Đánh chiếm Bản Đông

Khu vực Bản Đông địa hình tương đối trống trải, xung quanh có nhiều điểm cao, càng gần Bản Đông, địa thế càng thấp dần, nên khu vực này còn được gọi là lòng chảo Bản Đông.

Do tầm quan trọng đặc biệt về chiến thuật, nên địch xây dựng Bản Đông trở thành một căn cứ và là trung tâm chỉ huy cuộc hành quân "Lam Sơn 719".

Đánh giá tình hình, Bộ tư lệnh chiến dịch xác định: Địch đã tập trung lớn lực lượng và binh khí kỹ thuật phòng ngự ở Bản Đông, bộ đội của ta lúc này chưa có kinh nghiệm đột phá vào tập đoàn phòng ngự hỗn hợp mạnh của địch. Ta sẽ không đột phá ngay vào Bản Đông mà dùng hỏa lực tập trung đánh vào Bản Đông, buộc địch hoặc là phải rút chạy để ta tiêu diệt chúng ngoài công sự, hoặc là hoảng loạn tan rã, tạo điều kiện để ta đột phá tiêu diệt.

Thực hiện chủ trương trên, Bộ tư lệnh chiến dịch sử dụng 3 trung đoàn bộ binh: 36 (Sư đoàn 308), 64 (Sư đoàn 320), 66 (Sư đoàn 304); 2 trung đoàn pháo binh: 368, 45; 5 đại đội xe tăng, được lực lượng phòng không của chiến dịch chi viện, tổ chức vây lấn tiến công quân địch ở Bản Đông. Đồng thời, Bộ tư lệnh chiến dịch cũng sử dụng 2 trung đoàn: 102 (Sư đoàn 308), 24 (Sư đoàn 304) và một số đơn vị binh chủng đưa lực lượng xuống sát Đường 9, gần các điểm cao có lợi như: 311, 351, kiên quyết ngăn chặn không cho địch rút theo Đường 9.

Từ ngày 13 đến 18-3-1971, khi địch ngừng tiến công, quân ta thực hành vây lấn tiến công vào toàn bộ đội hình địch ở Bản Đông. Trước nguy cơ bị bao vây và sức tiến công mãnh liệt của ta, cùng với thực trạng lực lượng của chúng ở cánh phía nam Đường 9 có nguy cơ bị tiêu diệt, ngày 18-3-1971, địch bắt đầu rút khỏi Bản Đông, để lại xe cơ giới, pháo hạng nặng, bí mật luồn rừng tháo chạy.

Nắm được tình hình trên, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh ngay cho các đơn vị chốt chặn không cho địch rút theo Đường 9; các đơn vị đang vây lấn đột phá chuyển sang tiến công vào Bản Đông. Nhưng do bộ đội ta khắc phục vật cản chậm, chỉ huy hiệp đồng giữa các hướng thiếu chặt chẽ, nên tốc độ tiến công chậm. Ngày 20-3-1971, khi quân ta phát triển vào đến bên trong căn cứ thì một phần lớn quân địch đã luồn rừng tháo chạy. Quân ta chặn đánh các đường rút chạy của địch và chuyển sang truy kích, diệt nhiều địch, phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh của chúng.

Chiến thắng Bản Đông góp phần thay đổi cục diện chiến trường, hình thành thế trận có lợi để chuyển sang tiến công lớn tiêu diệt lực lượng chiến dịch của địch, đồng thời giữ vững được tuyến đường vận tải chiến lược của ta.

VŨ HOÀI NAM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/danh-chiem-ban-dong-652792