Danh ca Bảo Yến: 'Hương thầm'vẫn ngát, tiếng hát vẫn say

Nhắc đến danh ca Bảo Yến, công chúng luôn dành một sự ngưỡng mộ đặc biệt cho chị. Thập niên 1980, cái tên Bảo Yến dậy sóng khắp nước, như một sự bảo chứng cho sân khấu. Chỉ cần có Bảo Yến hát, sô diễn đó chắc chắn cháy vé. Chỉ cần Bảo Yến xuất hiện, khán giả hò reo tán thưởng không ngớt.

“Nữ hoàng băng đĩa” của thập niên 1980

Bảo Yến sinh năm 1958 tại đồn Mang Cá, Thành Nội Huế nhưng nguyên quán là ở Quảng Trị. Cha Bảo Yến là ca sĩ Thủy Triều, em gái là ca sĩ Nhã Phương và em trai là nhạc sĩ Kim Tuấn, chồng của Bảo Yến là nhạc sĩ Quốc Dũng. Cả hai con trai là Khải Ca và Bảo Châu hiện cũng là ca nhạc sĩ. Có thể nói Bảo Yến sống trong cái nôi nghệ thuật suốt cả một quãng đời của mình.

Công chúng biết đến cô nhiều nhất qua những bài hát như "Hương Thầm" (Nhạc Vũ Hoàng, thơ Phan Thị Thanh Nhàn), "Ở hai đầu nỗi nhớ" (Nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Trần Đình Chính), "Mưa trên phố Huế" (Minh Kỳ), "Huế - Tình yêu của tôi" (Nhạc Trương Tuyết Mai), "Chiều hạ vàng" (Nguyễn Bá Nghiêm), "Thơ tình cuối mùa thu" (Nhạc Phan Huỳnh Điểu, thơ Xuân Quỳnh)…

Ca sĩ Bảo Yến.

Ca sĩ Bảo Yến.

Bảo Yến là giọng hát thiên phú, sở hữu giọng nữ trung trầm (mezzo alto) với âm sắc thổ có độ dày, sâu, tối, nặng và hơi thô ráp, nhưng vẫn ấm áp, mùi mẫn. Quãng giọng của cô rộng, có độ vang tự nhiên, cộng hưởng với âm lượng lớn, cùng độ khào độc đáo và một nội lực mạnh mẽ khiến ngay từ những ngày đầu chạm bước sân khấu, Bảo Yến đã mở ra một lối đi riêng, ngự trị một cõi trong lòng khán thính giả. Có dạo, giới âm nhạc Việt ví von giọng ca của Bảo Yến như viên đá quý ruby đỏ, vừa ấm nóng, lại lấp lánh sự cuốn hút bất tận. Sự cuốn hút đến trong sâu thẳm chứ không nằm bên ngoài vẻ bóng bẩy.

Bảo Yến bước lên sân khấu từ một cơ duyên nhưng có lẽ như cô chia sẻ đó là tổ nghề chọn. Thời đó, nữ ca sĩ Nhã Phương, người em gái của cô đoạt giải vàng trong một cuộc thi hát, đài truyền hình đến mời Nhã Phương đi hát. Nhưng cô em gái lại giới thiệu thêm chị mình, là Bảo Yến. Từ đó sân khấu lớn nhỏ khắp nước chứng kiến một đôi song ca cháy hết mình và xác lập tên tuổi vang dội.

Năm đó, Bảo Yến mới 22 tuổi. Có thể nói, ngay từ khi xuất hiện, Bảo Yến đã khiến khán giả say mê, bởi chất giọng rất khác lạ so với nhiều ca sĩ hiện thời. Bảo Yến có thể “cân” tất cả các dòng nhạc. Bảo Yến chỉn chu từ trang phục đến lối trang điểm đậm nét, phong cách dịu dàng rất Huế. Nhưng khi cần thiết, Bảo Yến vẫn “quậy” cực sung trên sân khấu. Bảo Yến trở nên nổi bật hơn mọi ca sĩ hát chung, từ thần thái, cách xử lí tới màu sắc.

