Dành cả thanh xuân cho... voọc

Sau những trận sốt xuất huyết xanh xao vì muỗi rừng, vắt, những đợt đi bệnh viện da liễu điều trị vì ve chó đục thủng da bụng cả vạt như dính phải “đạn hoa cải”, Bùi Văn Tuấn được các đồng nghiệp định danh là Tuấn “linh trưởng”. Chàng trai sinh năm 1986, vốn là cử nhân khoa Sinh- Môi trường, Đại học Sư phạm Đà Nẵng đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để nghiên cứu về các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm.

Tuấn “linh trưởng” trong một chuyến ghi hình, chụp ảnh voọc chà vá chân xám tại Núi Thành, Quảng Nam.

Tuấn “linh trưởng” trong một chuyến ghi hình, chụp ảnh voọc chà vá chân xám tại Núi Thành, Quảng Nam.

Sốt rét, bệnh da liễu vì ngủ rừng với voọc

Ngày còn trên giảng đường, chàng sinh viên quê Quảng Nam đã bị những con voọc chà vá chân nâu trong rừng sâu Sơn Trà bỏ bùa đến nỗi cứ vào ngày nghỉ là Tuấn thuê xe máy để đi “rình” nữ hoàng linh trưởng. Đường lên Sơn Trà ngày trước còn hiểm trở, nên Tuấn phải giấu xe ở bìa rừng rồi lội bộ cả ngày trời trong rừng. Để tận mắt thấy voọc trong khoảng cách gần nhất, anh chàng phải ngụy trang bằng đồ rằn ri, “núp lùm” bất động hàng giờ. “Được xem hình ảnh, thông tin trên các phương tiện truyền thông, tôi đã bị mê hoặc. Đến khi thấy chúng đùa giỡn, ăn uống, giao phối hay chăm sóc nhau ngay trước mắt mình mới biết vì sao người ta gọi đây là nữ hoàng linh trưởng. Sau mỗi chuyến đi, tôi thấy mình may mắn nhưng cũng xót xa vì thỉnh thoảng lại thấy một vài con voọc nằm chết khô trong cái bẫy kẹp hay bẫy thòng lọng”, Tuấn bắt đầu câu chuyện về nguyên cớ cột chặt mình với voọc.

Khác với nhiều bạn bè sau khi ra trường phải chật vật xin việc làm, Tuấn và một vài người bạn được mời hợp tác với dự án của Hội Động vật học FrankfurtĐức. Với những gì được học trên sách vở, cộng với những năm tháng làm “người rừng” khắp hầu hết các vườn quốc gia khu vực miền Trung- Tây Nguyên, Tuấn và các cộng sự cùng nhau sáng lập Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) với mong muốn xây dựng dự án do chính người Việt nghiên cứu, bảo tồn đa dạng sinh học cho đất nước mình. Suốt gần 3 năm trời, từ năm 2012 đến 2014, cùng với việc quản lý, vận hành các dự án nghiên cứu, bảo tồn động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm, GreenViet dành phần lớn nguồn lực tập trung cho nhiệm vụ nghiên cứu vùng sống của voọc chà vá chân nâu trên bán đảo Sơn Trà. Đây là khoảng thời gian Tuấn “linh trưởng” phải lấy rừng làm nhà, hai người làm lán trại di động, ngụy trang bám rừng, một người như giao liên tiếp tế lương thực và mang thông tin, hình ảnh về lưu trữ. “Nếu phát hiện có hơi người, voọc sẽ không bao giờ xuống đất. Chính vì vậy, muốn tìm ra chúng phải như đặc công, không những bám theo các dấu vết như nguồn thức ăn, tiếng kêu, dấu chân mà còn phải ngửi... mùi nước tiểu đặc trưng. Khi kết thúc đợt khảo sát, chúng tôi thay nhau đi viện, người thì sốt xuất huyết vì bị muỗi rừng cắn, người thì điều trị da liễu vì ve chó bám cả mảng, cắn vào để nọc lại ngứa ngáy hàng tháng trời”, Tuấn kể lại.

“Điệp vụ” sống cùng voọc chà vá chân nâu quy mô đầu tiên ở Sơn Trà khiến cả nhóm bủng beo, xanh xao nhưng đổi lại những cứ liệu thu thập được đã mở ra cho người dân, du khách và các nhà nghiên cứu, bảo tồn thấy được rõ nét “vương quốc” sinh sống của nữ hoàng linh trưởng ở Sơn Trà, là báu vật của Đà Nẵng, trở thành niềm tự hào của người dân, hấp lực của du khách khi đến thành phố biển.

Tuấn “linh trưởng” trong một chuyến đi rừng cùng các cộng sự.

Tuấn “linh trưởng” trong một chuyến đi rừng cùng các cộng sự.

Từ yêu “chân nâu” đến đỡ đầu “chân xám”

Cuối năm 2019, Tuấn rời GreenViet để dành thời gian chăm lo cho gia đình vì vợ anh gặp phải một tai nạn giao thông. Cần một quãng nghỉ để “set up” lại nhịp sống của mình nhưng Tuấn vẫn không nguôi nỗi nhớ rừng, nhớ “bạn”. Lục lại kho tư liệu khủng của mình, Tuấn bắt đầu mày mò làm các đoạn phim ngắn về hàng chục loài linh trưởng có ở các khu bảo tồn của Việt Nam đưa lên kênh YouTube có tên VOOC VIVU với mục đích nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo tồn động vật hoang dã, quý hiếm. Phim ngắn của Tuấn đi vào nhiều chương trình giảng dạy của trường học, các kênh truyền hình trong nước và cả quốc tế, trở thành nguồn tư liệu quý cho các hội thảo, các nghiên cứu khoa học về bảo vệ động vật hoang dã.

Vào một ngày đẹp trời, bạn bè thấy Bùi Văn Tuấn và Tiến sĩ Noel Rowe - Giám đốc quỹ bảo tồn linh trưởng quốc tế (Primate Conservation Inc) cùng nhau lội vào sâu trong khu rừng thuộc xã Tam Mỹ Tây, H. Núi Thành, Quảng Nam, nơi phát hiện khoảng 60 cá thể voọc chà vá chân xám được đánh giá là quý hiếm hơn cả “nữ hoàng linh trưởng” tại Sơn Trà. Với Noel Rowe, dù ông đã đi nhiều nơi trên thế giới nhưng vào ngôi nhà của đàn voọc chà vá chân xám rất hiếm hoi ở miền Trung Việt Nam là mơ ước bấy lâu nay. Khi biết Tuấn đang làm luận văn thạc sĩ về chúng, ông đã từ Mỹ bay qua và nhờ Tuấn đưa vào rừng để chỉ nghe tiếng hót đặc trưng. “Ông ấy đã không do dự khi quyết định tài trợ 3.700USD để tôi nghiên cứu chuyên sâu, đây như là một hợp phần trong dự án tài trợ 10.000USD cho cộng đồng bảo tồn các cá thể voọc này. Tôi cũng chính thức chuyển từ “chân nâu” qua “chân xám”, làm người rừng ở Quảng Nam từ đó đến nay”, Tuấn kể lại.

Bên cạnh nghiên cứu khoa học, truyền thông trường học về bảo tồn động vật hoang dã, câu chuyện về Tuấn “linh trưởng” còn gây được sự chú ý của cộng đồng người yêu động vật hoang dã, các tổ chức bảo vệ linh trưởng nguy cấp, quý hiếm tại nhiều nước trên thế giới. Chàng trai 8X cũng trở thành sứ giả kết nối những người này đến với các trung tâm bảo tồn, các vườn quốc gia của Việt Nam.

CÔNG KHANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_238616_danh-ca-thanh-xuan-cho-vooc.aspx