'Đánh bạc' dưới đáy biển

'Anh cứ hình dung xem, con tôm hùm giống mới đẻ ra nhỏ li ti màu trắng xóa, được nhập khẩu từ nước ngoài về nước ta, lên xuống bao nhiêu chặng máy bay, xe ô tô. Quá trình ươm nuôi đến khi bán lại cho những người nuôi tôm thịt giống như 'đánh bạc' dưới đáy biển khi hằng ngày phải đối mặt với sóng to, gió lớn, rồi mưa, bão...'- Đó là chia sẻ đầy hấp dẫn của ông Dương Ngọc Thắng, thôn Nhơn Hội, xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.

Hòn Yến che chắn kín gió tạo nên môi trường tốt để nuôi tôm hùm giống.Ảnh: Hải Luận

Hòn Yến che chắn kín gió tạo nên môi trường tốt để nuôi tôm hùm giống.Ảnh: Hải Luận

Gia đình ông Thắng trước đây có chiếc tàu lưới vây, vừa làm nghề khai thác thủy sản, vừa ươm tôm hùm giống bán. Bây giờ chuyển hẳn sang nuôi tôm giống chuyên nghiệp. “4 cha con tôi có 400 lồng nuôi tôm giống, cơn lốc cuối năm 2022 ập đến quá bất ngờ, nó cuốn đi của gia đình tôi gần 2 tỷ đồng. Năm nay, mấy cha con tôi đang thả nuôi 20.000 con giống, chưa biết tình hình lỗ - lãi như thế nào” - ông Thắng kể tiếp.

“Tiền trao cháo múc” trong nguy hiểm

Ông Thắng đang chuyện trò say sưa dưới bờ biển, thấy có mấy người xách bao thức ăn đi ra biển cho tôm ăn và một người ôm thùng xốp đựng tôm hùm giống đi xuống. Ông Thắng đến mở nắp thùng xem và giải thích: “Tôm này từ Philippines mới nhập khẩu về sân bay Tân Sơn Nhất (thành phố Hồ Chí Minh), sau đó nối chuyến ra sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) đi ôtô ra đây. Tôm đã chuyển sang màu trắng hồng hết rồi, loại này giá rẻ hơn loại tôm trắng bum đến 10.000 đồng/con. Ươm giống tôm trắng hồng hao hụt dữ lắm, coi chừng lỗ dập mặt”.

- Tôm màu trắng hồng to xác hơn, lẽ ra có giá cao hơn, sao lại rẻ hơn? - tôi hỏi.

- Hiện nay, có khoảng 95% tôm hùm giống được đánh bắt ngoài tự nhiên ở Philippines, Indonesia, Malaysia, các thương lái của Việt Nam sang đặt hàng mua về. Tôm chuyển về đến Việt Nam, trước đó nó đã bị nhốt trong bể nhiều ngày, hoặc chuyển đi qua nhiều đảo, thời gian dài làm cho con tôm yếu sức, đưa xuống biển nuôi bị chết nhiều. Có người mua 5.000 con, nó chết chỉ còn lại vài chục con. Tôm màu trắng là mới đánh bắt dưới biển lên chuyển thẳng sang Việt Nam, tôm khỏe mạnh, ít bị hao hụt.

Người nuôi tôm hùm giống chuyên nghiệp tại thôn Nhơn Hội biết rất rõ, giống tôm từ nước ngoài nhập về độ nguy hiểm, rủi ro rất cao. Nhưng phải “tiền trao cháo múc”, các thương lái bán tôm nhập khẩu không để ngư dân nợ nần dây dưa. Hiện nay, giá một con tôm hùm màu trắng là 90.000 đồng, nuôi đạt tiêu chuẩn “xác năm” (5 lần thay vỏ) sẽ bán cho người dân nuôi tôm thịt, giá trên dưới 150.000 đồng/con.

Giai đoạn năm 2000, khi chưa có tôm hùm giống nhập khẩu, giá mỗi con tôm trắng đánh bắt tại biển Phú Yên, Khánh Hòa là 250.000 đồng/con, có khi vọt lên 320.000 đồng/con, thả được 2.000 con tôm giống phải chạy ngược chạy xuôi mới huy động đủ vốn. Hiện nay, nguồn tôm hùm giống nhập khẩu có quanh năm.

Lồng ươm nuôi tôm hùm giống ở thôn Nhơn Hội. Ảnh: Hải Luận

Lồng ươm nuôi tôm hùm giống ở thôn Nhơn Hội. Ảnh: Hải Luận

“Bây giờ, người nuôi tôm thịt thân quen ở Khánh Hòa gọi điện cần mua loại giống tôm “xác năm”, chúng tôi chở vào giao tận nơi, bảo hành 3 ngày dưới biển ngon lành. Vậy mà có hộ đòi bảo hành thêm 15 ngày, chúng tôi cũng chiều luôn. Một số người chơi bài “câu giờ”, hẹn vài tháng sau mới trả hết nợ. Thi thoảng vẫn gặp người tráo trở ăn quỵt tiền giống” - ông Thắng nói lên sự thật.

