Đánh COVID-19: Từ phòng ngự sang tấn công
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 trên toàn cầu, nguy cơ đợt dịch thứ 4 xâm nhập vào Việt Nam đang hiện hữu. Một lần nữa Việt Nam được đặt vào tình thế phải chủ động, quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn dịch từ sớm, từ xa, toàn hệ thống chính trị vào cuộc với trách nhiệm cao nhất.
Mạnh mẽ hơn, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ ngày 5/5, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phải bằng một tư duy chiến lược mới, đó là chuyển trạng thái chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công. Thêm một lần, Thủ tướng nêu thông điệp "chống dịch như chống giặc", phải “bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa” bằng các biện phòng dịch chủ động, quyết liệt, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Điều đó đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ, cũng như tiếp thêm niềm tin chiến thắng dịch bệnh cho người dân trong những ngày này.
Theo Thủ tướng, chủ động tấn công nghĩa là không đợi dịch đến mới chống, mà phải chủ động chống dịch từ sớm, từ xa, với phương châm: Nhận diện, chủ động phòng, chống trước; phát hiện, hành động, xử lý trước; chuẩn bị phương án, vật tư trước. Muốn “chủ động tấn công”, trước hết phải chủ động sản xuất ra vaccine “Make in Việt Nam”. Trong thời gian chờ sản phẩm của Việt Nam, thì huy động mọi nguồn lực, từ chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp, kể cả tài trợ cá nhân, thông qua giám sát chuyên môn của ngành Y tế, chủ động nhập khẩu vaccine trên diện rộng và tiêm cho người dân càng nhanh càng tốt. Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương, chuẩn bị kỹ đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vaccine và bố trí, huy động mọi nguồn lực để thực hiện.
Không chỉ vậy, trong cuộc họp khẩn của thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tới việc phân cấp triệt để, cá thể hóa trách nhiệm của từng cá nhân trong phòng chống dịch COVID-19; thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”. “Ở đâu, khâu nào, cá nhân nào chưa làm đúng thì cần xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Bởi, nếu không xử lý nghiêm minh sẽ tiếp tục dẫn tới tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, dẫn tới hậu quả khó lường. Bởi một người lơ là thì cả xã hội vất vả, và nếu lơ là chúng ta sẽ phải trả giá đắt về con người, của cải vật chất, cơ hội phát triển...”, Thủ tướng nói.
Thực tế cho thấy, trong lúc nguy cơ lây nhiễm COVID-19 từ bên ngoài vào Việt Nam đang rình rập, thì một bộ phận người dân đã mất cảnh giác, chủ quan với dịch. Đơn cử, vào dịp nghỉ lễ 30 tháng 4, 1 tháng 5 vừa qua, cả biển người đã đổ về các điểm tham quan du lịch, bãi biển mà không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, coi nhẹ khuyến cáo 5K của Bộ Y tế… Bên cạnh đó, rất nhiều vụ nhập cảnh trái phép được phát hiện tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước thời gian gần đây đã cho thấy, sự mất cảnh giác, cũng như ý thức coi thường kỷ cương phép nước của một vài cá nhân, đơn vị, làm tổn hại tới hình ảnh, lợi ích quốc gia, dân tộc.
Thử hỏi, những trường hợp nhập cảnh trái phép bị nhiễm COVID-19, nếu đi sâu vào trong nội địa, đến các điểm tập trung đông người và để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thì hậu quả sẽ thật khôn lường. Hơn lúc nào hết, rất cần những người dân có ý thức cảnh giác, phát hiện và báo cho lực lượng chức năng về những người có biểu hiện nghi ngờ hoặc nhập cảnh trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam.
Không khỏi tự hào, trạng thái “bình thường mới” ở Việt Nam với các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động, những sự kiện văn hóa đông người, những giải thể thao có khán giả tham dự… đã ghi nhận sự thành công bước đầu của Việt Nam trong phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, trong các hoạt động như vậy, nếu mỗi người không có ý thức phòng chống dịch bệnh, bảo vệ cho bản thân, gia đình, cộng đồng thì nguy cơ dịch xuất hiện trở lại, lây lan, bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng sẽ trở thành hiện thực và tiếp tục gây tác động xấu đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Dự báo dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và công cuộc phòng chống sẽ kéo dài. Bởi vậy, không chỉ tiếp tục “bao đê cho chặt”, phải “bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa” bằng các biện phòng dịch chủ động, quyết liệt, mà cần siết lại kỷ cương trước tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Ngay lúc này, mỗi cá nhân không đợi dịch đến, mà phải chủ động phòng chống dịch từ sớm, từ xa theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.