Đảng viên làm kinh tế giỏi, tích cực đóng góp cho địa phương

Không chỉ là điển hình nông dân làm kinh tế giỏi, ông Vi Văn Phượng (dân tộc Nùng, ngụ tại ấp 3, xã Tân Hiệp, H.Long Thành) còn tích cực tham gia công tác xã hội, các hoạt động từ thiện nhân đạo tại địa phương.

Ông Vi Văn Phượng phát biểu ý kiến đóng góp cho địa phương tại một buổi tiếp xúc cử tri tại xã Tân Hiệp, H.Long Thành mới đây. Ảnh: Thảo Lâm

Ông Vi Văn Phượng phát biểu ý kiến đóng góp cho địa phương tại một buổi tiếp xúc cử tri tại xã Tân Hiệp, H.Long Thành mới đây. Ảnh: Thảo Lâm

Đối với ông Phượng: “Sống ở đời, không chỉ cần có trách nhiệm với bản thân mình, mà còn phải có trách nhiệm với những người xung quanh, với cộng đồng xã hội”.

* Chăm chỉ, nhạy bén trong sản xuất

Ông Phượng nhớ lại, vốn là cựu chiến binh trở về làm nông dân, ông không có bất kỳ tài sản gì ngoài đôi bàn tay. Xác định cách duy nhất để thoát nghèo chỉ có thể là chăm chỉ, sáng tạo trong lao động sản xuất, trong điều kiện không có đất đai canh tác, ông Phượng miệt mài làm thuê, làm mướn và ấp ủ kế hoạch tích cóp xây dựng “cơ đồ” cho riêng mình.

Một thời gian sau đó, ông đã tự mua được những sào đất đầu tiên cho gia đình và bắt đầu “chiến lược” canh tác của mình.

Thời điểm ấy, ông cũng trồng trọt nhiều loại cây trồng như: bắp, mì, đậu xanh... như nhiều hộ dân trên địa bàn, song nhờ nhận thức rõ tác động rất lớn của các loại giống, kỹ thuật, ông Phượng chủ động tìm kiếm các loại giống mới, nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật vào sản xuất. “Tôi nghĩ rằng, mình cần phải đổi mới tư duy, cách làm trong sản xuất, khắc phục những cách làm cũ, lạc hậu bằng những cái mới hiệu quả hơn. Có thể ban đầu sẽ mất thời gian, công sức, kinh phí tốn kém hơn nhưng sau đó chắc chắc sẽ thu được “quả ngọt” - ông Phượng nói về phương châm của mình.

Dù diện tích đất sản xuất ban đầu khiêm tốn, song với cách làm ấy, sản lượng thu hoạch của ông luôn cao hơn nhiều lần so với nhiều hộ dân khác. “Thắng” lớn nhiều mùa vụ liên tiếp, ông Phượng lại tiếp tục tích cóp, dần dà mùa vụ này qua mùa vụ khác, ông đã có trong tay hàng mẫu đất canh tác.

Với bản tính ưa tìm tòi, nhanh nhạy nắm bắt cái mới, ông tích cực, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Phượng nhớ lại, có thời điểm, ông phát hiện và tìm kiếm được đầu ra ổn định cho giống khoai mì, khoai mỡ và bắt tay ngay vào trồng loại cây này. Ông cũng động viên nhiều bà con địa phương cùng trồng rồi đứng ra thu mua sản phẩm. Diện tích đất lớn cùng với việc tích cực áp dụng cây giống chất lượng và kỹ thuật, mỗi mùa vụ ông thu về hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, cũng nhờ đó, ông giúp nhiều bà con địa phương có nguồn thu nhập ổn định.

Những năm sau này, nhận thấy nhiều loại cây lâu năm khác như cao su, điều, tràm cao sản... có giá trị kinh tế cao hơn, cùng với sự định hướng từ địa phương và điều kiện sức khỏe của mình, ông Phượng đã chuyển đổi qua trồng các loại cây này. Hiện ông đang có 13 mẫu cao su và 8 mẫu tràm lai cao sản, đem lại thu nhập cao.

Từ những nỗ lực và thành quả trong làm ăn kinh tế nhiều năm qua, ông Phượng nhiều lần được tuyên dương là điển hình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi. Đặc biệt, ông là một trong những đại diện làm kinh tế giỏi của Hội Cựu chiến binh tỉnh Đồng Nai được nhận khen thưởng điển hình tiêu biểu của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam.

* Tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương

Song song với nỗ lực phát triển kinh tế, ông Phượng còn tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Ông từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân Hiệp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Hiệp. Vài năm trở lại đây, vì lý do sức khỏe, ông đã xin thôi không tham gia đảm nhiệm các nhiệm vụ trên, song những hoạt động, những đóng góp mà ông đã và đang làm vẫn luôn khiến những người xung quanh quý mến, nể trọng.

Tính đến nay, ông Phượng đã có trên 30 lần tham gia hiến máu nhân đạo. Ông chia sẻ: “Hiến máu là việc làm ý nghĩa và nhân văn. Để tuyên truyền lan tỏa điều này, bản thân mình phải là người đi đầu thực hiện trước” - ông Phượng nói về phương châm của mình từ khi còn là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã đến bây giờ.

Tương tự, để đẩy mạnh phong trào cựu chiến binh hỗ trợ làm ăn phát triển kinh tế, đóng góp cho địa phương, ông Phượng luôn tích cực hỗ trợ đồng đội về nguồn vốn sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi, từ đó giúp nhiều cựu chiến binh tại địa phương vươn lên thoát nghèo. Nhiều năm qua, ông còn hỗ trợ xây dựng nhiều căn nhà tình thương, hỗ trợ đồng đội lúc ốm đau hoạn nạn; các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo... trên địa bàn với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Với những đóng góp ý nghĩa đó, ông Phượng từng nhiều lần được tuyên dương là điển hình người tốt - việc tốt của tỉnh và huyện.

Năm 2009, ông Vi Văn Phượng được kết nạp vào Đảng. Hiện, ông đang sinh hoạt tại Chi bộ ấp 3, xã Tân Hiệp. “Tất cả những việc tôi đã và đang nỗ lực đóng góp cho địa phương còn xuất phát từ ý thức trách nhiệm của một người đảng viên” - ông Phượng chia sẻ.

Thảo Lâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202011/dang-vien-lam-kinh-te-gioi-tich-cuc-dong-gop-cho-dia-phuong-3030817/