Đang xác minh thông tin một ĐBQH 'mua' hộ chiếu đảo Síp
Trưởng Ban Công tác Đại biểu Trần Văn Túy đã giao Vụ Công tác đại biểu kiểm tra thông tin một Đại biểu Quốc hội có tên trong danh sách các chính trị gia mua hộ chiếu châu Âu.
Trả lời VietNamNet, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, ông đã nắm thông tin việc 1 tờ báo nước ngoài đưa tin một Đại biểu Quốc hội có tên trong danh sách các chính trị gia mua hộ chiếu châu Âu.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Túy, vì đây là thông tin phản ảnh từ báo nước ngoài nên cần phải xác minh thận trọng.
Hiện, ông Túy đã giao Vụ Công tác đại biểu kiểm tra thông tin này. Sau khi Vụ Công tác đại hiểu báo cáo, các cơ quan chức năng xác minh thông tin rõ ràng, Ban Công tác Đại biểu sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, mới có thông tin chính thức về vụ việc này.Trước đó, Hãng tin Al Jazeera (hãng tin nhà nước của Qatar) tung ra một tài liệu mật cho thấy chương trình hộ chiếu của Cộng hòa Síp (Cyprus), một quốc gia châu Âu, cho phép các chính trị gia "mua" hộ chiếu châu Âu.
Theo hãng tin trên, chương trình hộ chiếu của Cyprus cho phép những ai đầu tư ít nhất 2,15 triệu Euro (khoảng 2,5 triệu USD) sở hữu hộ chiếu nước này; đồng nghĩa với việc cá nhân đó trở thành công dân EU, được đi lại, làm việc tự do ở 27 nước thành viên EU và có thể nhập cảnh vào 174 quốc gia mà không cần visa.
Trước đây, bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) không được công nhận tư cách ĐBQH khóa 14 (dù đã trúng cử) khi bà sở hữu 2 quốc tịch: Việt Nam và Malta nhưng khai báo thiếu trung thực trong hồ sơ ứng cử ĐBQH.
Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định nguyên tắc quốc tịch: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”.
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quốc tịch (năm 2014) cho phép một số công dân được mang 2 quốc tịch: người được Chủ tịch nước cho phép; trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi.
Luật Tổ chức Quốc hội hiện đang có hiệu lực quy định tiêu chuẩn ĐBQH tại điều 22 chỉ yêu cầu ĐBQH đáp ứng 5 tiêu chuẩn (không có tiêu chuẩn về quốc tịch), bao gồm:
1. Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
3. Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.
4. Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
5. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội (có hiệu lực từ 1/1/2021) bổ sung điểm a vào sau khoản 1 Điều 22 với yêu cầu ĐBQH "có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam”.