Đảng viên nêu gương, nhân dân tin tưởng
Hiện tỉnh Sóc Trăng có hơn 44.000 đảng viên sinh hoạt ở 655 tổ chức cơ sở đảng. Thời gian qua, Đảng bộ tỉnh không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, phát huy vai trò năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên.
Lấy chỉ thị, nghị quyết làm nền tảng xây dựng Đảng
Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Chỉ thị số 03, Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)... bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng đến 100% cán bộ, đảng viên, trong đó hiệu quả nhất là hình thức trực tuyến đến các chi, đảng bộ cơ sở.
Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy ban hành các kế hoạch, chương trình hành động, cụ thể hóa nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, lối sống, lý luận, chính trị sát hợp với tình hình thực tiễn của Đảng bộ. Cơ quan, đơn vị đã thể hiện rõ vai trò tính tiền phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với từng đối tượng, từng ngành, từng lĩnh vực. Điển hình như mô hình “Làm hết việc không hết giờ”, “Nụ cười công sở”, “Chung tay cải cách thủ tục hành chính” của các cơ quan, đơn vị hành chính; mô hình “Chuyển hóa địa bàn phức tạp về an ninh trật tự, an toàn xã hội”, “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”, “Bếp ăn từ thiện”, “Nhà đồng đội”, “Nâng bước em đến trường” của khối lực lượng vũ trang; mô hình “Phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, “Tổ, nhóm tiết kiệm”, “Thắp sáng đường quê”, “Nhà tình bạn”, “Nhà nhân ái” của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể…
Từ định hướng của Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, sở, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội luôn coi trọng việc giáo dục, rèn luyện nâng cao đạo đức cách mạng. Việc thực hiện được lồng ghép các chỉ thị, nghị quyết, quy định, nhằm để khắc phục tình trạng quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu trách nhiệm của đảng viên, chấn chỉnh những tổ chức cơ sở đảng chưa phát huy được vai trò lãnh đạo toàn diện. Những khuyết điểm, hạn chế của tập thể, cá nhân được chỉ ra trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình; kiểm tra, giám sát việc khắc phục những khuyết điểm, hạn chế nhằm tạo chuyển biến tích cực về ý thức trách nhiệm, hành động của cán bộ, đảng viên. Hàng năm, tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng trong sạch vững mạnh đạt trên 50%, tổ chức cơ sở đảng yếu kém dưới 2%. Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt trên 80% trở lên, đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ dưới 1,5%.
Đảng viên nêu gương, nhân dân tin tưởng
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền; muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước; muốn cho quần chúng nghe lời mình, làm theo mình thì người đảng viên từ việc làm, lời nói cho đến cách ăn ở phải thế nào cho dân tin, dân phục, dân yêu”, từng cán bộ, đảng viên đã nhận thức sâu sắc và tự giác rèn luyện, nêu gương.
Đồng chí Cao Thùy Thiên Phương - Chủ tịch UBND xã Phú Tâm (Châu Thành) trực tiếp hướng dẫn thủ tục hành chính cho dân. Ảnh: Song Lê
Một trong những điển hình của tính nêu gương là đồng chí Cao Thùy Thiên Phương - Chủ tịch UBND xã Phú Tâm (Châu Thành). Là cán bộ trẻ được tăng cường về cơ sở, đồng chí Cao Thùy Thiên Phương nghĩ ngay đến việc cải cách hành chính ở bộ phận "một cửa", hướng đến chính quyền thân thiện. Nữ Chủ tịch xã này mạnh dạn đề nghị UBND huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng khu vực “một cửa” riêng biệt, tạo không gian thuận tiện trong công tác tiếp nhận, hoàn trả thủ tục hành chính. Chủ động cải cách những thủ tục còn nặng tính hành chính, gây phiền hà cho dân, đặc biệt là rút ngắn thời gian trả hồ sơ, khắc phục tình trạng trì trệ của bộ máy, thói quen làm việc theo kinh nghiệm không còn phù hợp với những tiến bộ công nghệ thông tin.
