Danh dự và lòng tự trọng
Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới nhấn mạnh tới tiêu chí 'danh dự, lòng tự trọng', đồng thời nêu rõ 'cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, cấp trên gương mẫu trước cấp dưới, cấp ủy gương mẫu trước đảng viên, đảng viên gương mẫu trước quần chúng'.
Quy định 144 của Bộ Chính trị ban hành vào thời điểm hết sức đặc biệt, khi mà công cuộc phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng thể hiện mạnh mẽ với thông điệp "loại bỏ tư tưởng bàn lùi", nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ cấp cao của Đảng, cán bộ là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định của Đảng, buộc phải thôi chức hoặc xử lý hành chính, hình sự. Quy định 144 ra đời khi mà trước đó đã có khá nhiều quy định liên quan nhiệm vụ, quyền hạn của người đảng viên đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương ban hành như: Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ...
Có ý kiến đặt vấn đề: Đảng ta đã ban hành nhiều quy định về phẩm chất, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, về trách nhiệm nêu gương, những điều đảng viên không được làm... Quy định không thiếu, vậy mà nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên cấp cao, giữ vị trí trọng trách trong bộ máy của Đảng, Nhà nước vẫn vi phạm, thậm chí vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu tới uy tín của Đảng, Nhà nước. Về nội dung, những quy định này không mới, đã được nêu rõ trong nhiều quy định trước, vậy ý nghĩa của việc ban hành quy định lần này là gì?
Điều nữa, chúng ta đã nhấn mạnh tầm quan trọng việc chấp hành Điều lệ Đảng, về trách nhiệm nêu gương, nhất là người giữ cương vị càng cao càng phải nêu gương trước cấp dưới, trước quần chúng, nêu gương trong công tác và nêu gương về lối sống. Vậy mà qua các vụ việc xử lý cán bộ, đảng viên vừa rồi cho thấy những trường hợp nói không đi đôi với làm, nói thì hay nhưng sau đó lại lộ ra những "mảng tối", vi phạm phẩm chất, đạo đức, tham ô, tham nhũng, lối sống suy thoái... Khi cán bộ lãnh đạo chỉ nói mà không làm, nói thì hay nhưng "chân mình thì lấm bê bê", vậy thì rao giảng đạo đức với người khác thế nào? Nhiều cán bộ không gương mẫu, không nêu gương, tham ô, nhận hối lộ, sống hưởng lạc, phú quý, bị xử lý, thế thì đưa ra những quy định mới liệu còn hiệu quả và còn đủ niềm tin để mà nêu gương, để mà học tập?
Những tâm tư, suy nghĩ trên là một thực tế trước những diễn biến trong thời gian qua. Tuy nhiên, nếu từ hiện trạng cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức như vậy rồi suy nghĩ tiêu cực, cho rằng các quy định ban hành không cần thiết hay "chỉ trên giấy" là cách nhìn lệch lạc, phiến diện, cần được chấn chỉnh. Không nên cho rằng, cán bộ cấp cao của Đảng cũng vi phạm thì "dân học ai" mà cần nhìn ở góc nhìn đa chiều, đầy đủ. Đó là việc thể hiện nhất quán "không có vùng cấm" trong xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm. Khi Đảng ta đã ban hành các quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương thì phạm vi áp dụng là toàn Đảng, không ngoại trừ một ai. Chúng ta phải thấy rằng, nếu cán bộ cấp cao vi phạm mà không bị xử lý, không bị áp dụng các chế tài tương ứng thì cách làm đó là "tắm từ cổ", sẽ không thuyết phục được đảng viên, công chúng. Còn vi phạm, không nêu gương, không làm tròn bổn phận người cán bộ, đảng viên thì dù có giữ cấp nào, vị trí nào cũng bị xử lý, đó là thể hiện cách làm nhất quán của Đảng, không tạo vùng cấm, không có ngoại lệ. Do đó, dù việc xử lý cán bộ cấp cao gây ra những nỗi niềm, tâm trạng, sự băn khoăn trong tâm lý xã hội song đó là việc xử lý cần thiết, vì lợi ích chung của Đảng.
