Dành cho trẻ em gái những điều tốt đẹp

Hãy dành cho trẻ em gái những điều tốt đẹp, để nâng cao vị thế của trẻ em gái và phụ nữ. Ảnh: KIM CHI

Với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới (BĐG) góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh”, Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay được các cấp, ngành hưởng ứng mạnh mẽ.

Hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) đang trở thành một trong những vấn đề “nóng” và nan giải đối với công tác DS-KHHGĐ, đã và đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Những quan niệm sai lầm, tâm lý chuộng con trai hơn vẫn còn thể hiện rõ trong đời sống xã hội Việt Nam.

Thay đổi tư tưởng trọng nam khinh nữ

MCBGTKS có xu hướng tiếp tục tăng và lan rộng ở cả nông thôn, thành thị và các vùng, miền. Hiện nay, tỉ số GTKS vẫn dao động quanh ngưỡng 114,8 bé trai/100 bé gái. Cả nước đã có 55/63 tỉnh, thành có tỉ số GTKS cao trên 108/100. Riêng Phú Yên, theo kết quả điều tra dân số năm 2019, tỉ số giới tính là 101,2 nam/100 nữ (năm 2009 là 100,2 nam/100 nữ).

Chị Nguyễn Thị Hân (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa) đã sinh 3 con gái, chia sẻ: “Lúc đầu sinh 2 đứa đều là gái, chồng tôi nói ráng kiếm đứa con trai. Khi sinh đứa thứ ba biết là gái nữa, ổng buồn lắm, suốt ngày đi hoài, rồi uống rượu… Nhưng giờ đây, thấy các con học hành thành tài, 2 đứa lập gia đình có việc làm ổn định, con út học giỏi, nở mày nở mặt nên ổng rất vui. Chồng tôi còn nói, thấy con gái hiếu thảo với cha mẹ nên mừng lắm”.

Còn anh Lê Đức Long (phường 5, TP Tuy Hòa) nói: “Vợ chồng tôi sinh 2 đứa con gái. Người thân trong gia đình cứ khuyên sinh thêm để có con trai nối dõi tông đường, nhưng tôi cương quyết không. Con nào cũng là con. Hai cháu giờ học rất giỏi, chăm ngoan, biết phụ giúp cha mẹ chăm lo nhà cửa gọn gàng”.

Theo Tổng cục DS-KHHGĐ, MCBGTKS sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ thiếu từ 2,3-4,3 triệu phụ nữ. MCBGTKS có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống; sẽ tạo ra những hậu quả lâu dài về mặt xã hội và nhân khẩu học, như: gia tăng áp lực, buộc các em gái phải kết hôn sớm; làm tăng tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS, nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em gái và các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất bình đẳng, ly hôn; bất ổn xã hội, suy giảm sức khỏe, sức khỏe sinh sản do những thất vọng về mặt xã hội và tình dục ở nam giới…

Giải pháp để giảm MCBGTKS

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Thị Ngọc Lan cho rằng, bất BĐG và tình trạng MCBGTKS ở nước ta có mối liên quan. Bất BĐG là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng MCBGTKS, ngược lại MCBGTKS sẽ làm sâu sắc thêm vấn đề bất BĐG.

Một giải pháp then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng MCBGTKS là phải tăng cường công tác BĐG và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì BĐG.

Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng MCBGTKS là hành vi lựa chọn giới tính thai nhi của các cặp vợ chồng. Mong muốn có con trai hiện nay không chỉ dừng ở biểu hiện tâm lý, mà đã thể hiện thành hành động tìm kiếm con trai. Các quan niệm xã hội và tín ngưỡng đòi hỏi con trai phải gánh vác việc thờ cúng tổ tiên; con trai giúp củng cố địa vị của cha mẹ trong xã hội; đứa con sinh ra phải mang họ của cha; người chồng thường là chủ hộ trong gia đình, có quyền quyết định những việc lớn.

Theo bác sĩ Vũ Ngọc Dững, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, một giải pháp then chốt nhằm ngăn chặn tình trạng MCBGTKS là phải tăng cường công tác BĐG và nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì BĐG. Đồng thời cần có những hành động thiết thực bảo vệ trẻ em để các em sinh ra được bình đẳng, dù là trai hay gái.

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành thì tình trạng bất BĐG sẽ được cải thiện để đem lại tương lai tốt đẹp cho trẻ em gái và phụ nữ, góp phần xây dựng đất nước.

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/230033/danh-cho-tre-em-gai-nhung-dieu-tot-dep.html