'Đánh bạc' bằng thơ - thú chơi tao nhã thuở xưa
Thả thơ là một trò chơi của tao nhân mặc khách thời trước, lấy hiểu biết về văn chương mà phân định thắng thua, lại có sự hồi hộp ăn thua và tiền bạc kích thích làm gia vị.
Theo sách Trò chơi và thú tiêu khiển của người Huế của Trần Đức Anh Sơn (NXB Dân trí, 2018) thì ngày trước ở Huế, một số địa chỉ như phủ Tuy Lý vương, phủ bà Chúa Nhứt, Quốc sử quán… là những nơi tao ngộ của những bậc phong lưu đam mê chuyện “sát phạt lịch thiệp” này.
Nhà văn Nguyễn Tuân cũng đã nhắc đến thú chơi này ở hai truyện ngắn “Thả thơ” và “Đánh thơ” trong tập Vang bóng một thời lừng lẫy của ông. Trò chơi này được cho là đã "mai một", nhưng các biến thể của nó vẫn có thể thấy ngày nay trong các cuộc thi như Đường lên đỉnh Olympia hay trong các câu hỏi thi trắc nghiệm tại một số kỳ thi môn Văn học.
Chơi như thế nào?
Đây là lời nhân vật cô Tú, con gái cụ Nghè Móm trong “Thả thơ” giảng cho lũ học trò của cha mình: "Thầy sẽ viết vào mảnh giấy trắng này một câu thơ bảy chữ mà chỉ có... sáu chữ thôi. Còn một chữ thì để trống và thay vào đấy là một cái khuyên tròn (…) Các em biết câu: "Quân hướng Tiêu Tương, ngã hướng Tần" đấy chứ? Ừ, thí dụ bây giờ định thả câu thơ đó... thầy sẽ viết vào mảnh giấy nhỏ này: Quân hướng Tiêu Tương, ngã... Tần.
Và khi ngâm câu thơ câu thất ngôn có sáu chữ đó lên thì thường phải ngâm: "Quân hướng Tiêu Tương ngã "vòng" Tần". Chữ "vòng" đây là thay vào chỗ để trống. Bây giờ nói đến những chữ thả ra. Thí dụ thầy thả năm chữ: cố, tại, vọng, phản và thả luôn cả chữ cái chữ hướng trong nguyên văn (…) Muốn đánh chữ thì chọn lấy một trong năm chữ mà đánh. Đánh trúng thì một đồng ăn ba đồng".
Những “nhà cái” đứng ra tổ chức cuộc thả thơ thường là những nho sĩ thanh bần, muốn dùng tri thức của mình để kiếm tiền, giải trí và kết thêm tình bằng hữu. Cũng có những người chuyên nghiệp “tay cầm bầu rượu túi thơ” đi khắp chốn. Ðến mỗi nơi, họ mượn huyện đường hay tư dinh chức sắc địa phương để tá túc và tổ chức thả thơ, rồi khi xong việc lại đi nơi khác. Ông Phó Sứ và Mộng Liên trong Đánh thơ của Vang bóng một thời là một đôi tài tử giai nhân chuyên kiếm sống bằng thơ như vậy.
“Ngân hàng đề thi” lấy ở đâu?
Như vậy, luật chơi được coi là khá đơn giản. Cái khó là việc chọn câu thơ thả. Đó phải là câu có chữ dùng tài tình, với chữ được chọn có thể thay bằng rất nhiều chữ khác đồng nghĩa. Đáp án hay là khi mở ra, người chơi phải ồ lên thán phục, bởi vì mặc dù trong năm chữ, chữ nào cũng có vẻ đúng, nhưng với văn chương, đúng chưa hẳn là trúng!
Mặc dù phải hay, nhưng câu thơ đó còn phải không quá nổi tiếng, vì với đầu óc thiên kinh vạn quyển của các bậc trí giả ngày xưa thì họ có thể thuộc nằm lòng hàng vạn câu thơ. Do vậy, nhà cái thực sự phải bỏ rất nhiều cầu kỳ dụng công. Họ thường để hàng tháng trời chuẩn bị, lục lọi, lựa thơ của những thi sĩ nổi tiếng Trung Hoa và Việt Nam, lấy ra những câu thơ có chữ “hiểm”, đồng thời chọn luôn thêm những chữ là “đáp án nhiễu” sẽ được dùng để thả sau này.
Thơ được chọn thường là Ðường thi, Tống thi hay Minh thi, nhưng phần nhiều là Tống thi và Minh thi, vì Ðường thi quá nổi tiếng, có nhiều người biết và thuộc. Những câu thơ được chọn phải có xuất xứ rõ ràng và nhà cái thường phải mang theo các tập thơ đó, để chứng minh tính chính xác khi có người thắc mắc.
Sự tài tình và éo le của canh bạc văn chương
Trong chuyện chọn thơ thả, nhà cái thường chọn những bài ít ai biết đến của các tác giả nổi tiếng. Sở học mênh mông như biển, mấy ai đọc được hết nghìn bồ chữ của thiên hạ để dự tiếng bạc bằng văn chương. Chính vì vậy, nhiều khi những kẻ tự phụ sành sỏi, quá tin tài học của mình lại cháy túi. Cái thú vị và éo le của trò chơi chữ nghĩa này là ở đó.
Trong truyện Thả thơ ở tập Vang bóng một thời, nhà văn Nguyễn Tuân mô tả: “Đôi khi có kẻ chọn phải một chữ rất quê kệch mà lại trúng vào chữ ăn tiền, cô Tú tủm tỉm nhìn mãi nhà con đang vơ tiền, chừng như muốn bảo thầm người được tiếng bạc đố chữ đó: "Đấy ông xem, ở đời ăn nhau ở may rủi, chứ chữ nghĩa tài hoa mà đã làm gì, phải không ông?".
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/danh-bac-bang-tho-thu-choi-tao-nha-thuo-xua-post1072174.html