Danh ca Lệ Thu và mối duyên với các nhạc sỹ lớn
Phạm Duy viết 'Nước mắt mùa thu' bằng cảm hứng từ nghệ danh Lệ Thu. Nghe nói, cũng từ nghệ danh đượm mùi thi ca này, Trịnh Công Sơn đã viết 'Chiếc lá thu phai' . Không chỉ lọt mắt xanh Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lệ Thu còn là lựa chọn hàng đầu trong những sáng tác của nhạc sỹ Trường Sa, tác giả của nhiều tình khúc nổi tiếng: 'Mùa thu trong mưa', 'Xin còn gọi tên nhau'…
Trong Thúy Nga Paris 70, khi hát lại “Xin còn gọi tên nhau” của Trường Sa, danh ca đã chia sẻ rằng: “Xin còn gọi tên nhau” không phải nhạc phẩm đầu tiên nhạc sỹ Trường Sa gửi gắm ở giọng ca Lệ Thu. Bài hát đầu tiên, Trường Sa nhắm tới Lệ Thu chính là “Mùa thu trong mưa”: “Chiều mưa không có em/Bờ đá công viên âm thầm/Chiều mưa không có em/Giăng mắc mây không buồn trôi…”. “Anh Trường Sa có đến nhà và giao cho Thu bài đó. Bởi vì Hãng đĩa Việt Nam lúc đó thâu bài đó. Anh tập cho Thu bài đó. Rồi sau khi đã thâu băng xong, mọi người đón nhận nồng nhiệt”, Lệ Thu kể. Chính sự kết hợp Trường Sa- Lệ Thu được cổ vũ nhiệt tình nên mỗi khi sinh nở tác phẩm mới, Trường Sa đều tìm đến Lệ Thu để bà hát đầu tiên: “Thu còn nhớ sau đó là những bài như “Rồi mai tôi đưa em”, “Một mai em đi”, “Xin còn gọi tên nhau” và v.v”.
Tại thời điểm ấy, Lệ Thu đang là tiếng hát đình đám bậc nhất Sài Gòn. Vì vậy, không chỉ riêng Trường Sa, rất nhiều nhạc sỹ muốn được Lệ Thu hát ca khúc của mình. Nói về thời “tột đỉnh vinh quang” Lệ Thu từng hài hước ví: “Lúc đó, Thu là “chột trong đám mù”. Dù nhiều nhạc sỹ muốn gửi gắm đứa con tinh thần của họ, song không phải lúc nào cũng nhận được cái gật đầu của Lệ Thu. Bà có nguyên tắc của mình: “Tiêu chuẩn của Thu chọn là thế này. Trước hết, Thu đọc lời. Sau đó Thu dạo nhạc để nghe nhạc ra làm sao, có hợp với mình không”. Danh ca khẳng định không phải những bài không hợp với bà có nghĩa là không hay. Song bà buộc phải lựa chọn: “Bởi vì người hát khi cảm thấy thích thú, để hết tâm hồn mình vào bài hát, mình thích thì khán giả mới thích được”.
Quay trở lại với nhạc sỹ “Xin còn gọi tên nhau”. Khi Lệ Thu ra hải ngoại thì bà vẫn gặp lại nhạc sỹ Trường Sa. Bà kể, một lần nhạc sỹ Trường Sa từ Canada sang quận Cam (Mỹ) chơi: “Thu có gặp lại anh trong một tiệm phở ngon lắm. Đó là tiệm phở Nguyễn Huệ. Thu gặp lại anh, anh cũng mừng lắm, anh có giao cho Thu một số bài mới. Thật ra, ít lắm, không nhiều nên Thu để dành đó, để có dịp Thu sẽ thâu cuốn băng khác nữa”.
Nhạc sỹ Trường Sa cũng từng bày tỏ tình cảm ngưỡng mộ, quí mến giọng ca vàng của Lệ Thu: “Chúng tôi quen biết nhau từ bài Mùa thu trong mưa. Sau khi bài được thâu đĩa với tiếng hát Lệ Thu, tôi đã bàng hoàng xúc động trước giọng ca này, và tôi đã ao ước sẽ tiếp tục viết cho giọng hát Lệ Thu. Tôi đã thực hiện điều ước này bằng ca khúc Xin còn gọi tên nhau, Rồi mai tôi đưa em… tiếp theo nữa là Sầu muộn, Còn mãi xa người, Một mai em đi, Nụ cười tím, Như hoa rồi tàn… (…) Trong thâm tâm, tôi không bao giờ quên sự nhiệt tình của Lệ Thu và để đáp lại sự nhiệt tình đó, từ lâu tôi đã đồng ý cho Lệ Thu sử dụng bài nào cô ấy muốn mà không bị ràng buộc điều kiện nào. Tôi quí Lệ Thu bằng tấm chân tình nghệ sỹ thật chính đáng và trong sáng, trước sau như một…”. “Xin còn gọi tên nhau” là nhạc phẩm “đo ni đóng giày” cho Lệ Thu, trong lời ca cũng thể hiện tình cảm của nhạc sỹ với giọng ca mình yêu mến: “Chợt nghe mùa thu bay trên trời không/Còn ai giữa mênh mông đời mình/Nỗi đau mù lấp trên tuổi xanh”.
Cũng trong dịp hát lại nhạc phẩm của Trường Sa trên sân khấu Thúy Nga, danh ca chia sẻ một đặc điểm trong tính cách mình: “Thu vốn nhát”. Giao lưu với khán giả dăm, bảy phút trên sân khấu với nữ danh ca đã là “liều mình lắm rồi”. Trước khi lìa xa nhân thế, Lệ Thu đã kịp tham gia chương trình ca nhạc cuối cùng do Thúy Nga thực hiện, mang tên “Music Box”. Theo tiết lộ của bà chủ Thúy Nga, hôm ấy Lệ Thu rất mạnh khỏe và vui tươi “trong lúc chờ đợi set up cảnh trí cho Music Box thì cô thiếp đi trên sofa, mình vội mời cô vào phòng riêng để nghỉ. Cô nói “cô có thói quen ngủ trưa, khi nào xong cháu kêu cô dậy thu hình”. Đến nay “Music Box” có sự tham gia của Lệ Thu chưa kịp phát hành thì nữ danh ca đã an giấc ngàn thu: “Nước mắt mùa thu khóc ai trong chiều”.