Đánh giá cuộc tranh luận Trump - Harris: Ai nhỉnh hơn?
Cuộc tranh luận đầu tiên giữa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris đã trở thành tâm điểm của chiến dịch tranh cử năm 2024. Hai ứng cử viên đã có cuộc tranh luận 'nảy lửa' và thu hút sự chú ý của cử tri trên kênh ABC News, đề cập đến một loạt vấn đề liên quan tới đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại.
Phó Tổng thống Harris có màn tranh luận tốt hơn
Hãng tin CNN trích dẫn một số kết quả khảo sát cho thấy, bà Kamala Harris dường như có màn tranh luận thuyết phục hơn, khi thể hiện sự chủ động, năng lượng mạnh mẽ, cũng như truyền tải một thông điệp rõ ràng và mạch lạc. Trong khi đó, ông Donald Trump gặp khó khăn trong việc nắm bắt cơ hội phản công, đôi khi mất sự bình tĩnh và bộc lộ một số điểm yếu cá nhân.
Theo các nhà quan sát, cuộc tranh luận đã phần nào bộc lộ những thách thức đối với ông Trump và đội ngũ tranh cử khi điều chỉnh chiến thuật tranh cử từ đối phó với Tổng thống đương nhiệm Joe Biden sang một đối thủ hoàn toàn mới, trẻ hơn, năng động hơn.
Cuộc tranh luận kéo dài hơn 90 phút, trong đó hai ứng cử viên đã trả lời các câu hỏi khá hóc búa của hai người điều phối chương trình. Các chủ đề tranh luận bao gồm những vấn đề mà người dân Mỹ quan tâm. Trái ngược với phiên tranh luận hồi tháng 6, người thể hiện được phong thái đĩnh đạc, ổn định, tự tin không phải là ứng cử viên của đảng Cộng hòa - cựu Tổng thống Trump mà lại là phó Tổng thống Kamala Harris.
“Chúng ta hãy nói về những gì ông Donald Trump để lại cho chúng ta. Ông Trump để lại cho nước Mỹ tình trạng thất nghiệp tồi tệ nhất kể từ cuộc đại suy thoái. Ông Trump để lại cho chúng ta đại dịch sức khỏe cộng đồng tồi tệ nhất trong một thế kỷ. Ông Trump để lại cho chúng ta cuộc tấn công tồi tệ nhất vào nền dân chủ Mỹ kể từ cuộc nội chiến”.
Bà Kamala Harris, Ứng cử viên Tổng thống đảng Dân chủ Mỹ
Thay vì giữ thế chủ động tấn công, ông Trump liên tiếp rơi vào bẫy của bà Harris. Không những không khai thác được các thế mạnh của mình trong chính sách về nhập cư, kinh tế, ông Trump lại bị cuốn vào những vấn đề không mấy liên quan. Theo các nhà phân tích, màn tranh luận của ông Trump không có gì mới và dường như ông Trump đã không có sự chuẩn bị tốt cho cuộc tranh luận.
“Ông Trump đã dành nhiều thời gian để chỉ trích Tổng thống Joe Biden, điều mà mọi người đều khuyên ông ấy không nên làm. Hãy dừng các cuộc công kích, tập trung vào vấn đề kinh tế. Nhưng bạn biết đấy, ông ấy đã không hoàn toàn tuân thủ kế hoạch. Ông ấy đã không thể cho những cử tri thuộc tầng lớp lao động thấy rằng ông ấy sẽ hành động vì lợi ích của họ như thế nào”.
