Đánh giá đầy đủ tác động thủy điện đối với an sinh, xã hội

Sáng 30-10, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo về kết quả rà soát qui hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện trong thời gian qua.

Ở nước ta, thủy điện (TĐ) đóng vai trò rất quan trọng đối với bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH). Năm 2012, TĐ đóng góp cho hệ thống điện hơn 48% công suất phát điện và gần 44% điện lượng và tham gia chống lũ, chống hạn, cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trước yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước cần loại bỏ những dự án, vị trí tiềm năng thủy điện không bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, mất an toàn cho cộng đồng dân cư, hiệu quả đầu tư thấp, tác động tiêu cực đến KT-XH.

Theo báo cáo của Chính phủ, sau nhiều lần rà soát, tính đến tháng 9-2013, Chính phủ đã loại khỏi quy hoạch 6 dự án thủy điện (DATĐ) bậc thang (395 MW) và 418 DATĐ nhỏ (1.174,49 MW) do tác động tiêu cực lớn đối với MT-XH, hiệu quả thấp. Đồng thời, không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện (375,65 MW). Chính phủ đã tạm dừng đối với 4 DATĐ bậc thang (208 MW) và 132 DATĐ nhỏ (915,7 MW). Các dự án cần tiếp tục rà soát đánh giá: gồm 149 DATĐ nhỏ (1.344,8 MW) và 9 DATĐ bậc thang (551 MW).

Cần đánh giá kỹ tác động của các dự án thủy điện đối với an sinh xã hội và môi trường.

Như vậy, cả nước hiện còn lại 815 DATĐ có tổng Nlm = 24.324,3 MW. Trong đó, đã vận hành phát điện 268 dự án (14.240,5 MW); đang thi công xây dựng 205 dự án (6.198,8 MW), dự kiến đưa vào vận hành khai thác từ nay đến năm 2017.

Thẩm tra quy hoạch trên, Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương có liên quan. Trên cơ sở quy hoạch TĐ được lập và phê duyệt, việc thu hút các nguồn vốn khác nhau để thực hiện quy hoạch là cần thiết nhưng phải đi đôi việc quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp. Bởi vì, đầu tư phát triển TĐ tác động đến kinh tế, môi trường, xã hội, an toàn tính mạng, tài sản của người dân, an ninh quốc gia... Nhiều ý kiến đề nghị phải làm rõ trách nhiệm các chủ thể có liên quan khi các DATĐ đã được thẩm định, phê duyệt đưa vào quy hoạch theo đúng quy định nay bị loại bỏ, gây tốn kém, lãng phí.

Về công tác quản lý chất lượng, an toàn công trình TĐ, Báo cáo Chính phủ khẳng định: 90% số đập đã được kiểm định, 70% số đập đã được cắm mốc giới, 60% số đập đã có phương án bảo vệ, 80% công trình TĐ đã có phương án PCLB. Tuy nhiên, Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, có giai đoạn việc quản lý chất lượng công trình xây dựng hầu như được giao hoàn toàn cho chủ đầu tư thực hiện và tự chịu trách nhiệm, thiếu sự kiểm soát của cơ quan quản lý nhà nước.

Tại một số dự án, công trình TĐ, chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Xin đơn cử TĐ Đăk Rông 3 (Quảng Trị) bị vỡ tường chắn bê tông; TĐ Đăm Bol - Đạ Tẻl (Lâm Đồng) vỡ đường ống áp lực; TĐ Đăk Mêk 3 (Kon Tum) đổ tường phía thượng lưu đập khi đang thi công; TĐ Ia Krêl 2 (Gia Lai) vỡ đập khi bắt đầu tích nước; TĐ Sông Tranh 2 (Quảng Nam) có hiện tượng thấm nước qua thân đập vượt quá mức quy định…, gây hoang mang, lo lắng, hư hại tài sản của người dân trong khu vực…Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được làm rõ.

Công tác quản lý an toàn tại các công trình TĐ nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đối với các công trình TĐ nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án PCLB. Từ tháng 10/2010 đến tháng 9/2013, có 6 sự cố, hư hỏng xảy ra tại 6 dự án TĐ vừa và nhỏ khu vực miền Trung, Tây Nguyên, gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư và hiệu quả hoạt động của công trình.

Tình hình trên cho thấy nhiệm vụ bảo đảm yêu cầu chất lượng, an toàn đối với công trình TĐ, đặc biệt là TĐ vừa và nhỏ phải được đặt lên hàng đầu. Ủy ban KHCN&MT đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới đầu tư xây dựng, vận hành đập và hồ chứa TĐ, cụ thể là các quy định về kiểm định, bảo đảm an toàn, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, cần tiếp tục đầu tư nguồn lực cho xây dựng, vận hành hệ thống quan trắc, giám sát, điều tra, khảo sát điều kiện tự nhiên; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản phòng chống lũ lụt vùng hạ du, ứng phó sự cố xả lũ khẩn cấp, tình huống vỡ đập.