Ôm tôm chạy bão

Vùng biển thôn Nhơn Hội có mũi hòn Yến vươn ra biển, tạo thành eo biển tương đối kín gió, không có dòng chảy nước ngọt đổ ra gần khu vực này. Gần bờ còn nguyên vẹn thảm san hô cành, được ví như cỗ máy lọc nước khổng lồ. Đây được xem là vị trí độc đáo để ươm nuôi tôm hùm giống.

Năm 1998, ông Phan Lựu thả ươm tôm hùm giống (đánh bắt tại Phú Yên) đầu tiên ở đây, mở ra nghề ươm nuôi tôm hùm giống độc đáo, cung cấp cho cả tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, hai địa phương đứng đầu cả nước về sản lượng tôm hùm.

Sau nhiều năm chinh chiến trên biển, người dân thôn Nhơn Hội đã liên tục đúc rút kinh nghiệm, cải tiến lồng nuôi để phù hợp với đặc tính sinh trưởng của tôm, an toàn trong nuôi trồng, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Phạm Đức Hùng, được xem là người có tiềm lực nuôi tôm giống ở Nhơn Hội chia sẻ: “Gần như ngoài biển đã có “chủ” chiếm hết diện tích rồi. Nếu ai đó còn chỗ trống, người khác mới nuôi hoặc chỗ nuôi của họ quá chật hẹp, đến nhà thương lượng để họ cho đặt tạm lồng nuôi thời gian ngắn”.

Tôm hùm giống (loại trắng hồng) được nhập khẩu từ Philippines.Ảnh: Hải Luận

Tôm hùm giống (loại trắng hồng) được nhập khẩu từ Philippines.Ảnh: Hải Luận

Từ bờ nhìn ra biển không thấy lồng bè ở đâu cả, chạy thuyền ra gần mới thấy những ống đổ thức ăn cho tôm nhô lên khỏi mặt nước, giống như “trận địa” chông trên biển. Khung lồng được làm bằng sắt, xung quanh bọc 2-3 lớp lưới chắc chắn, chiều cao của lồng chỉ 40cm, dài 1,5m. Ở phía dưới lồng có neo cố định hoặc buộc dây, 4 góc lồng phía trên có 4 phao nổi. Tổng tài sản của bà con Nhơn Hợi để dưới biển ước đạt hàng trăm tỷ đồng. Hộ nuôi ít trên dưới 1 tỷ đồng, hộ trung bình từ 4 - 7 tỷ, hộ nhiều lên mấy chục tỷ đồng. Điều rất hay ở vùng biển này, ban đêm, ban ngày không có ai ra chỗ nuôi tôm nằm canh giữ tài sản, cả thôn là “tai mắt” của nhau.

Vào mùa mưa bão, người dân trong thôn luôn ở tư thế sẵn sàng cao độ, nghe đài báo bão hướng vào vùng biển Nam Trung Bộ, bắt đầu gọi điện vào Vũng Rô (thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên), vịnh Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đặt chỗ lồng bè trước.

“Mặt phía Đông ở vùng nuôi tôm giống không có hòn đảo nào che chắn, chỉ cần bão nhỏ thôi, sóng biển sẽ đưa toàn bộ lồng nuôi tôm giống lên bờ hết. Chính vì vậy, đài báo bão đang ở bên Philippines, dự báo sẽ đi vào vùng biển từ Bình Định đến Khánh Hòa, dân Nhơn Hội lo chạy nháo nhào. Dưới biển, thuyền, thúng chai đua nhau ra lặn đưa lồng lên, bắt tôm bỏ vào thùng xốp, chạy máy oxy. Trên bờ, đủ các loại xe ô tô tải, xe con, taxi, xếp hàng dài để chở tôm đi chạy bão. Nếu ai nhìn cảnh tượng này lần đầu, tưởng đó là trận động đất khủng khiếp” - ông Hùng kể cuộc sống người dân hằng năm phải trải qua.

Đưa được tôm vào Vũng Rô, Vân Phong cũng chưa an toàn, như năm 2017, bão giật cấp 16, 17 tàn phá gần như sạch trơn vùng nuôi trồng từ Vũng Rô vào đến Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa, sát với tỉnh Ninh Thuận). Tôm giống chuyển vào vùng trú bão, phải cắt cử người trông coi thời gian, hết bão lại thuê xe ô tô chở tôm “hồi hương” hòn Yến.

Ông Thắng tâm sự: “Có năm xảy ra nhiều cơn bão đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ, dân làng lại nhiều lần ôm tôm chạy bão. Nội tiền thuê xe ôtô đã “ăn” sâu vào tiền lãi, nhiều người nuôi tôm bị hao hụt, nắm chắc thua lỗ, nguy cơ dẹp nghề rất cao”.

Hải Luận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/danh-bac-duoi-day-bien-post460049.html