Đánh giá Dự án 'Xây dựng vùng nguyên liệu và chính sách phát triển cây bồ đề sản xuất cánh kiến trắng'

Ngày 16/7, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn tổ chức hội nghị đánh giá 1 năm thực hiện dự án 'Xây dựng vùng nguyên liệu và chính sách phát triển cây bồ đề sản xuất cánh kiến trắng huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai'.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh; các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp của huyện, đối tác dự án và 10 xã trong vùng dự án.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Sau khi dự án được phê duyệt, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn đã hợp đồng thuê Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Văn Bàn (đơn vị tư vấn) thực hiện điều tra hiện trạng cây bồ đề trên địa bàn (thực hiện từ tháng 6-10/2019). Đơn vị tư vấn đã rà soát 11/22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện ghi nhận có cây bồ đề phân bố với tổng diện tích là 479,4 ha, với 522 lô, 364 hộ gia đình và 4 tổ chức tham gia trồng cây bồ đề. Trên cơ sở kết quả điều tra, đơn vị tư vấn đã xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa bản đồ hiện trạng cây bồ đề trên địa bàn huyện phục vụ cho việc theo dõi, quản lý sản xuất của doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước.

Căn cứ vào các chính sách của Trung ương, của tỉnh liên quan đến phát triển lâm nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Hạt Kiểm lâm huyện tham mưu xây dựng chính sách áp dụng đối với phát triển cây bồ đề và xin ý kiến các cơ quan liên quan, trình UBND huyện phê duyệt.

Hạt Kiểm lâm huyện đã rà soát, xây dựng hồ sơ thiết kế 2 mô hình cải tạo và trồng mới, chăm sóc, bảo vệ rừng trồng bồ đề từ lấy gỗ sang lấy nhựa cánh kiến trắng quy mô 10 ha/10 hộ gia đình tại các xã: Nậm Tha, Liêm Phú, Tân An, Tân Thượng, Võ Lao và được Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt. Trên cơ sở kết quả thực hiện mô hình trên địa bàn, Hạt Kiểm lâm đã phối hợp với các hộ tham gia dự án, UBND các xã xây dựng và tài liệu hóa các kỹ thuật cải tạo, trồng và khai thác nhựa, khuyến cáo thực hiện; các quy trình đã tổ chức tham vấn lấy ý kiến, được chuyên gia thẩm định, đánh giá cao và được xuất bản với hơn 2.000 cuốn sổ tay kỹ thuật, tờ rơi làm cẩm nang để nhân rộng mô hình thực hiện sang các địa phương khác.

Chọn lọc nhựa cánh kiến sau khai thác.

Chọn lọc nhựa cánh kiến sau khai thác.

Ngoài ra, Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn đã tổ chức tập huấn, đi học tập, tham quan cải tạo rừng trồng bồ đề từ lấy gỗ sang lấy nhựa; kỹ thuật trồng chăm sóc, bảo vệ rừng bồ đề lấy nhựa trên địa bàn với tổng số 300 người tham gia; đồng thời xây dựng nội dung thông tin tuyên truyền về hoạt động của dự án trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Sau 1 năm thực hiện, dự án đã làm thay đổi nhận thức của người dân về sản xuất lâm nghiệp bền vững; đồng thời phát huy vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế.

Trên cơ sở kết quả đạt được, huyện Văn Bàn đề nghị cơ quan chuyên môn của tỉnh kết nối với các cơ quan nghiên cứu khoa học hỗ trợ nghiên cứu, đánh giá, cải tiến các quy trình sản xuất cánh kiến trắng phù hợp, hiệu quả đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường, giảm chi phí và có hiệu quả cao để ứng dụng vào sản xuất.

UBND các xã phối hợp với đơn vị thực hiện dự án đảm bảo trồng mới 502,6 ha bồ đề, cải tạo 431,2 ha (rừng trồng 2016 -2019); duy trì và khai thác nhựa 48,2 ha bồ đề (rừng trồng trước năm 2016).

Dự án GREAT và Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Đức Phú hỗ trợ thông tin thị trường, các tiêu chuẩn về sản phẩm benzoic, ogranic đối với nhựa bồ đề cánh kiến trắng để người sản xuất có sản phẩm tốt, đáp ứng được thị trường quốc tế.

Minh Hà

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/kinh-te/danh-gia-du-an-xay-dung-vung-nguyen-lieu-va-chinh-sach-phat-trien-cay-bo-de-san-xuat-canh-kien-trang-z3n20200716150219302.htm