Đánh B-52, mấy chuyện nhớ lại và nói rõ
'Chúng tôi đã tập huấn về cách đánh B-52; đã biết vệt rải thảm tạo nên bình địa chết chóc hàng cây số vuông, nên vào cuộc chiến là xác định sẵn sàng hy sinh!'- Đại tá Nguyễn Đình Kiên, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), nguyên sĩ quan điều khiển, Tiểu đoàn 57, Trung đoàn Tên lửa 261, Sư đoàn Phòng không 361 bảo vệ Hà Nội trong 12 ngày đêm lịch sử, nói.
Công tác chuẩn bị là cả một quá trình lâu dài. Từ dự báo thiên tài của Bác Hồ ngày 19/7/1965 khi đến thăm một đơn vị pháo cao xạ bảo vệ Hà Nội: "Sớm muộn gì Mỹ cũng đưa B-52 ra ném bom Hà Nội… Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội", Quân chủng Phòng không-Không quân đã cử những đơn vị tên lửa, cơ quan tham mưu của quân chủng đi nghiên cứu cách đánh B-52 ở Quân khu 4, Hải Phòng; cho soạn thảo tài liệu "Cách đánh B-52" tháng 10/1972, được coi là "cẩm nang" của bộ đội tên lửa và tập huấn cho toàn Quân chủng (Công trình sau này được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh).
Trận đánh ngày 18/12/1972. Tiểu đoàn 57, Trung đoàn 261 tại xã Đại Đồng (Đông Anh, Hà Nội) đánh sáu trận, phóng 11 quả đạn tên lửa, hỏng một quả mà chưa tiêu diệt được chiếc B-52 nào! Anh em rất sốt ruột và quyết tâm chiến đấu lập công. Cũng đêm đó, Tiểu đoàn 59 cùng ở Trung đoàn 261 tại trận địa Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) đã bắn hạ một chiếc B-52 G rơi xuống cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ (Đông Anh). Chiến công của đồng đội đã cho các anh niềm tin, B-52 không phải là bất khả xâm phạm. Khoảng 19 giờ ngày 19/12, sau khi B-52 vào tầm đánh, được lệnh của Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 57 Nguyễn Văn Phiệt, ông Kiên ấn nút phóng hai quả tên lửa ở cự ly 28km và 27km. Quả thứ nhất đến cự ly 22km thì nổ tiêu diệt mục tiêu B-52. Nhưng trận đáng nhớ nhất là đêm 20 rạng sáng ngày 21/12. 5 giờ sáng báo động, chỉ trong 5 phút, trận địa đã sẵn sàng. Trong mịt mùng nhiễu dày đặc, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt, sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên, ba trắc thủ kíp 1 Mè Văn Thi, Ngô Văn Lịch và Nguyễn Văn Đài đã xác định chân tướng B-52 với dải nhiễu đặc thù. Trong 10 phút, Tiểu đoàn 57 bắn rơi hai máy bay B-52, trong đó có một chiếc rơi ngay tại Núi Đôi, Vĩnh Phúc, lập kỳ tích không đâu có được.
Thời gian là xương máu, có thể báo động sớm hơn không?
Tập huấn kết thúc ngày 31/10/1972, Đại tá Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không- Không quân nói: Trách nhiệm, sứ mệnh của bộ đội tên lửa là nếu B-52 đánh vào Hà Nội thì phải bắn rơi tại chỗ ít nhất một chiếc, để thế giới biết là Việt Nam không sợ B-52 và có thể bắn rơi B-52! Song B-52 tới Hà Nội vẫn rất nhanh. Bộ đội trạm radar 45 ở Nghệ An báo động phát hiện B-52 chỉ sớm 35 phút. Ông Kiên vẫn trăn trở: Có thể sớm hơn được không? Nếu sớm hơn thì sẽ chuẩn bị tốt hơn công tác sơ tán dân; tăng cường chủ động chiến đấu. Chiến tranh đường không rất nhanh, ác liệt. Giờ nhìn lại chiến tranh phá hoại của Mỹ, nếu Mỹ đánh hủy diệt toàn diện ngay từ đầu chứ không leo thang, đánh phá từng nấc, thì sẽ thế nào.
