Đánh địch ứng cứu giải tỏa chiến dịch
Nhằm ngăn chặn và cắt đứt con đường vận chuyển chiến lược Trường Sơn, cắt đứt 'mạch máu chủ' bảo đảm hậu cần cho chiến trường miền Nam của ta, Mỹ-ngụy chủ trương tiến hành cuộc tiến công chiến lược bằng 3 cuộc hành quân lớn: 'Lam Sơn 719' đánh ra vùng Đường 9-Nam Lào; 'Toàn thắng 1-71-NB' đánh vào tỉnh Tây Ninh, Lộc Ninh (Việt Nam) và hai tỉnh Kampong Cham, Kratie (Campuchia); 'Quang Trung 4' đánh ra ngã ba biên giới vùng Taxeng, Pakha, Sesu, thuộc tỉnh Attapeu (Lào). Báo Quảng Bình điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình
Nhằm ngăn chặn và cắt đứt con đường vận chuyển chiến lược Trường Sơn, cắt đứt "mạch máu chủ" bảo đảm hậu cần cho chiến trường miền Nam của ta, Mỹ-ngụy chủ trương tiến hành cuộc tiến công chiến lược bằng 3 cuộc hành quân lớn: "Lam Sơn 719" đánh ra vùng Đường 9-Nam Lào; "Toàn thắng 1-71-NB" đánh vào tỉnh Tây Ninh, Lộc Ninh (Việt Nam) và hai tỉnh Kampong Cham, Kratie (Campuchia); "Quang Trung 4" đánh ra ngã ba biên giới vùng Taxeng, Pakha, Sesu, thuộc tỉnh Attapeu (Lào).
Khi quân đoàn 2 ngụy chuẩn bị mở cuộc hành quân "Quang Trung 4" ra phía tây tỉnh Kon Tum nhằm triệt phá căn cứ, kho tàng và cắt đứt đường vận chuyển chiến lược của ta tại khu vực ngã ba biên giới, bộ đội Tây Nguyên đang chuẩn bị đợt tác chiến Xuân hè 1971 ở hướng Đăk Siêng, được lệnh nhanh chóng chuyển sang hướng nam Đường 18 đánh bại cuộc hành quân này của địch.
Ngày 21-2-1971, địch cho một đại đội pháo 105mm đổ bộ xuống điểm cao 1030; 2 đại đội bộ binh xuống phía tây bắc chốt giữ điểm cao này. Ngày 27-2-1971, địch huy động hàng trăm lượt trực thăng chở trung đoàn 42 bộ binh, liên đoàn 2 biệt động quân đổ bộ xuống khu vực phía tây sông Sa Thầy, chốt giữ các điểm cao, hỗ trợ cho tiểu đoàn 12 (trung đoàn 42) và tiểu đoàn 2 biệt động quân bấy giờ đang bám theo trục Đường 18 đánh phá các căn cứ và tiến dần lên hướng bắc chặn cắt đường vận chuyển chiến lược của ta.
Theo dõi sát mọi động thái của địch, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (B3) quyết định bao vây tiểu đoàn 1, lực lượng cơ động mạnh nhất của trung đoàn 42 ngụy, nhằm buộc địch phải tung quân ra ứng cứu để bộ đội ta tiến công tiêu diệt.
Tối 27-2-1971, Tiểu đoàn 7 thuộc Trung đoàn 66 đón đánh địch ở điểm cao 842, loại khỏi vòng chiến đấu hai trung đội địch. Lợi dụng đêm tối, tiểu đoàn 1 của địch đã luồn lách thoát khỏi vòng vây. Sáng 28-2, Trung đoàn 40 pháo binh Mặt trận Tây Nguyên tập kích hỏa lực vào đội hình tiểu đoàn 1 của địch, buộc tiểu đoàn này phải lùi lên điểm cao 935 gọi máy bay và pháo binh chi viện. Chớp thời cơ địch đang hoang mang, đội hình của địch bị chia cắt, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên lệnh cho Trung đoàn 66 sử dụng Tiểu đoàn 9 vận động chiếm giữ điểm cao 923, sẵn sàng chặn đánh tiểu đoàn 22 biệt động quân địch, tạo điều kiện cho Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 bao vây tiến công tiêu diệt tiểu đoàn 1 địch. Đồng thời, Trung đoàn 28 cũng được lệnh điều động Tiểu đoàn 3 tiến đến phía nam điểm cao 875, hình thành vòng vây thứ hai của chiến dịch.
