Đánh bạc 'thắng thua' bằng hiện vật rồi quy đổi ra tiền mặt có bị xử lý?
Theo Bộ Công an, tất cả những trường hợp đánh bạc 'thắng thua' bằng hiện vật rồi đổi thành tiền mặt thực chất đều là hành vi đánh bạc và đây là hành vi bị nghiêm cấm.
Bộ Công an cho biết, theo Điều 321 Bộ luật hình sự 2017 quy định về tội đánh bạc như sau: Người nào đánh bạc trái phép duới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Tội phạm được thể hiện ở hành vi đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thu mua bằng tiền hay hiện vật. Hành vi đánh bạc được biểu hiện dưới bất kỳ hình thức nào được, thua bằng tiền mặt hay dùng hiện vật để quy đổi, hiện vật có thể là kẹo, hạt dưa, bánh quy, vàng, bạc, đá quý, xe máy, ô tô... Các hình thức đánh bạc có thể là đánh bài, tổ tôm, xóc đĩa, đánh ba cây, cá độ bóng đá.
Hiện vật có sau khi chơi thắng được quy đổi ra bằng tiền mặt từ 5.000.000 đồng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc số tiền, hiện vật quy đổi có giá trị dưới 5.000.000 đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Như vậy tất cả những trường hợp đánh bạc “thắng thua" bằng hiện vật rồi đổi thành tiền mặt thực chất đều là hành vi đánh bạc và đây là hành vi bị nghiêm cấm.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.