Giáo sư Norma Mendoza-Denton, Đại học CaliforniatTại Los Angeles, Mỹ
Trong khi đó, bà Harris đã có một khởi đầu khá thuận lợi với cuộc tranh luận lần này. Phần trả lời của bà Harris khá trôi chảy, phong thái điềm tĩnh. Bà Harris đã nêu được chi tiết kế hoạch và giải pháp cho một số câu hỏi khó. Bà Harris và đội ngũ tranh cử cho thấy họ đã nghiên cứu khá kỹ cách tranh luận của đối thủ, để từ đó tạo ra sự tương phản giữa chính sách, tính cách của hai bên. Chiến thuật của bà Harris chính là để ông Trump tự bộc lộ điểm yếu, đó là không kiềm chế được sự bình tĩnh và không tập trung cho các vấn đề cần tranh luận.
“Ngay từ cái bắt tay cho đến cách bà ấy bước đến, bà ấy tựa như làm chủ cả khán phòng. Bà ấy đã khiến ông Donald Trump liên tục trong thế bị động. Tôi chắc chắn rằng điều đó sẽ làm thay đổi kết quả thăm dò ý kiến.”
Ông Gavin Newsom, Thống đốc bang California
Trong phần phát biểu kết thúc, bà Kamala Harris thể hiện sự tương phản với đối thủ bằng cam kết sẽ đưa nước Mỹ tới tương lai thay vì chỉ tập trung vào quá khứ như ông Trump. Bà cũng khẳng định sẽ duy trì vị thế của nước Mỹ trên thế giới, bảo vệ các quyền cơ bản của người dân và tập trung xây dựng lại đất nước cho 10-20 năm tới.
Trong khi đó, ông Trump tiếp tục với thông điệp chỉ trích đối thủ đã không làm được gì trong vòng 3 năm rưỡi qua, cũng như những gì chính quyền hiện tại đã làm để nước Mỹ rơi vào tình trạng như hiện nay.
Theo kết quả thăm dò của hãng tin CNN từ những cử tri đã đăng ký theo dõi cuộc tranh luận, khoảng 63% ý kiến cử tri cho rằng bà Harris đã có màn thể hiện tốt hơn so với đối thủ Donald Trump.
“Trong cuộc tranh luận, một số vấn đề chính của ông Trump bị lu mờ. Ông ấy nói quá nhiều và nói những điều kỳ lạ. Việc giữ đúng trọng tâm chủ đề tranh luận là rất khó. Đó là lý do tại sao tôi cảm thấy bà Kamala Harris đã làm rất tốt. Bà ấy giữ bình tĩnh”.
Bà Lisa Wyatte, Người dân Philadelphia
Theo thống kê của New York Times, thời gian phát biểu của bà Harris là 37 phút 41 giây, ít hơn so với 43 phút 03 giây của ông Trump, tuy nhiên thời gian công kích đối thủ của Phó Tổng thống đương nhiệm là 17 phút 25 giây, trong khi của cựu Tổng thống chỉ là 12 phút 54 giây. Những con số này có sự khác biệt đáng kể so với cuộc tranh luận do hãng tin CNN tổ chức hồi tháng 6. Khi đó Tổng thống đương nhiệm Joe Biden ít hơn đối thủ cả về thời gian phát biểu cũng như công kích đối thủ.
Về phía cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa đã bảo vệ màn tranh luận ngay sau khi ông rời sân khấu. Ông Trump cho rằng, đây là cuộc tranh luận “ba đấu một”, nhưng ông đã cuộc tranh luận hay nhất. Ở chiều ngược lại, chiến dịch của bà Harris đã thách thức ông Trump tham gia cuộc tranh luận thứ hai.
Thách thức phía trước với hai ứng cử viên
Màn tranh luận của Phó Tổng thống Kamala Harris nhận được đánh giá cao, tuy nhiên điều này không có nghĩa bà sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới. Chiến thắng trong tranh luận chỉ là một phần nhỏ trong tổng thể chiến dịch tranh cử. Trong quá khứ, những ứng cử viên như cựu tổng thống Donald Trump năm 2016 hay cựu Tổng thống George Bush năm 2004 đã từng bị “lấn át” trong các cuộc tranh luận nhưng vẫn chiến thắng trong bầu cử. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, cuộc bầu cử năm nay sẽ rất kịch tính, khi cả hai ứng cử đều “ngang tài cân sức”.
