Đánh bạc và tổ chức đánh bạc bị xử lý thế nào?

Hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc đều chỉ bị truy cứu trách nhiệm khi đó là hành vi trái phép, đối với hành vi tổ chức đánh bạc đã được cấp phép thì không bị coi là vi phạm pháp luật.

Cơ quan Công an lập biên bản đối với các đối tượng đánh bạc trên sông Bạch Đằng, thuộc địa phận quận Hải An, Hải Phòng Ảnh: CACC

Cơ quan Công an lập biên bản đối với các đối tượng đánh bạc trên sông Bạch Đằng, thuộc địa phận quận Hải An, Hải Phòng Ảnh: CACC

Triệt phá nhiều ổ bạc

Ngày 13/6, Phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường thủy nội địa (Cục CSGT, Bộ Công an) cho biết, đã phối hợp với Đội Phòng ngừa đấu tranh tội phạm trên đường thủy, thuộc Phòng CSGT CATP Hải Phòng; Đội Cảnh sát hình sự CA quận Hải An và Trạm Cảnh sát đường thủy Bạch Đằng, thuộc Phòng CSGT CATP Hải Phòng phát hiện tại tàu HN2360 neo đậu trên tuyến sông Bạch Đằng, thuộc phường Đông Hải 1, quận Hải An, TP Hải Phòng có biểu hiện nghi vấn đã tiến hành kiểm tra.

Vào thời điểm này, tổ công tác bắt quả tang 4 trường hợp đang có hành vi đánh bạc dưới hình thức chơi sâm (lốc) ăn tiền, gồm: T.V.T (SN 1977) và C.V.D (SN 1975), cùng trú tại Hà Nội; N.N.T (SN 1988) và N.A.T, cùng trú tại Phú Thọ. Tại hiện trường, tổ công tác thu giữ trên chiếu bạc gồm: 1 bộ bài tú lơ khơ, tiền và tài liệu liên quan, bàn giao các đối tượng cho CA quận Hải An xử lý theo quy định pháp luật. Qua đấu tranh ban đầu, các đối tượng khai nhận đều đăng ký thường trú tại TP Hà Nội và tỉnh Phú Thọ và thừa nhận hành vi vi phạm của mình. Hiện, vụ việc được bàn giao cho CA quận Hải An tiếp tục điều tra, xử lý theo thẩm quyền.

Cùng ngày, CA quận Tây Hồ, TP Hà Nội cho biết, đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tổ chức đánh bạc và tiến hành tạm giữ hình sự các đối tượng: Lê Thị Thanh Huyền (SN 1975); Lê Thúy Hồng (SN 1982); Nguyễn Thị Thơm (SN 1972); Nguyễn Mai Thanh (SN 1979), cùng trú tại quận Tây Hồ. Trước đó, qua công tác quản lý địa bàn, đầu tháng 6/2024 các trinh sát CA quận Tây Hồ đã phát hiện đường dây tổ chức đánh bạc bằng hình thức mua bán số lô, đề do Huyền cầm đầu.

Sau thời gian theo dõi, thu thập tài liệu, khoảng 18h10 ngày 10/6, tổ công tác đã đồng loạt triệu tập các đối tượng Huyền, Hồng, Thơm, Thanh và những người liên quan lên làm việc; đồng thời thu giữ nhiều tang vật liên quan.

Trước đó, khoảng 16h ngày 11/6, CA tỉnh Quảng Trị cũng cho biết, các lực lượng nghiệp vụ của đơn vị vừa bắt quả tang vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc bằng hình thức "xóc đĩa", bắt giữ 16 con bạc cùng tang vật gần 1 tỷ đồng. Ngay sau đó, CQCA đã lập biên bản bắt người phạm tội quả tang và tiến hành khám xét hiện trường. Tang vật thu giữ gồm: 5 ô tô, 10 xe máy, gần 1 tỷ đồng tiền mặt, 1 máy đếm tiền, nhiều điện thoại di động cùng các dụng cụ phục vụ đánh bạc…

Chế tài xử phạt ra sao?

Vậy pháp luật quy định như thế nào về tội “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc”? Trường hợp nào sẽ bị xử lý hình sự? Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Cty Luật TNHH Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, đánh bạc là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật tự xã hội, không chỉ làm ảnh hướng xấu đến gia đình và cá nhân người chơi mà còn có thể là nguyên nhân của các tệ nạn xã hội và tội phạm khác.

Trong các tội danh thì đánh bạc thuộc nhóm xâm phạm trật tự công cộng. Luật sư Nguyễn Hồng Thái phân tích, theo quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, nếu một người đánh bạc trái phép với giá trị tài sản đánh bạc là từ 5 triệu đồng trở lên hoặc dưới 5 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đánh bạc” với mức hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Nếu đánh bạc với giá trị tài sản dưới 5 triệu đồng mà chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, với mức phạt từ 1 triệu đồng đến 20 triệu đồng được quy định tại Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 322, BLHS năm 2015, hành vi tổ chức đánh bạc có thể bị xử lý với mức phạt cao nhất lên đến 10 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đặc biệt, BLHS cũng đưa ra một ngoại lệ: không phải tất cả mọi trường hợp đánh bạc lần đầu dưới 5.000.000 đồng đều không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; mà với những đối tượng mặc dù đánh bạc lần đầu nhưng trước đó đã bị xử lý bằng một trong 2 hình thức: xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc; đã bị kết án về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc chưa được xóa án tích, nay vẫn vi phạm thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Đánh bạc”.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//danh-bac-va-to-chuc-danh-bac-bi-xu-ly-the-nao-384450.html