Đánh giá 5 năm thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân

Ngày 14-12, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Liên minh châu Âu (EU) phối hợp tổ chức Hội thảo 'Lấy ý kiến đối với dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân'.

Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam (EU JULE) do Liên minh châu Âu tài trợ, với đóng góp tài chính từ UNDP và UNICEF.

Theo Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ, qua 5 năm triển khai thực hiện, bộ máy, cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân cơ bản được kiện toàn và hoạt động ổn định, thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ chuyên môn theo thẩm quyền.

 Phòng xử án của Tòa án nhân dân cấp cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN.

Phòng xử án của Tòa án nhân dân cấp cao TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: TTXVN.

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân là cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án nhân dân, đảm bảo tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Hệ thống tư pháp hiệu quả và độc lập đóng vai trò quan trọng trong việc tạo môi trường đầu tư thân thiện, khôi phục phong độ, cung cấp khả năng dự báo các quy định và thúc đẩy tăng trưởng bền vững hơn. Pháp quyền có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mỗi người dân. Đó là điều kiện tiên quyết về đối xử bình đẳng và bảo vệ quyền công dân. Để giúp Tòa án nhân dân tối cao có một báo cáo đánh giá đầy đủ, khách quan và toàn diện, chương trình EU JULE hỗ trợ nghiên cứu các quy định hiện hành của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và các văn bản quy định chi tiết và hướng thi hành: Đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định của Luật trong giai đoạn từ 2015 đến nay và đưa ra các khuyến nghị để việc triển khai thi hành Luật tiếp tục được thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, Phó đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Sitara Syed nhấn mạnh, các tiêu chuẩn và điều kiện quốc tế về tính độc lập của ngành tư pháp, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của Liên hợp quốc về tính độc lập của tòa án (được thông qua năm 1985) và Tuyên bố Bắc Kinh về tính độc lập tư pháp của Hiệp hội Luật châu Á-Thái Bình Dương năm 1997. Theo các nguyên tắc này, cơ quan tư pháp chỉ có thể độc lập khi tòa án hoạt động như một thể chế riêng và các thẩm phán cũng hoàn toàn độc lập. Các nguyên tắc này đưa ra các nội dung thiết yếu về tính độc lập tư pháp bao gồm: Độc lập về thể chế, trong xét xử và độc lập về tài chính của tòa án. Nếu thiếu các nội dung này, tòa án không thể thực hiện quyền tư pháp của mình một cách độc lập và công bằng.

BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/danh-gia-5-nam-thuc-hien-luat-to-chuc-toa-an-nhan-dan-646510