Sáng 1-3-1971, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên lệnh cho Trung đoàn 66 và Trung đoàn 40 nổ súng tiến công địch. Sau nhiều trận chiến đấu ác liệt, đến 14 giờ cùng ngày, Tiểu đoàn 7 và Tiểu đoàn 8 (Trung đoàn 66) đã hoàn toàn làm chủ trận địa, tiêu diệt tiểu đoàn 1 địch, bắt sống 72 tên, bắn rơi 5 trực thăng. Ngày 3 và 4-3, Trung đoàn 66 và Trung đoàn 40 phát triển tiến công đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 2, trung đoàn 42 và tiểu đoàn 22 biệt động quân ở khu vực Ngọc Tô Ba. Bị đòn đau, quân đoàn 2 ngụy buộc phải cho sư đoàn 22 rút khỏi vùng núi phía tây sông Pô Cô, về lập tuyến phòng ngự phía tây Đăk Tô, Tân Cảnh, củng cố đội hình, chuẩn bị cho bước tiếp theo.
Nhận định thời cơ mới đã xuất hiện, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên lệnh cho các đơn vị tham gia chiến dịch chuyển từ phản công sang tiến công, đẩy địch lún sâu hơn vào thế bị động, buộc chúng phải bỏ ý định đánh ra vùng ngã ba biên giới để phối hợp với hai cuộc hành quân "Lam Sơn 719" và "Toàn thắng 1-71-NB". Hướng tiến công của ta lần này tập trung vào cao điểm Ngọc Rinh Rua, một vị trí quan trọng trong tuyến phòng ngự cơ bản của địch, do một tiểu đoàn hỗn hợp pháo binh và bộ binh chiếm giữ. Theo tính toán của ta, nếu Ngọc Rinh Rua bị đánh chiếm thì tuyến phòng thủ Plây Cần-Đăk Mót-Đăk Tô sẽ bị uy hiếp trực tiếp và địch phải tung lực lượng ứng cứu, giải tỏa. Đây sẽ là thời cơ thuận lợi để ta tổ chức trận địa phục kích nhử địch vào khu quyết chiến xung quanh điểm cao Ngọc Rinh Rua để tiêu diệt.
Đúng như ta dự kiến, sau khi Ngọc Rinh Rua thất thủ, tuyến phòng thủ tây nam Tân Cảnh của địch bị uy hiếp, quân đoàn 2 ngụy đã phải tung lực lượng ra giải tỏa nhằm chiếm lại những khu vực đã mất. Chỉ trong tuần đầu tháng 4-1971, quân đoàn 2 ngụy đã huy động hết lực lượng của sư đoàn 22 và 23, lữ đoàn 2, liên đoàn 2 biệt động quân vào cuộc chiến. Từ ngày 2 đến 16-4, Trung đoàn 66, 28, 31 của ta và các lực lượng binh chủng kỹ thuật chủ lực Tây Nguyên đã liên tục chiến đấu, tiêu diệt 3 tiểu đoàn, đánh thiệt hại một số tiểu đoàn khác của địch, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên. Phối hợp với các đơn vị bộ binh đánh địch ở khu vực Ngọc Rinh Rua, các phân đội đặc công mặt trận đã táo bạo luồn sâu tập kích vào vùng sau lưng địch ở Trí Lễ, Đăk Tô, diệt 73 xe quân sự, 2 kho đạn...
Bị tổn thất nặng nề, địch buộc phải co lực lượng về giữ tuyến phòng thủ để tránh bị tiêu diệt. Cuối tháng 5-1971, cuộc hành quân "Quang Trung 4" của ngụy quân Sài Gòn ra ngã ba biên giới hoàn toàn bị đập tan. Lực lượng vũ trang Tây Nguyên đã lập công xuất sắc, khiến quân địch bị thiệt hại nặng, đồng thời giam chân một lực lượng lớn quân chủ lực cơ động của quân đoàn 2 ngụy, thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp chiến trường.
Theo Báo Quân đội nhân dân