Đánh giá công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi

Sáng 19/7, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh tổ chức cuộc họp nghe các đoàn kiểm tra báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi của các địa phương.

Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh chủ trì cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp.

Tính đến ngày 18/7 bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 1.849 hộ thuộc 299 thôn, tổ ở 82/164 xã, phường của 9/9 huyện, thành phố, làm 12.103 con lợn ốm chết và cùng đàn phải tiêu hủy (ước tính khoảng 2,5% tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh); trọng lượng tiêu hủy 531.606 kg.

Đến nay có 16 xã, phường qua 30 ngày không phát sinh dịch, trong đó có 14 xã, phường công bố hết dịch. 4 huyện, thành phố thực hiện hỗ trợ kinh phí cho 158 hộ có lợn bị mắc bệnh phải tiêu hủy với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng; 4 huyện, thành phố hỗ trợ kinh phí cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch với tổng số tiền trên 783 triệu đồng.

Ngay từ khi phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, hướng dẫn xử lý ổ dịch tại các địa phương. Tuy nhiên, việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại một số nơi còn nhiều khó khăn, bất cập như: Công tác chủ động giám sát phát hiện, báo cáo dịch bệnh và việc tổ chức tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết chưa kịp thời, triệt để; một số nơi địa hình phức tạp, việc tiêu hủy (chôn, lấp) của một số xã gặp khó khăn; chính quyền cơ sở một số nơi chưa chủ động xác định vị trí chôn lấp tiêu hủy, trong quá trình tiêu hủy còn lúng túng.

Đại biểu phát biểu tại cuộc họp.

Đại biểu phát biểu tại cuộc họp.

Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ cho lực lượng tham gia chống dịch, tiêu hủy lợn, hỗ trợ cho người chăn nuôi bị dịch phải tiêu hủy còn chậm; mức hỗ trợ cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch còn thấp, khó khăn cho việc huy động lực lượng, nhất là lực lượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh chưa được chú trọng; công tác quản lý vận chuyển, quản lý giết mổ và tiêu thụ thịt lợn còn hạn chế…

Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành và các địa phương đã thảo luận, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế và đề xuất nhiều giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan; bàn phương án hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị bệnh, buộc phải tiêu hủy, trong đó chỉ hỗ trợ kinh phí cho các hộ, trang trại, cơ sở chăn nuôi tuân thủ và thực hiện tốt biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đề nghị tỉnh bổ sung kinh phí cho các huyện phòng, chống dịch bệnh và tháo gỡ khó khăn trong việc xây dựng các điểm giết mổ gia súc nhỏ lẻ tại các địa phương.

Kêt luận cuộc họp, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong thời gian tới, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh, lây lan trên địa bàn cao và có nguy cơ xâm nhiễm vào các cơ sở, trang trại chăn nuôi quy mô lớn, tập trung. Vì vậy, các sở, ngành, địa phương và hộ chăn nuôi cần tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, rắc vôi bột khử trùng chuồng trại.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường kết luận cuộc họp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường kết luận cuộc họp.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, đoàn thể và các địa phương cần tiếp tục thông tin, tuyên truyền đến từng khu dân cư, động viên toàn dân tích cực tham gia vào công tác phòng, chống dịch và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các địa phương cần sớm hoàn thiện hồ sơ và hỗ trợ kinh phí cho hộ chăn nuôi bị thiệt hại và công tác phòng, chống dịch; có phương án hỗ trợ để các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh chuyển đổi phương thức sản xuất, phát triển kinh tế đạt hiệu quả.

Kim Thoa

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/danh-gia-cong-tac-phong-chong-dich-ta-lon-chau-phi-z3n20190719151025625.htm