Theo các nhà phân tích, cựu Tổng thống Donald Trump đã mắc phải sai lầm khi không tận dụng những điểm yếu trong lập luận của bà Harris để làm chủ cuộc tranh luận. Ông cũng không đưa ra được một chiến lược rõ ràng cho nhiệm kỳ sắp tới, điều mà các cử tri đang mong đợi.
Tuy nhiên, ông Trump vẫn có lợi thế trên hai mặt trận quan trọng là kinh tế và nhập cư. Các cử tri chủ chốt tại các bang dao động vẫn đang chịu ảnh hưởng của những vấn đề kinh tế sau đại dịch và những thông điệp mạnh mẽ về nhập cư của cựu Tổng thống Trump đã chứng minh được sức mạnh trong các cuộc bầu cử trước. Mặc dù bà Harris đã tạo được ấn tượng mạnh trong cuộc tranh luận, song bà chưa thể đe dọa đến những lợi thế cốt lõi này của ông Trump.
Ông Ron Bonjean, chiến lược gia của đảng Cộng hòa, nhận định mặc dù bà Harris đã có thể khiến cựu Tổng thống Trump có phần lúng túng, nhưng vẫn chưa rõ liệu nữ ứng cử viên đảng Dân chủ có thuyết phục được cử tri đưa ra quyết định cuối cùng sau cuộc tranh luận này hay không.
“Mọi người đều dồn sự chú ý vào những cử tri chưa quyết định. Họ cảm thấy thế nào sau cuộc tranh luận. Rất nhiều người trong số họ nói rằng họ vẫn muốn nghe thêm nhiều thông tin chi tiết, đặc biệt là từ bà Kamala Harris”.
Bà Lori Cox Han, Giáo sư khoa học chính trị, Đại học Chapman
Trong khi đó, tờ Boston Globe (Mỹ) đánh giá, mặc dù Phó Tổng thống Harris đã nhiều lần khẳng định mình có sự khác biệt với đương kim Tổng thống Biden, nhưng bà chưa thể đưa ra những luận điểm cụ thể để làm rõ sự khác biệt đó.
Theo tờ báo này, qua cuộc tranh luận, nữ chính trị gia 59 tuổi đã thể hiện mình là đối thủ “ngang tài, ngang sức” với ông Trump chứ không phải là vượt trội rõ rệt. Còn đối với ông Trump, tờ Boston Globe nhìn nhận, màn tranh luận của ứng cử viên đảng Cộng hòa không tồi nhưng cũng không thể coi là tốt. Do đó, dù phần lớn những người theo dõi cuộc tranh luận cho rằng bà Harris thể hiện tốt hơn, nhưng điều này không ảnh hưởng nhiều đến quyết định bầu cử của họ. Những người ủng hộ ông Trump vẫn kiên định với quan điểm của mình.
Mức độ ảnh hưởng của cuộc tranh luận này ra sao vẫn còn là dấu hỏi, vì thực tế bản thân nhiều cử tri dù chưa đi bỏ phiếu song đã có được sự lựa chọn cho riêng mình. Lịch sử đã chứng minh không phải người chiếm ưu thế trong cuộc tranh luận đều chắc vé vào Nhà Trắng. Năm 2016, cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từng được đánh giá là giành chiến thắng cả 3 vòng đối đầu với ông Trump, nhưng cuối cùng lại thất cử.
Một số chuyên gia dự đoán sẽ không có nhiều sự thay đổi trong lá phiếu cử tri sau cuộc tranh luận, nhưng việc giành ưu thế trong sự kiện này sẽ phần nào tạo bước chạy đà thuận lợi trong chặng đua nước rút khi chỉ còn 2 tháng nữa là tới ngày tổng tuyển cử.
