Đánh giá đúng để hoạch định chính xác
Góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, một số cán bộ, chuyên gia cơ bản nhất trí với những kết quả đã đạt được trong giai đoạn vừa qua, đồng thời góp ý thêm một số vấn đề. Trong đó có nhấn mạnh việc phải đánh giá đúng kết quả phát triển 10 năm qua mới có thể hoạch định chính xác đường hướng cho 10 năm tới.
Tiến sĩ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:
Để Việt Nam thực sự là cường quốc về biển
Đúng như dự thảo đã nêu, giai đoạn 2011-2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn, nhưng kinh tế - xã hội nước ta đã đạt nhiều thành tựu, nổi bật là tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá cao.
Tuy nhiên, sự phát triển đó vẫn hạn chế so với nguồn lực, chi phí, tiềm năng và yêu cầu đặt ra. Cụ thể, các tập đoàn lớn chưa phát huy tốt vai trò chủ đạo của nền kinh tế; khu vực kinh tế tư nhân phát triển dưới tiềm năng; vốn trong dân còn nhiều nhưng đầu tư ra xã hội còn hạn chế. Thu hút đầu tư nước ngoài tuy đã nâng cao về số lượng, quy mô, cơ cấu song hiệu quả đóng góp cho ngân sách, bảo vệ môi trường, chuyển giao và liên kết với khu vực trong nước chưa như mong đợi. Đặc biệt, sức mạnh tiềm tàng của kinh tế Việt Nam là kinh tế biển và kinh tế rừng vẫn chưa có chiến lược để khai thác hiệu quả.
Theo tôi, bài học hàng đầu cần đặt ra với các cấp chính quyền là cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ môi trường, cũng như quản lý đô thị văn minh.
Việc đề ra 12 định hướng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 là rất cần thiết, song theo tôi nên đề cập sâu hơn nữa về phát triển kinh tế biển. Tôi mong muốn Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là đại hội hướng mạnh ra biển để Việt Nam thực sự là một cường quốc về biển. Muốn vậy phải tạo đột phá về thể chế để quản lý và khai thác tiềm năng kinh tế biển.
Tiến sĩ Cầm Văn Đoản, Ủy viên Hội đồng tư vấn về dân tộc, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:
Phải có một cuộc cách mạng trong lâm nghiệp
Trong các kỳ đại hội Đảng gần đây, nhất là giai đoạn 2011-2020, trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều đưa nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ số 1 của các tỉnh miền núi và Tây Nguyên. Chúng ta cũng đã thực hiện một loạt chương trình bảo vệ, phát triển rừng; ban hành nhiều cơ chế, chính sách liên quan. Nhưng đến nay, kết quả bảo vệ và phát triển rừng vẫn không được như mong muốn vì người bảo vệ rừng, trồng rừng chưa thể sống được, làm giàu được từ rừng.
Do đó, tôi kiến nghị phải có một cuộc cách mạng mới trong lâm nghiệp: Phải thống nhất lại các quan điểm về phát triển rừng; phải đổi mới căn bản cơ chế chính sách quản lý, bảo vệ phát triển rừng; phải tổ chức sản xuất, kinh doanh rừng theo chuỗi giá trị với sự tham gia của doanh nghiệp đầu tàu, đơn vị nghiên cứu khoa học, hợp tác xã dịch vụ và người dân làm lâm nghiệp. Cơ chế, chính sách mới phải bảo đảm cho người bảo vệ, phát triển rừng có thể sống được, làm giàu được. Chỉ có như vậy thì rừng mới có thể được bảo vệ và phát triển, đời sống nhân dân các dân tộc thiểu số mới có thể được nâng lên...
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Thanh Nhàn:
Phản ánh đúng tốc độ tăng trưởng
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn chung sức, đồng lòng tận dụng mọi cơ hội, bình tĩnh, chủ động vượt qua khó khăn để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020. Những kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong quá trình thực hiện được phản ánh đầy đủ, khách quan, sát với thực tiễn trong nội dung dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Theo dự thảo, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) trong 10 năm qua dự kiến đạt 5,9%/năm, quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020 là hoàn toàn phù hợp, phản ánh đúng tốc độ tăng trưởng kinh tế vĩ mô.
Dự thảo báo cáo cũng đánh giá chính xác về tốc độ tăng năng suất lao động, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ. Các chỉ số về phát triển văn hóa, xã hội, con người, chăm sóc sức khỏe nhân dân… được nhìn nhận khách quan. Trong đó, cá nhân tôi đặc biệt ấn tượng với kết quả: “Tỷ lệ hộ nghèo cả nước giảm nhanh, từ 14,2% năm 2010 xuống còn 7% năm 2015 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015) và giảm từ 9,2% năm 2016 xuống dưới 3% vào năm 2020 (theo chuẩn nghèo đa chiều)”.
Ngoài ra, dự thảo báo cáo cũng nhìn nhận thẳng thắn, phân tích thấu đáo 10 nội dung còn hạn chế, yếu kém. Theo tôi, chỉ có nhìn rõ nguyên nhân của tồn tại, hạn chế từ đó mới có thể đưa ra được đường hướng phát triển chính xác cho giai đoạn tới.