Thời điểm đó, Trung đoàn tên lửa 261 có bốn tiểu đoàn bảo vệ phía bắc và đông bắc Hà Nội. Đầu tháng 12/1972, chúng tôi có lệnh chuẩn bị đi B bổ sung lực lượng cho quân giải phóng. Chỉ huy Trung đoàn đề nghị Quân chủng và Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu lại vì Trung đoàn 261 đang chịu trách nhiệm bảo vệ hướng chủ yếu của Sư đoàn Phòng không Hà Nội. Song, tinh thần là trên đã sẵn sàng điều Trung đoàn 274, đơn vị đã chiến đấu ở Khu 4 suốt năm 1972 ra Hà Nội để củng cố lực lượng và thay thế Trung đoàn 261. Giai đoạn 1967, 1968, chúng ta bố trí tới năm trung đoàn tên lửa bảo vệ Hà Nội. Năm 1972 chúng ta chỉ bố trí ba trung đoàn tên lửa, trong đó Trung đoàn 257 và Trung đoàn 261 là trung đoàn đủ, một trung đoàn thiếu là Trung đoàn 274 với hai tiểu đoàn, giữa chiến dịch điều thêm hai tiểu đoàn nữa của Trung đoàn 285 ở Hải Phòng lên.
Một số mốc đáng nhớ về các tình huống trên không như sự kiện ngày 5/8/1964; ngày 21/11/1970- tập kích Sơn Tây của Mỹ; B-52 đánh Hải Phòng, sau này là sự kiện Lý Tống... Tôi nghĩ cần cái nhìn lịch sử thấu đáo, để rút ra bài học. Tác chiến hiện đại khác lắm. Gần đây là chiến tranh Nam Tư, Vùng Vịnh, xung đột Nga-Ukraine. Chống bất ngờ, xử lý các tình huống trên không hết sức quan trọng!
Không có chuyện "nối dài tầm bắn tên lửa SAM II"
Đánh xong, có luồng dư luận nói là chúng ta "cải tiến tầm bắn tên lửa SAM". Với tư cách là sĩ quan điều khiển tên lửa, trực tiếp đánh và bắn rơi B-52 tại chỗ, tôi khẳng định, bộ khí tài SAM II do Liên Xô (trước đây) trang bị, huấn luyện đủ khả năng bắn B-52 ở độ cao tới 27 km và xa tới 34km.
Từ năm 1965-1966, chuyên gia Liên Xô đã có mặt tới tận tiểu đoàn; từ 1967-1968 họ mới rút về trung đoàn, ba năm từ 1965 đến 1968 giúp Việt Nam sử dụng tên lửa SAM II đã cho Liên Xô nhiều kinh nghiệm. Phía Mỹ, từ năm 1966 triển khai gây nhiễu tạp làm tên lửa mất điều khiển. Trong quân đội Mỹ, không quân và không quân chiến lược B-52 sử dụng cùng kiểu nhiễu này. Còn không quân của hải quân thì sử dụng nhiễu xung. Ngoài ra Mỹ còn gây nhiễu tiêu cực- là dùng dải kim loại có độ rộng phù hợp bước sóng của các loại radar, tên lửa và ngòi nổ vô tuyến của đạn để gây nhiễu.
Năm 1968, chuyên gia Liên Xô có một đợt cải tiến chín vấn đề, gồm: chống nhiễu tạp, nâng cao xác suất nổ của đầu đạn tên lửa, tăng số mảnh đầu đạn từ 9.000 lên 12.000 mảnh; tăng độ nhạy ngòi nổ vô tuyến đầu đạn tên lửa,… Cải tiến của Liên Xô rất quan trọng, nên sau năm 1968, chúng ta đủ sức chống lại nhiễu tạp B-52.
Còn về khí tài tên lửa, về nguyên tắc, tuyệt đối không được động chạm tới mạch điện, càng không được thay đổi tính năng chiến đấu. Bộ đội tên lửa có những sáng tạo như: "đánh 3 điểm, giãn cách 6 giây, ngòi nổ 11 giây chậm"; "đón nửa góc, ngòi nổ vô tuyến khi phát hiện được tín hiệu mục tiêu trên nền nhiễu", và kết hợp hai phương pháp này rất hiệu quả.