Thập niên 1980, các tụ điểm ca nhạc cũng sẵn sàng mời gọi Bảo Yến và người em Nhã Phương về diễn bằng cátsê rất cao. Bình thường mỗi đêm Bảo Yến chạy tầm 10 sô. Dịp lễ tết cô căng sức ra diễn có khi đến tận 20 sô. Nhưng câu chuyện chạy sô của Bảo Yến cũng làm nên giai thoại của cuộc đời nữ ca sĩ. Trong một lần chia sẻ với công chúng, nữ ca sĩ Hồng Hạnh, một người bạn thân thiết cùng thời của Bảo Yến kể lại câu chuyện chị chạy sô bằng xe xích lô. Dẫu thời đó được đánh giá là thời kỳ hoàng kim của Bảo Yến và Nhã Phương. Khắp hang cùng ngõ hẻm, nhà nhà đều nghe băng cátsét của cô.

Nhắc đến băng cátsét, có thể nói cho đến bây giờ, Bảo Yến vẫn là nữ hoàng của băng đĩa ở lĩnh vực ca nhạc. Nói về điều này phải nhắc đến danh hiệu mà khán giả dành cho cô “Danh ca Gò Công”. Khởi nguồn từ việc nhạc sĩ Hoàng Phương từ Gò Công mang 15 bài nhạc viết về quê hương mình lên thành phố cho nhạc sĩ Quốc Dũng hòa âm. Mặc dù lúc ấy, Bảo Yến chỉ vừa chớm có chút tiếng tăm, nhưng nhạc sĩ Hoàng Phương vẫn dành trọn toàn bộ tác phẩm cho Bảo Yến hát.

Băng nhạc sau khi hoàn thành thì được sao ra 2 băng gốc, 1 cho nhạc sĩ Hoàng Phương giữ, 1 cho nhạc sĩ Quốc Dũng. Riêng băng gốc nhạc sĩ Quốc Dũng lại để trên một bàn thờ Phật, vậy mà chỉ vài tuần lễ sau băng nhạc Gò Công được in và phát hành rộng rãi ở chợ băng đĩa Huỳnh Thúc Kháng. Cho đến giờ cả Bảo Yến lẫn Quốc Dũng vẫn không biết ai đem băng nhạc ấy ra ngoài sao chép. Băng nhạc Gò Công tạo nên một sự lan tỏa rầm rộ.

Cũng từ lúc đó, một Bảo Yến khác lạ mà bắt tai với dòng nhạc bolero chinh phục giới mộ điệu. Công chúng thấy một giọng hát làm sang thêm cho dòng nhạc vốn mang tiếng “sến” và bình dân của người miền Nam. Bảo Yến cũng là ca sĩ được mời thu âm nhiều nhất. Cô sở hữu số băng đĩa phát hành và tái bản lớn nhất, cùng lượng bản thu kỉ lục lên tới hàng trăm ngàn con số thời đó.

Một Bảo Yến của bolero độc lạ, hiếm có khó tìm

Dòng nhạc bolero ở miền Nam vốn dĩ quen lối hát luyến láy và ngọt ngào trong cao vút. Các thế hệ thành danh dù khẳng định tên tuổi nhưng có thể nói không ai giữ được vị thế độc tôn. Riêng Bảo Yến lại có một trường phái hát bolero mà cho đến bây giờ không tìm được ai hát giống hoặc giả giọng được như cô. Thậm chí, chính cách hát làm sang thêm cho dòng nhạc này, cũng không ai bắt chước được. Bởi cái sang của Bảo Yến bắt nguồn từ thần thái và từ chất giọng cũng như cách cô xử lý mỗi ca khúc đều khác nhau. Thay vì hát cao vút bạch thanh theo lối thông thường, cô lại tập trung vào những quãng trầm ấm, đầy đặn, tạo nên một màu sắc vừa liêu trai, huyền ảo, lại vừa chân thực, hiện hữu.

Vợ chồng ca sĩ Bảo Yến - nhạc sĩ Quốc Dũng.