Quy định 144 lần này thể hiện đầy đủ những chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Đó là những quy định thuộc phẩm chất, đạo đức cách mạng vốn đã được nêu rõ trong Điều lệ Đảng, trong các quy định của Đảng đã ban hành, nay được hệ thống lại một cách đầy đủ, toàn diện, đồng thời bổ sung những vấn đề mới. Trong đó, Điều 3 đề cập tới các tiêu chí trung thực, tự trọng, danh dự, phẩm giá: "Trong sạch, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, không gây phiền hà, sách nhiễu. Trung thực, thẳng thắn, khách quan, công tâm, tích cực đấu tranh tự phê bình và phê bình, không giấu khuyết điểm, không nói sai sự thật; thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh. Nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực. Không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi; bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng".
Căn cứ vào nội dung được quy định tại Điều 3 của Quy định số 144-QĐ/TW thì lòng tự trọng, phẩm giá của cán bộ, đảng viên được nêu cao là nhằm "để bảo vệ uy tín, danh dự của bản thân và tổ chức đảng". Và, một biểu hiện cụ thể của việc bảo vệ danh dự, lòng tự trọng của cá nhân người lãnh đạo và tập thể là "thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín".
Từ điển tiếng Việt của Giáo sư Hoàng Phê định nghĩa: "Tự trọng là coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình". Lòng tự trọng có được từ sự rèn luyện của con người trong cả một quá trình, thể hiện trách nhiệm cá nhân đối với công việc, gia đình và xã hội. Lòng tự trọng luôn song hành với tính trung thực - người biết tự trọng thì có tính trung thực, người trung thực thì có lòng tự trọng. Một công dân bình thường trong xã hội đều cần có lòng tự trọng. Cán bộ, đảng viên lại càng phải coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình; cán bộ giữ vị trí càng cao, trách nhiệm càng lớn càng phải thể hiện lòng tự trọng. Lòng tự trọng của cán bộ, đảng viên gắn liền với bản lĩnh chính trị và là một thành tố cấu thành đạo đức cách mạng.
Ngày 25/10/2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm. Trong số này có những điều cấm mà một đảng viên sẽ không phạm phải nếu có lòng tự trọng, đề cao phẩm giá, sự trung thực như: Tố cáo có nội dung mang tính bịa đặt, trả thù người khiếu nại, tố cáo (Điều 6); kê khai lý lịch, tài sản, thu nhập không trung thực, sử dụng văn bằng giả (Điều 9); vi phạm đạo đức công vụ, bao che, báo cáo sai sự thật (Điều 11)... Ngược lại, người thiếu lòng tự trọng, thiếu tính trung thực thì thường cơ hội, vụ lợi, không có ý thức phê bình và tự phê bình, trốn tránh trách nhiệm, tham lam, vun vén cho bản thân, làm những điều có lợi cho mình mà bất chấp lẽ phải, bất chấp dư luận...
Trong Quy định số 89-QĐ/TW, ngày 4/8/2017 về Khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, Bộ Chính trị đặt ra 5 yêu cầu. Một trong số đó là các cán bộ lãnh đạo, quản lý phải có phẩm chất đạo đức trong sáng; lối sống trung thực, liêm chính; kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bè phái, lợi ích nhóm; không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi. Quy định số 08-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương cũng nêu rõ, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải kiên quyết chống lại việc để vợ (chồng), bố, mẹ, con, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi; để vợ (chồng), con đẻ, con nuôi sống xa hoa, phô trương, lãng phí hoặc sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, Điều 11 quy định cán bộ, đảng viên không được can thiệp, tác động hoặc để vợ (chồng), con, bố, mẹ, anh, chị, em ruột mình, bên vợ (chồng) và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác của mình để trục lợi. Về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, Bộ Chính trị ra Quy định số 114-QĐ/TW, ngày 11/7/2023.
Theo đó, cán bộ, đảng viên không được lợi dụng chức vụ, quyền hạn, dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và người có quan hệ gia đình tác động, gây áp lực để người khác quyết định, chỉ đạo, đề xuất, bỏ phiếu bầu theo ý mình; để người có quan hệ gia đình, người có mối quan hệ thân quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của bản thân tác động vào các khâu trong công tác cán bộ. Và, tại Quy định 144 lần này, Bộ Chính trị yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nêu cao lòng tự trọng, danh dự; không để gia đình, người thân và người khác lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra yêu cầu: "Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc để làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện, tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày. Nâng cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời, thường xuyên "tự soi", "tự sửa" và nêu cao danh dự, lòng tự trọng của người đảng viên". Do đó, việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 144 trong thời điểm hiện nay là rất cấp thiết, có ý nghĩa quan trọng.
Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/danh-du-va-long-tu-trong-i733850/