Công tác trồng rừng thay thế tại các DATĐ gặp nhiều khó khăn, kết quả rất hạn chế. Theo số liệu của Bộ NN&PTNT giai đoạn 2006-2012, cả nước có 160 dự án thuộc 29 tỉnh, thành phố thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng TĐ với diện tích 19.792 ha. Cho đến nay, diện tích rừng trồng thay thế được 735 ha, đạt 3,7% tổng diện tích theo yêu cầu. Nhiều địa phương không có quỹ đất quy hoạch hoặc đất không phù hợp để trồng rừng thay thế. Trách nhiệm và nghĩa vụ của địa phương và chủ đầu tư DATĐ trong việc bố trí quỹ đất, phương thức thực hiện, bố trí chi phí trồng rừng thay thế trong tổng mức đầu tư… chưa xác định rõ. Thậm chí, tại một số dự án TĐ, có đối tượng đã lợi dụng quyết định mở công trường cho khai quang rừng với quy mô lớn hơn so với yêu cầu; lợi dụng hạ tầng công trình TĐ để khai thác khoáng sản trái phép.

Từ năm 2011 đến tháng 9/2013, thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng, nhiều nhà máy TĐ đã chi trả phí cho các địa phương thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được 2.312 tỷ đồng, góp phần nâng mức khoán bảo vệ rừng, xóa đói, giảm nghèo… Trên thực tế, nhiều nhà máy TĐ hiện chưa nộp phí DVMTR (tổng số nợ đọng phí DVMTR khoảng 300 tỷ đồng tính từ năm 2010 đến năm 2013) với lý do khó khăn về tài chính, trong khi đó các văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có liên quan chưa quy định cụ thể chế tài xử lý vấn đề này.

Về công tác quản lý, vận hành hồ chứa công trình thủy điện, theo Ủy ban KH,CN&MT ngoài các hồ chứa TĐ lớn, đa mục tiêu đã thực hiện đúng quy trình vận hành, góp phần quan trọng trong việc chống hạn và cắt giảm lũ cho hạ du, nhưng có không ít công trình TĐ khác trong quá trình vận hành, chủ đầu tư chỉ quan tâm chủ yếu đến sản xuất điện, chưa thực sự chú trọng đúng mức đến điều tiết, cấp nước sản xuất, sinh hoạt, đặc biệt trong mùa kiệt.

Do chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy trình vận hành đơn hồ, liên hồ chứa nên đã ảnh hưởng đến nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt. Thậm chí, đã xảy ra trường hợp cạn kiệt nguồn nước, thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt, dẫn đến tranh chấp, gây bức xúc cho cộng đồng dân cư. Việc không thông báo xả nước tại phần lớn các TĐ nhỏ; chưa đánh giá được hết tác động trong các trường hợp xả lũ khẩn cấp, vỡ đập để xây dựng các phương án ứng phó dẫn đến tình huống bị động, gây thiệt hại, ảnh hưởng đáng kể đối với vùng hạ du, đặc biệt khi có mưa bão, lũ.

Chính phủ khẳng định các bộ, ngành, các địa phương quan tâm, chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân, tái định cư tại các DATĐ. Tại phần lớn các điểm, khu tái định cư, kết cấu hạ tầng thiết yếu đã và đang được tập trung hoàn thành, tương đối đồng bộ tốt hơn nơi ở cũ; đời sống sản xuất, sinh hoạt người dân ở khu vực tái định cư từng bước ổn định. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng công tác di dân, tái định cư của các dự án, công trình TĐ chưa được đánh giá đầy đủ, toàn diện (mới đánh giá 23 công trình TĐ có trên 100 hộ phải di dời, tổng số hộ di dời là 62.784 hộ (283.484 người), đạt 90,81%). Trên thực tế, khoảng 70% hợp phần di dân, tái định cư do các chủ đầu tư dự án TĐ thực hiện, còn lại gần 30% do UBND cấp tỉnh làm chủ đầu tư. Do đó, việc phối hợp, quản lý, theo dõi, thống kê gặp không ít khó khăn và chưa phản ánh sát thực tế.

Chủ nhiệm Ủy ban KH, CN &MT, Phan Xuân Dũng thẩm tra báo cáo của Chính phủ về qui hoạch, rà soát các dự án thủy điện.

Tiến độ thu hồi, giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản; việc triển khai phương án sản xuất, phương án chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ tái định cư; công tác triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng còn chậm so với yêu cầu, chưa phù hợp với phong tục, tập quán người dân tái định cư gây khó khăn trong việc phát triển sản xuất và ổn định đời sống. Công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho một số hộ dân tái định cư chưa được triển khai sâu rộng. Tại một số DATĐ, đất sản xuất tại điểm, khu tái định cư chưa bảo đảm chất lượng, thiếu nước, ảnh hưởng xấu đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân; có hiện tượng người dân sau khi tái định cư quay về nơi ở cũ. Hệ lụy về mất bản sắc văn hóa, gia tăng tệ nạn xã hội tại các dự án, công trình TĐ là vấn đề cần được quan tâm.

Trước những bất cập trên, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT, Phan Xuân Dũng kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết của Quốc hội về quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện và đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, có lộ trình cụ thể ban hành một số cơ chế, giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc đối với từng dự án, công trình TĐ cụ thể thay vì ban hành chính sách chung, áp dụng rộng rãi.

H.L

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/danh-gia-day-du-tac-dong-thuy-dien-doi-voi-an-sinh-xa-hoi/