Vợ chồng ca sĩ Bảo Yến - nhạc sĩ Quốc Dũng.

Bảo Yến không hát bolero bằng giọng Nam Bộ như đa số ca sĩ khác mà hát theo hơi hướng Trung Bộ. Cô thay thanh ngã bằng thanh nặng, kèm theo một số đoạn luyến đậm màu ca Huế, tạo nét riêng biệt, nghe rất thân thương, mùi mẫn. Cách luyến láy, nhả chữ, lả nhịp của cô bao giờ cũng có sự trễ nải, nỉ non, dung hòa giữa các điệu hò, hát ru truyền thống và màu tân nhạc tươi mới, tạo nên sự quyến rũ đậm chất dân tộc. Nếu các ca sĩ khác hát theo kiểu thanh mảnh, ngân nga giả thanh, bạch thanh dài hơi thì Bảo Yến lại chọn lối hát tự sự, chậm rãi trên quãng chest voice thuần túy (giọng ngực) rất trầm ấm và sâu, nặng, như giãi bày một câu chuyện tràn trề cảm xúc.

Cô tách bạch từng câu, từng chữ, nhả ra với lực chắc chắn và mạnh, tròn vành, rõ chữ s/x, tr/ch, r/gi /. Đặc biệt nhất là phụ âm không bị líu díu, đổ vào nhau. Cô không bao giờ ỉ ôi rên rỉ. Chẳng mấy ai hát bolero mà vẫn có thể belt G4 lồng lộng như cô. Khi luyến láy, Bảo Yến dùng tới vocal break (hát ngắt) trên những đoạn luyến vocal fry. Đây là kĩ thuật thường thấy ở dòng R&B Âu Mỹ, nhưng lại được Bảo Yến áp dụng vào bolero để khiến câu hát trở nên khắc khoải, bâng khuâng hơn. Mỗi khi kết thúc câu hát, Bảo Yến thường đẩy âm lên xoang mũi rồi ngâm lại ở đó rất lâu, khiến nó cứ ngân nga, kéo dài mãi một cách mùi mẫn, ngọt ngào.

Có hai bài hát mà chồng cô, nhạc sĩ Quốc Dũng viết riêng cho Bảo Yến đã gắn bó với cô từ đó đến giờ là bài “Chuyện hợp tan” và “Bài ca Tết cho em”. Quốc Dũng và Bảo Yến đi qua nhiều sóng gió nhưng vẫn lưu dấu trong nhau bằng một tình yêu trọn vẹn dành cho nhau. Sự đồng điệu trong âm nhạc lẫn sự vén khéo của người phụ nữ Huế đã khiến ai cũng ngưỡng mộ Bảo Yến. Có chuyện kể rằng cô chiều Quốc Dũng hết mình, nhất là những khoản tiền trị giá tận 7.000 USD để nhạc sĩ mua đàn hay dàn mixer. Những năm 1990 số tiền đó là cả gia tài, và Bảo Yến đi hát dành dụm có được. Chứ lúc lấy nhau, hai vợ chồng vẫn tiền ai nấy xài, riêng khi Quốc Dũng cần làm mới cho âm nhạc là Bảo Yến chưa bao giờ từ chối.

Kể từ khi nhạc sĩ Quốc Dũng mất, Bảo Yến cũng ít xuất hiện trên sân khấu. Thỉnh thoảng tái ngộ cùng khán giả, người hâm mộ luôn yêu cầu những ca khúc xưa xa đã làm nên tên tuổi của Bảo Yến. Đã 45 năm trên sân khấu, nhưng chưa bao giờ cái tên Bảo Yến hết “hot”. Khán giả vẫn đến kín phòng trà, kín các mini show của cô và họ luôn hát vang theo cô. Tiếng hát Bảo Yến vẫn như “Hương thầm”, trầm mặc nhưng ngan ngát bay sâu thẳm vào tâm khảm công chúng yêu nhạc Việt.

Tống Phước Bảo

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/danh-ca-bao-yen-huong-thamvan-ngat-tieng-hat-van-say-i741413/