"Từ những gì chúng ta biết về cuộc tranh luận vừa qua và những gì tôi biết từ lịch sử chính trị, tôi đoán rằng cuộc tranh luận này sẽ không có tác động lớn đến kết quả. Tuy nhiên, đây là một cuộc bầu cử có độ bám đuổi rất sít sao, ngay cả một tác động nhỏ cũng có thể trở nên vô cùng quan trọng, đặc biệt là các tiểu bang chiến trường.”
Ông David Barrett, Giáo sư khoa học chính trị, Đại học Chapman
Liệu Taylor Swift có tạo lợi thế cho bà Kamala Harris?
Ngay sau cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, ca sỹ Taylor Swift - một trong những biểu tượng văn hóa đại chúng nổi tiếng nhất nước Mỹ và sở hữu hàng tỉ người hâm mộ trên toàn thế giới - đã lên tiếng ủng hộ Phó tổng thống Kamala Harris trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đánh dấu một diễn biến gây bất ngờ trong cuộc bầu cử năm nay.
Câu hỏi của toàn bộ cử tri Mỹ và những người dõi theo cuộc bầu cử trên toàn thế giới lúc này là liệu cục diện bầu cử có xoay chuyển. Theo các nhà phân tích, tuy mức độ ảnh hưởng thực tế chưa thể tính toán, nhưng những con số thống kê trước mắt báo hiệu một làn sóng mới nhiều khả năng sẽ đem lại lợi thế cho bà Kamala Harris.
Trên tài khoản Instagram 283 triệu người theo dõi, siêu sao nhạc pop Taylor Swift đã đăng tải bức tâm thư bày tỏ ủng hộ ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ - bà Kamala Harris, khiến cho mạng xã hội bùng nổ.
“Tôi sẽ bỏ phiếu cho bà Kamala Harris, vì bà ấy đấu tranh cho những quyền lợi của người dân mà tôi tin cần có một chiến binh đứng ra bảo vệ. Tôi nghĩ bà ấy là nhà lãnh đạo tài ba và vững vàng.”
Ca sỹ Taylor Swift
Trước đó vào năm 2023, Taylor Swift cũng từng đăng trạng thái khuyến khích người hâm mộ của mình tham gia bỏ phiếu, khiến cho lượng truy cập trang web này tăng đột biến với 35.000 người dùng mới. Hãng thông tấn Associated Press nhận định việc Taylor Swift ủng hộ Đảng Dân chủ không khó đoán vì trong kỳ bầu cử năm 2020, cô cũng từng lên tiếng ủng hộ Tổng thống Joe Biden và phản đối những chính sách của cựu Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, dòng trạng thái của cô lại đăng ngay sau cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai ứng cử viên tổng thống, khiến cho lượng người hâm mộ khổng lồ của cô hướng sự chú ý về bà Harris, người vốn đang có chiến lược nhắm vào những “lá phiếu” của cử tri trẻ tuổi.
Trong bối cảnh chính trị và truyền thông Mỹ ngày càng chia rẽ, mọi động thái từ nữ ca sĩ đều có thể tác động mạnh mẽ đến lá phiếu. Khảo sát cho thấy khoảng 70% người Mỹ giành sự yêu mến cho Taylor Swift, tỷ lệ mà bất kỳ tổng thống Mỹ nào cũng muốn đạt được.
Theo các chuyên gia, dù cuộc tranh luận không thể thay đổi ngay hướng đi của cuộc bầu cử, nhưng sự kiện này ít nhất cũng đã cung cấp những cái nhìn quan trọng về quan điểm và chiến lược của hai ứng cử viên. Tuy nhiên, với đặc trưng của các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là khó đoán định, tiềm ẩn những ẩn số bất ngờ và khó lường, bất luận kết quả của cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống ra sao hay thế trận đang nghiêng về bên nào, thì đáp án cuối cùng sẽ chỉ có vào ngày Bầu cử 5/11 tới.