấy liệu có tự giác vận động người nhà, họ hàng thực hiện tốt quy định của pháp luật về tôn giáo không? Và nếu có như vậy thì tại sao những người có đạo ấy lại không tố cáo chúng tôi với Tòa thánh, với cộng đồng thế giới hay một nơi nào khác mà lại để các ông “nhảy bổ vào, đặt điều dựng chuyện” thế thưa các ông?
Có thể thấy rằng ở Việt Nam hiện nay, đảng viên là người có đạo là một lời khẳng định, một bằng chứng đanh thép phản bác những luận điệu xuyên tạc của HAEDC về công tác tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam: Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo đúng quy định pháp luật. Đảng không phân biệt người vào Đảng theo các tiêu chí về giới tính, dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, xã hội và luôn tạo điều kiện cho đội ngũ đảng viên là người có đạo được tham gia sinh hoạt tôn giáo, hoạt động tôn giáo và đảm nhận các chức vụ trong tổ chức tôn giáo. Thực tiễn này là bằng chứng thép chống lại cũng như vạch trần những luận điệu xảo trá, sai lầm và xuyên tạc đối với công tác tôn giáo ở Việt Nam. Bằng chứng đanh thép này giống như một thanh bảo kiếm chặt đứt cái được gọi là: “người cộng sản là người “vô thần”, “phi tôn giáo”, Đảng và Nhà nước Việt Nam bài xích tôn giáo, tín ngưỡng, “đàn áp tôn giáo”, “vi phạm quyền con người trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo”… để từ đó một lần nữa chúng ta khẳng định những luận điệu xuyên tạc đó của HAEDC sẽ luôn bị vạch trần và trở nên lố bịch hơn bao giờ hết. Nhà nước Việt Nam: lên án và chống lại những cá nhân và tổ chức phản động, lợi dụng quyền tự do, tín ngưỡng, nhân danh tôn giáo, tín ngưỡng để vi phạm pháp luật, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xâm phạm lợi ích và chủ quyền quốc gia mà thôi.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Tôn giáo Chính phủ (2023), Sách Trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam”, Nxb Tôn giáo, Hà Nội.
2. Ban Tổ chức Trung ương (2021), Số liệu thống kê cơ bản về tổ chức cơ sở đảng, đảng viên và cán bộ năm 2021 (lưu hành nội bộ).
3. Đảng Cộng sản Việt Nam (2003), Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương ngày 12-3-2003 về công tác tôn giáo, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Điều lệ Đảng, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Quy định số 06-QĐi/TW ngày 28-8-2018 của Bộ Chính trị “một số điểm về kết nạp đảng viên đối với người theo tôn giáo và đảng viên là người theo tôn giáo tham gia sinh hoạt tôn giáo”.
6. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
7. Nguyễn Văn Long (2023), Nỗ lực đảm bảo quyền tự do tôn giáo, phản bác luận điệu xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, https://baotintuc.vn.