Đánh giá căn cơ việc thực hiện Luật Quy hoạch

Từ những vướng mắc trong thực hiện Luật Quy hoạch thời gian qua, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nhấn mạnh, Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi căn cơ pháp luật về quy hoạch ở cả ba cấp độ: về lý luận, phương pháp luận khoa học; về thực tiễn và về cơ sở pháp lý, để có những luận cứ đề xuất sửa đổi Luật khoa học, phù hợp với thực tiễn.

Từng biểu quyết thông qua Luật Quy hoạch năm 2017, tại phiên giám sát tối cao của Quốc hội sáng nay, 30.5, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) khẳng định, Báo cáo kết quả giám sát dài 71 trang đã đánh giá toàn diện, khách quan việc thực hiện Luật Quy hoạch, là tiền đề để xem xét lại nghiêm túc, căn cơ việc thực hiện Luật. Tuy nhiên, từ những vướng mắc vừa qua, đại biểu nhấn mạnh, Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi căn cơ pháp luật về quy hoạch ở cả ba cấp độ.

ĐB Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh, việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát về công tác quy hoạch “mang tính thời sự rất cao”. Đặt vấn đề tại sao công tác lập quy hoạch từ khi Luật Quy hoạch năm 2017 có hiệu lực thi hành còn chậm và còn nhiều vướng mắc, hay nói cách khác “tại sao công tác quy hoạch theo Luật Quy hoạch còn chậm và có nhiều vướng mắc?” - đại biểu tỉnh Đắk Lắk nêu rõ, nếu không trả lời được câu hỏi này thì mọi giải đáp đều không căn cơ, đều nửa vời, thậm chí phát sinh vướng mắc mới.

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Khẳng định đổi mới công tác lập quy hoạch và quản lý hoạch là đúng đắn, khách quan, cần thiết, không để tình trạng loạn quy hoạch, song ĐB Nguyễn Thị Xuân chỉ ra vấn đề “đổi mới công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch theo phương pháp luận khoa học nào, trên kinh nghiệm thực tiễn, cơ sở pháp lý nào?"

Đại biểu khẳng định, thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng, Quốc hội, Chính phủ các khóa trước đã dành nhiều thời gian, trí tuệ, và tâm huyết để nghiên cứu chiến lược quy hoạch, coi đây là công cụ quan trọng, chủ yếu để vạch ra tầm nhìn thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước của Đảng. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn và khó, nên Chính phủ Khóa XIII đã 3 lần dự kiến trình Quốc hội dự án Luật Quy hoạch nhưng các vấn đề chưa được luận giải thấu đáo nên chưa được trình ra. Chính phủ Khóa XIV khi xây dựng dự án Luật này cũng có nhiều ý kiến khác nhau, nhất là ý kiến của các nhà chuyên môn, hiệp hội nghề nghiệp, kể cả một số bộ ngành, địa phương và các cơ quan liên quan. Quốc hội Khóa XIV đã phải điều chỉnh lùi thời gian thông qua luật sau 3 kỳ họp.

“Hiếm có luật nào từ khi xây dựng đến khi thông qua lại có nhiều ý kiến khác nhau đến vậy". Nhấn mạnh điều này, ĐB Nguyễn Thị Xuân cũng nêu rõ, nguy cơ nhiều vấn đề trong Luật Quy hoạch chưa được luận giải thấu đáo đã được cảnh báo từ trước ngay từ khi thảo luận về dự án Luật Quy hoạch. Do vậy, Chính phủ phải tiếp tục nghiên cứu vấn đề này ở cả ba cấp độ: về lý luận, phương pháp luận khoa học,; về thực tiễn và về cơ sở pháp lý, để có những luận cứ đề xuất sửa đổi Luật khoa học, phù hợp với thực tiễn.

Dưới góc độ tiếp cận của mình, ĐB Nguyễn Thị Xuân đặt câu hỏi: Với tư cách là một công trình nghiên cứu khoa học, thì phạm vi, đối tượng nghiên cứu và nội dung, mục tiêu nghiên cứu của Luật Quy hoạch năm 2017 mang tính tích hợp là gì? Phương pháp luận nghiên cứu dựa trên cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu nào? Phương tiện nghiên cứu bằng gì? Kết quả và sản phẩm nghiên cứu sẽ thể hiện ra sao? Liệu có thể tích hợp các dữ liệu trong các đối tượng quy hoạch ở các hệ quy chiếu khác nhau vào một hệ quy chiếu đồng nhất không? Theo ĐB Nguyễn Thị Xuân, đây là vấn đề chưa được lý giải, định nghĩa rõ trong Luật Quy hoạch, trong khi đây là vấn đề các bộ ngành, địa phương đều vướng mắc khi thực hiện Luật.

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Quang Khánh

Các đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Quang Khánh

Qua phân tích, ĐB Nguyễn Thị Xuân nhận thấy, Luật Quy hoạch năm 2017 tích hợp giữa quy hoạch phi vật thể và vật thể, với hàng trăm loại quy hoạch khác nhau, với mỗi loại quy hoạch có nội dung, phương pháp, kết quả nghiên cứu và hình thức thể hiện, trình tự thực hiện, phân công quản lý, thời hiệu, hiệu lực khác nhau thành một loại quy hoạch tích hợp thực tế cho thấy không phù hợp với thực tiễn, thiếu tính khả thi.

Đại biểu tỉnh Đắk Lắk cũng đặt ra nhiều vấn đề: Việc thực hiện lập quy hoạch tích hợp được thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm nào trên thế giới và Việt Nam đã công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức về quy trình, quy phạm, loại loại quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch chưa? Liệu Chính phủ có nên xây dựng và công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật áp dụng cho quy hoạch theo Luật Quy hoạch hay không? Nguồn nhân lực nào để lập các loại quy hoạch này? Đã có trường nào đào tạo chuyên môn về quy hoạch tích hợp này chưa? Ai và ở ngành quy hoạch nào được coi là kiến trúc sư chủ trì đồ án quy hoạch tích hợp này?

Đại biểu nhấn mạnh “đây là vấn đề lớn, về mặt khoa học chưa có giải trình tường minh”, Chính phủ cần có có lời giải tường minh cụ thể. Đồng thời, kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và tiến tới sửa đổi Luật Quy hoạch và các luật có liên quan càng sớm càng tốt để công tác quy hoạch được triển khai tốt nhất.

Thanh Hải

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/danh-gia-can-co-viec-thuc-hien-luat-quy-hoach-i290752/