"Giờ vẫn có thông tin việc cải tiến radar K860 giúp bắn rơi nhiều B-52. K860 là thiết bị bổ trợ giúp phát hiện mục tiêu, thông báo cho kíp chiến đấu, đài điều khiển chọn thời cơ phóng đạn. Khu vực Hà Nội lúc đó có 13 tiểu đoàn tên lửa, nhưng chỉ trang bị hai bộ K860 cho Tiểu đoàn 57 Trung đoàn 261 và Tiểu đoàn 79 Trung đoàn 257. Tiểu đoàn 57 bắn rơi bốn chiếc. Tiểu đoàn 79 bắn rơi một chiếc. Số lượng đó cho thấy phạm vi không rộng. Việc bắn rơi B-52 phụ thuộc nhiều yếu tố như: chọn dải nhiễu, bám sát mục tiêu, chớp thời cơ phóng đạn, chọn phương pháp điều khiển, thời cơ mở ngòi nổ vô tuyến… liên quan vai trò kíp trắc thủ, sĩ quan điều khiển, tiểu đoàn trưởng chỉ huy… K860 có tác dụng, nhưng không quyết định"- ông Kiên nói.
Thực hư chuyện "hết tên lửa bắn B-52"
Một số thông tin nói, nếu B-52 cứ đánh như thế này thì ta "hết đạn tên lửa". Sự thật không phải thế. B-52 toàn đánh đêm, mỗi đêm trung bình ba trận. Như Tiểu đoàn 57 của tôi, riêng ngày 18/12 đánh sáu trận, bắn 11 quả, một quả hỏng. Hồi đó, mỗi Trung đoàn tên lửa đều có một Tiểu đoàn kỹ thuật lắp ráp đạn. Ở Trung đoàn 261 chúng tôi là Tiểu đoàn 95. Bình thường có một dây chuyền, cao điểm có thêm dây chuyền nữa; công suất khoảng 15-20 quả. Trong 12 ngày đêm, Tiểu đoàn 95 được Cục Kỹ thuật tăng cường một dây chuyền nữa mà vẫn không kịp. Vì giao thông vận tải bị đánh phá; kho đạn xa các trận địa; tiêu hao đạn đánh B-52 quá lớn…
Trận thứ hai vào đêm 20 rạng ngày 21/12, trận địa tôi chỉ còn hai quả đạn tốt, thế mà tiêu diệt hai B-52. Trận này nhiều kỷ lục lắm: "Hiệu suất chiến đấu cao nhất (10 phút hạ hai máy bay B-52); xác suất diệt mục tiêu lớn nhất (mỗi quả một máy bay B52); Tiết kiệm đạn nhất (một quả diệt mục tiêu, trong khi cho phép bắn từ 2-3 quả)"- Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Kiên nhớ lại. "Đánh tiết kiệm đạn thì có. Thiếu đạn cục bộ ở trận địa là có. Nhưng ở các kho chiến dịch vẫn còn hàng trăm quả, không thiếu!"...
50 năm sau trận Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, khi mà chiến tranh và xung đột vẫn còn trên thế giới, câu chuyện và triết lý về sức mạnh vật chất và sức mạnh tinh thần, bài học to lớn về ý chí không sợ địch, dám đánh địch và quyết thắng địch vẫn để lại cho chúng ta nhiều ý nghĩa.
Nhật ký của Đại tá Nguyễn Đình Kiên thể hiện, từ ngày 16/4/1972 (ngày không quân chiến thuật Mỹ đánh phá Hà Nội và đêm trước đó, B-52 đã đánh phá Hải Phòng) ông đã dừng viết thư về nhà ở Nghệ An. Gia đình viết thư ra hỏi chỉ huy. Chính trị viên Tiểu đoàn hỏi ông tại sao. Ông trả lời: "Nhà em đã có một người anh là liệt sĩ! Ác liệt thế này, em muốn gia đình quen dần việc không có tin tức của em, quen dần với sự không có mặt của em đi!".
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/danh-b-52-may-chuyen-nho-lai-va-noi-ro-post730141.html