Một trong những cách làm của đồng chí Thiên Phương được nhân dân tin tưởng, đồng thuận là xây dựng mô hình "Tiếp dân và giải quyết thủ tục hành chính tại ấp”. Cứ luân phiên vào thứ 5 hàng tuần, đồng chí Thiên Phương sẽ trực tiếp cùng cán bộ một cửa, cán bộ địa chính đến nhà sinh hoạt cộng đồng của những ấp vùng sâu để giải quyết thủ tục hành chính tại chỗ. Đồng thời, giải đáp thắc mắc về các thủ tục hành chính, nhất là lĩnh vực đất đai và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con. Đồng chí Thiên Phương chia sẻ: "Đối với cán bộ ở bộ phận “một cửa”, tôi luôn nhắc nhở phải nắm vững chuyên môn, thường xuyên nghiên cứu các văn bản mới, tư duy nhanh nhạy như "google" để hướng dẫn người dân, không để sự thiếu hiểu biết hoặc thiếu trách nhiệm gây phiền hà khi dân đến cơ quan công quyền".
Hay như đồng chí Trần Thanh An - Bí thư Chi bộ ấp Đền Thờ (xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung), người đảng viên gương mẫu đã khơi dậy và tạo sức lan tỏa mô hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng chí Trần Thanh An đề ra sáng kiến mỗi lần họp chi bộ, các đảng viên sẽ thay phiên nhau kể một mẩu chuyện về Bác được sưu tầm trên sách, báo hoặc trên Thông báo nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xuất bản hàng tháng. Sau khi kể chuyện, đồng chí Trần Thanh An sẽ nhận xét chi bộ, đảng viên đã làm được gì hoặc chưa được gì theo gương Bác và rút kinh nghiệm để cùng phấn đấu thực hiện tốt hơn. Cứ như thế, đảng viên sẽ thấm nhuần, tự giác làm theo như một thói quen "rửa mặt hàng ngày". Đồng thời, đồng chí Trần Thanh An còn vận động đảng viên, nhân dân lập bàn thờ Tổ quốc, trên bàn thờ có cờ Tổ quốc, chân dung hay tượng Bác Hồ, khẩu hiệu tuyên truyền, câu đối... Bàn thờ Tổ quốc đặt trong nhà như lời nhắc nhở về tình yêu quê hương, đất nước, về tấm gương sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ đó bản thân ra sức rèn luyện, học tập, làm theo Người dù chỉ là những việc làm đơn giản nhất. Hiện nay, việc lập bàn thờ Tổ quốc đã lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã.
Còn đối với ông Sơn Sóc Hiên, ở xã Thạnh Tân (Thạnh Trị), dù đã nghỉ hưu nhưng ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn bừng cháy trong con người ông. Ông Sơn Sóc Hiên vẫn tiếp tục thể hiện vai trò nêu gương trong cộng đồng dân cư. Hơn nữa, ông là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, nên càng thấy được trách nhiệm đó để xứng đáng với lòng tin của nhân dân. Nhằm chia sẻ với những khó khăn của địa phương, ông là người đi đầu đóng góp và vận động thêm người thân, mạnh thường quân được hơn 200 triệu đồng sửa đường giao thông nông thôn và hơn 1 tỉ đồng xây dựng được hơn 15 cây cầu kiên cố.
Bằng vốn kiến thức của người từng là thầy giáo, ông Sơn Sóc Hiên luôn chịu khó lắng nghe và nhiệt tình giải thích, hướng dẫn, vận động bà con xóa dần các hủ tục lạc hậu. Ông còn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên hộ nghèo hăng hái lao động, sản xuất và tham gia hòa giải tốt những mâu thuẫn, góp phần thắt chặt thêm tình làng, nghĩa xóm. Gần đây nhất, ông đứng ra vận động nhân dân làm nhà lễ cầu an với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng, nhằm phục vụ cho việc sinh hoạt lễ hội của đồng bào Khmer ở địa phương. "Khi mình làm việc có ích cho cộng đồng, tạo được lòng tin thì nhân dân sẽ đồng thuận, làm theo" - ông Sơn Sóc Hiên đúc kết từ kinh nghiệm sống.
Lịch sử đã chứng minh, quá trình lãnh đạo cách mạng, dù gặp muôn vàn khó khăn, thử thách, Đảng luôn bền tâm, vững chí, gắn bó máu thịt với nhân dân, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Trên mọi trận tuyến, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, phấn đấu thực hiện tốt những điều căn dặn của Người trong Di chúc thiêng liêng, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nay, để nhân dân một lòng theo Đảng thì việc củng cố, giữ vững niềm tin của dân với Đảng là tất yếu khách quan, là điều kiện tiên quyết để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Để thực hiện được điều đó, đòi hỏi tổ chức đảng phải không ngừng tự đổi mới, tự chỉnh đốn và mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tiêu biểu về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ.