Danh ca Tuấn Ngọc: '77 tuổi tôi vẫn phải học hát'
Danh ca Tuấn Ngọc cho biết ở tuổi U80 vẫn không ngừng học hát và cảm thấy may mắn, qua bao thời đại vẫn còn được xuất hiện trên sân khấu, có khán giả của riêng mình.
Tuấn Ngọc sinh năm 1947 tại Đà Lạt, trong một gia đình nghệ sĩ. Ông nổi tiếng nhờ những nhạc phẩm trữ tình và được nhiều người xem như một giọng ca nam "tượng đài" của nền tân nhạc Việt Nam.
Mới đây, xuất hiện trong chương trình "Hoa xuân ca", danh ca Tuấn Ngọc không chỉ mang đến phút giây tình ca khi biểu diễn cùng 3 nam ca sĩ trẻ là Lân Nhã, Quốc Thiên và Anh Tú mà ông còn chia sẻ thêm về con đường âm nhạc của mình.
"Tôi nghĩ mình là một nghệ sĩ may mắn, qua bao thời đại vẫn còn được xuất hiện trên sân khấu, được đi hát và có khán giả của mình. Dù không nhiều nhưng họ vẫn giúp tôi có nghị lực để đi hát cho tới tuổi này", nam danh ca sinh năm 1947 tâm sự.
Chia sẻ thêm về giọng hát và tình hình sức khỏe hiện tại, Tuấn Ngọc thừa nhận, đến tuổi 77, ông vẫn phải học hát, học từ ca sĩ trẻ. Bởi ông quan điểm, ca hát là cả một nghệ thuật và có xu hướng và nếu ca sĩ giữ được giọng hát thì đó là thụt lùi.
"Mình có thể hát giỏi, hát chuẩn nhưng nếu không học thì sẽ bị hát cũ, xưa, không hợp thời nữa. Giống như cái áo dù đẹp nhưng nhìn kiểu dáng xưa quá cũng không ai mặc, nghệ thuật là vậy. Vì thế, người ca sĩ phải cấp tiến, theo dõi âm nhạc. Tôi biết ba ca sĩ trẻ (Lân Nhã, Quốc Thiên và Anh Tú) hát cùng tôi hát "Gửi người em gái miền Nam" đều rất hay nhưng tôi vẫn khuyên các bạn phải cố gắng trau dồi, học hỏi. Lên tới đỉnh đã khó, giữ mình ở trên đỉnh đó còn khó hơn.
Hát là bao la, càng tập, càng hát càng thấy mình không biết gì, có như vậy mình mới biết trân quý khán giả", nam ca sĩ bày tỏ.
Về cách xử lý ca khúc, chính Tuấn Ngọc cũng thấy sự thay đổi trong con người của mình. "Tôi hát nhạc Mỹ nhiều và thấy nhạc Mỹ người ta đặt nặng tiết tấu nhiều. Thời trẻ, tôi chỉ để ý tới ý nhạc, muốn hát sao thì hát, bỏ qua tiết tấu nhiều, muốn bỏ nhỏ chữ nào cũng được, không đi theo tiết tấu. Người Mỹ họ nghe cách hát nhịp là biết trình độ của người ca sĩ thế nào. Tức là khi hát, phải để cái chữ mình hát vào nhịp. Hồi xưa, tôi cứ hát thẳng ra thôi còn giờ tôi chú ý đặt nốt nhạc mình hát ra thật đúng nhạc, đúng tiết tấu.
Tuy nhiên, nếu để ý kỹ thuật nhiều quá thì sẽ mất đi tình cảm, phải biết dung hòa cả hai thứ. Ca hát khó lắm. Không phải tôi là ca sĩ mà đề cao người biết hát nhưng sự thật là hát khó lắm. Cổ họng là một nhạc cụ, giống như cây đàn, càng ngày càng cũ mòn đi nhưng không thể thay thế bằng một nhạc cụ mới được.
Vì thế, khi hát phải biết lựa theo nhạc cụ đó để hát, không thể đem cách hát lúc trẻ để hát khi đã già vì cổ họng cũ mòn rồi, không thể hát như lúc trẻ được. Nghe lại những đĩa cũ của tôi thì sẽ thấy bây giờ tôi không hát giống hồi xưa nữa. Tôi phải cố tập để hát tốt hơn", Tuấn Ngọc giãi bày.
Để có sự thay đổi đó, ông cho rằng ca hát là một nghệ thuật. "Người ta bảo đánh võ vô chiêu mà thắng hữu chiêu, tức là tưởng không có chiêu thức gì nhưng lại rất nghệ thuật. Hát mà để người ta thấy mình kỹ thuật, cố gắng là thất bại, với tôi là thế. Phải hát sao để thấy như bình thường nhưng thực sự lại rất khó.
Nói chung, tôi vẫn cảm thấy hạnh phúc, may mắn vì được học là vui rồi, thích rồi. Tôi đến giờ vẫn có con đường học, vẫn được học là nhờ khán giả. Nếu không có khán giả tôi lấy đâu để học. Tôi vừa được đi làm vừa được học, học và thực hành thường xuyên", danh ca tâm sự.